Vài tháng trước, Sodu.asia đã đăng tải phân tích về Crowd1, một dự án đầu tư nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Kể từ thời điểm đó, Crowd1 đã có nhiều thay đổi như ra mắt các sản phẩm mới như Miggster, LifeTRNDS hay mới đây nhất, CEO của Crowd1 là Johan Staël von Holstein được xác nhận là đã rời dự án. Đồng thời, tại Việt Nam, Crowd1 cũng bị VTV và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công thương) cảnh báo là kinh doanh đa cấp trái phép. BBC News Africa, bộ phận tin tức châu Phi của kênh truyền hình uy tín BBC News của Anh gần đây cũng đã thực hiện phóng sự cảnh báo người dân châu lục này cẩn thận với Crowd1 khi mà dự án lừa đảo này đang hoạt động rất mạnh ở châu lục này nhằm lôi kéo thành viên.
Vậy đâu là sự thật về Crowd1 giữa những luồng thông tin trái chiều này? Trong bài viết của ngày hôm nay, Sodu.asia sẽ tiếp tục đưa ra phân tích chi tiết hơn về Crowd1, dựa trên những thông tin cập nhật liên quan tới dự án này.
>> Đọc thêm phần 1: Crowd1 là gì? Crowd1 đa cấp, lừa đảo như thế nào? Nhà đầu tư cần cảnh giác!
Các cập nhật mới nhất về Crowd1
Kể từ phân tích gần đây nhất của Sodu, dự án Crowd1 đã trải qua những thay đổi nhất định. Trước khi đi vào phân tích chi tiết, Sodu sẽ liệt kê những thay đổi này để những ai quan tâm có thể nắm được tình trạng hiện tại của Crowd1.
Ra mắt các sản phẩm mới: Epic1 Lotto, Miggster, LifeTRNDS, SAFer và Tribute
Vào tháng 7, Crowd1 công bố việc hợp tác với LifeTRNDS, SAfer và Tribute để bắt đầu cung cấp các sản phẩm dịch vụ tới khách hàng. Theo đó, LifeTRNDS là một online travel agency (OTA), và từ sự hợp tác này, các thành viên của Crowd1 sẽ có thể đặt những kỳ nghỉ giảm giá, còn lợi nhuận thu được sẽ được phân phối lại thông qua các gói thù lao của Crowd1.

SAFer được giới thiệu là một ứng dụng an ninh cá nhân được phát triển riêng cho thị trường Nam Phi. Cụ thể hơn, SAFer sẽ theo dõi hành trình của bạn để đảm bảo không có mối nguy hiểm nào xảy ra. Ví dụ, bạn có thể nhập khoảng cách và thời gian từ nhà đến nơi làm việc, và nếu SAFer phát hiện dấu hiệu gì bất thường trên hành trình của bạn, ứng dụng này sẽ liên hệ với bạn hoặc số điện thoại khẩn cấp.
Cuối cùng, Tribute được quảng cáo là “một sản phẩm phong cách sống với mục tiêu khiến những sản phẩm sang trọng trở nên dễ tiếp cận”. Cụ thể hơn, đây là một website bán các sản phẩm nước hoa, chăm sóc da và trang điểm hoạt động tại thị trường Nigeria. Cũng như LifeTRNDS, Tribute cũng được giới thiệu là sẽ cung cấp nhiều ưu đãi độc quyền cho thành viên của Crowd1, đồng thời lợi nhuận thu được cũng sẽ được phân phối lại cho mạng lưới của Crowd1.
Subscribe kênh YouTube của Sodu để nhận phân tích các dự án đầu tư: https://bit.ly/2H6ubT7
Vào giữa tháng 11 vừa qua, Crowd1 cũng đã ra mắt Miggster. Miggster là một nền tảng thể thao điện tử (eSports) và gaming xã hội được vận hành bởi Emerge Gaming Limited và được quảng bá bởi Crowd1 và Tecnología de Impacto Múltiple (TIM) – một công ty liên kết của Crowd1.

Theo đó, với khoản phí €7.50 mỗi tháng, người dùng Miggster có thể tiếp cận 100 tựa game khác nhau và các giải đấu với quy mô toàn cầu. Người dùng Miggster không cần phải sở hữu các thiết bị phần cứng chuyên biệt như Xbox, PlayStation hay gaming PC, mà danh mục game của Miggster sẽ được lưu trữ trên nền tảng đám mây Miggster Game Cloud và được stream tới thiết bị của người dùng.
Emerge Gaming Limited, đối tác vận hành Miggster, là một doanh nghiệp giải trí sở hữu các nền tảng thi đấu eSports và casual gaming trực tuyến. Emerge Gaming Limited đã niêm yết trên sàn chứng khoán Úc (Australian Securities Exchange – ASX) từ năm 2018. Theo thông tin từ Crowd1, đã có hơn 11 triệu thành viên của Crowd1 đăng ký sớm để tham gia Miggster từ trước khi sản phẩm này ra mắt.

Và mới đây nhất, Crowd1 cũng đã cho ra mắt Epic1 Lotto vào ngày 19/12 vừa qua. Epic1 Lotto được giới thiệu là dịch vụ mua hộ vé xổ số của các giải xổ số lớn như Powerball, Mega Millions, Lotto America hay EuroMillions cho mọi người ở khắp nơi trên thế giới.
CEO Johan Staël von Holstein rời dự án
Ngày 11/12/2020 vừa rồi, Crowd1 đột ngột phát đi thông cáo báo chí, trong đó cho biết CEO Johan Staël von Holstein đã từ chức và rời công ty vì lý do sức khỏe kể từ ngày 23/11/2020. Johan Westerdahl, người trước đó giữ chức Giám đốc Thương mại (Chief Commercial Officer) của Crowd1 sẽ thay thế Johan Staël von Holstein đảm nhiệm vị trí CEO. Cũng trong thông cáo này, Jonas Erik Werner, người sáng lập của Crowd1 cho biết dù cảm thấy tiếc vì phải nói lời chia tay với “một nhân cách lớn nhiều kiến thức”, bản thân ông và hội đồng quản trị tôn trọng quyết định của Johan Staël von Holstein, đồng thời bày tỏ sự biết ơn Johan vì những đóng góp của ông với Crowd1.
Được biết, trước khi phát đi thông cáo này, Johan Staël von Holstein cùng Jonas Erik Wener, vốn đều là công dân Thụy Sĩ, đều đang cư trú tại Tây Ban Nha, nơi công ty mẹ Impact Crowd Technology Group (ICT) của Crowd1 đăng ký kinh doanh và điều hành Crowd1 từ đây.

Trước đó, Johan Staël von Holstein dường như đã cố gắng giảm bớt mối liên hệ giữa mình và Crowd1. Hồi tháng 4, khi trả lời một email từ kênh tin tức Trijo News, đơn vị trực thuộc sàn giao dịch tiền điện tử Trijo của Thụy Điển, khi được hỏi về việc có một số thành viên Thụy Điển muốn rút tiền từ Crowd1 thông qua các phương thức khác ngoài bitcoin, Johan đã nói rằng “Tôi không có mối liên hệ gì với Crowd1 và không nắm rõ những chi tiết như vậy”. Johan giải thích cụ thể về điều này như sau: “Tôi không nói giảm về vai trò của mình tại Crowd1. Tôi không đóng vai trò gì trong công ty đó. Tôi là CEO của ICT, đơn vị nắm quyền sở hữu thương hiệu, hệ thống và một phần hoạt động kinh doanh của Crowd1”.
Tham gia đầu tư bất động sản công nghệ với số vốn thấp cùng RealStake để gia tăng tài sản ngay từ hôm nay: https://realstake.net?grsf=kg36yc
Tuy nhiên, trên thực tế, Johan Staël von Holstein đã từng nhiều lần xuất hiện trong các sự kiện và các ấn phẩm truyền thông của Crowd1, cũng như trả lời phỏng vấn với báo giới với tư cách CEO. Đồng thời, website của Impact Crowd Technology Group (ICT) cũng liệt Crowd1 vào danh sách các sản phẩm dịch vụ của mình. Do đó, không thể phủ nhận mối liên hệ mật thiết giữa Johan Staël von Holstein và Crowd1.

Do đó, việc Johan rời vị trí CEO đã dấy lên không ít lo ngại trong cộng đồng các nhà đầu tư. Nguyên nhân điều này diễn ra hết sức đột ngột, khi mà đầu năm nay Johan còn lên sân khấu trình bày về lộ trình từ 3 đến 5 năm để đưa Crowd1 niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ và trở thành một công ty đại chúng. Bản thân thông cáo báo chí cũng được phát hành rất muộn (Johan đã từ chức từ ngày 23/11 nhưng đến ngày 11/12, tức là gần 1 tháng sau thông cáo báo chí mới được phát hành). Thông cáo báo chí của Crowd1 cũng không đề cập đến các hoạt động hay dự định tiếp theo của Johan Staël von Holstein, mà chỉ tuyên bố một cách bí hiểm rằng: “Sẽ không có thêm bất kỳ bình luận nào về sự việc trên kể từ thời điểm này”.
Chưa hết, thời điểm diễn ra chuyện này cũng bất thường khi mà trong thời gian gần đây Crowd1 liên tục trở thành đối tượng cảnh báo của các cơ quan quản lý của nhiều quốc gia. Không ít nhà đầu tư đã đặt ra giả thuyết rằng CEO Johan đã ôm tiền của nhà đầu tư và trốn chạy.
Thêm nhiều cơ quan chính phủ các nước tiếp tục cảnh báo Crowd1
Như đã đề cập, trong thời gian gần đây, nhiều cơ quan quản lý của các quốc gia liên tục đưa ra cảnh báo người dân nước mình về Crowd1. Chỉ từ đầu tháng 12 đến nay, Crowd1 đã nhận liên tiếp hàng loạt cảnh báo như vậy.
Cụ thể, vào ngày 03/12, Ngân hàng Quốc gia Slovakia (National Bank of Slovakia – NBS), tức ngân hàng trung ương của Slovakia, chịu trách nhiệm quản lý hệ thống tiền tệ của quốc gia này đã ban hành cảnh báo lừa đảo chứng khoán đối với Crowd1. Thông báo của cơ quan này nêu rõ: “Crowd1 Network Ltd. và Impact Crowd Technology S.L. không chịu sự quản lý của NBS; các công ty này không được NBS cho phép thực hiện bất kỳ hoạt động nào trong thị trường tài chính Slovakia, đồng thời không được đăng ký với NBS”.
Ngân hàng Trung ương Hungary (MNB) gần đây cũng đưa Crowd1 vào danh sách các công ty bị cấm tại quốc gia này. Theo đó, “Crowd1 không nằm trong danh sách các công ty được đăng ký với MNB, do đó không được phép tiến hành các hoạt động chịu sự quản lý của cơ quan này, tức là các hoạt động dịch vụ tài chính, tại Hungary”.

Tương tự, Ngân hàng Quốc gia Séc (Czech National Bank – CNB) cũng đưa ra cảnh báo Crowd1 lừa đảo chứng khoán vào ngày 09/12. Ngân hàng Quốc gia Séc đóng vai trò ngân hàng trung ương của Cộng hòa Séc, chịu trách nhiệm quản lý hệ thống tiền tệ của quốc gia này. Thông báo của cơ quan này nêu rõ: “CROWD1 Network Ltd. và Impact Crowd Technology SL không được cấp phép cung cấp các khoản đầu tư hay bất kỳ dịch vụ nào khác trên thị trường tài chính của Cộng hòa Séc và Ngân hàng Quốc gia Séc không giám sát các công ty này. Mọi khoản đầu tư, do đó, không được đảm bảo về mặt luật pháp”.
Xem thêm: Làm thế nào để giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ?
Gần đây nhất, Cơ quan Quản lý Ngân hàng, Bảo hiểm và Quỹ hưu trí tư nhân (SBS) của Peru cũng đưa ra cảnh báo lừa đảo với Crowd1 vào ngày 14/12, cùng với một số dự án khác như Omega Pro, AirBit Club và IM Mastery Academy. Thông báo của SBS khẳng định rằng các dự án này không được SBS cho phép kêu gọi vốn trong cộng đồng.
Trước đó, Crowd1 đã nhận cảnh báo từ các cơ quan chức năng có liên quan thuộc chính phủ các quốc gia gồm New Zealand, Mauritius, Nam Phi, Philippines, Na Uy, Namibia, Paraguay, Gabon, Việt Nam, Bờ Biển Ngà. Tổng cộng, Crowd1 đã bị 14 quốc gia cảnh báo về hoạt động của mình.
VTV, BBC đồng loạt đăng tải phóng sự điều tra
Hồi tháng 6, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã phát sóng phóng sự điều tra về Crowd1. Phóng sự này khẳng định Crowd1 không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam, đang thực hiện huy động vốn trái phép theo mô hình đa cấp, hướng đến người dân thiếu kiến thức tại các vùng quê, không có sản phẩm dịch vụ cụ thể và giá cổ phiếu ảo không có thật.
Đầu tháng 11 vừa rồi, thêm một cơ quan truyền thông uy tín khác là BBC News Africa, bộ phận tin tức châu Phi của kênh truyền hình BBC News của Anh đã lên tiếng cảnh báo người dân châu lục này cẩn thận với Crowd1 khi mà dự án lừa đảo này đang hoạt động rất mạnh ở đây nhằm lôi kéo thành viên. Cuộc điều tra của BBC News Africa kéo dài 6 tháng, xem xét nhiều bằng chứng như việc Crowd1 không có sản phẩm dịch vụ cụ thể, chỉ bán gói đầu tư cho người dân tại các quốc gia có thu nhập thấp, và hoạt động theo mô hình kim tự tháp phụ thuộc hoàn toàn vào việc tuyển dụng người mới tham gia, để đưa ra kết luận đây là một dự án lừa đảo.
Phản hồi từ Crowd1 trước các cáo buộc
Trước những cáo buộc lừa đảo từ nhiều nguồn khác nhau, Crowd1 đã đưa ra những phản hồi. Theo đó, trước nhận định Crowd1 không cung cấp một sản phẩm dịch vụ cụ thể nào, doanh nghiệp này cho biết Crowd1 có cung cấp các sản phẩm gồm SAfer, Tribute và LifeTRNDS cùng một số sản phẩm khác, bên cạnh một số gói giáo dục. Crowd1 cũng cho biết việc ra mắt một số sản phẩm có chậm hơn dự kiến do ảnh hưởng của Covid-19.
Đối với những cáo buộc rằng Crowd1 bán các gói đầu tư tài chính cho người dân ở các nước thu nhập thấp, Crowd1 phản bác rằng doanh nghiệp này cung cấp chỉ công cụ kiếm tiền cho những người tham gia dưới dạng các sản phẩm tiếp thị số (digital marketing).
Do đó, theo Crowd1, doanh nghiệp này không cung cấp sản phẩm đầu tư hay dịch vụ tài chính, do đó không cần phải đăng ký với các cơ quan quản lý như là một doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính. Đồng thời, Crowd1 khẳng định việc tham gia vào Crowd1 không giống như mua cổ phiếu của một công ty và trông chờ việc giá cổ phiếu tăng để kiếm lợi nhuận, mà người tham gia Crowd1 cần phải luôn luôn làm việc và tạo ra doanh thu để có thể nhận được thù lao.
Crowd1 chuẩn bị sập? Thêm các bằng chứng chứng minh Crowd1 đa cấp, lừa đảo
Có thể thấy rằng, càng ngày càng có nhiều nguồn thông tin trái chiều liên quan tới Crowd1. Tuy nhiên, các phân tích chi tiết về Crowd1, đặc biệt trong bối cảnh dự án này có nhiều thay đổi so với trước đây lại gần như không có. Do đó, trong phần này, Sodu sẽ đưa ra các phân tích về Crowd1 ở thời điểm hiện tại, cũng như dự đoán về tương lai của dự án đang nhận được rất nhiều sự quan tâm này.
Bản chất các “sản phẩm” mới ra mắt của Crowd1
Thoạt nhìn, việc Crowd1 ra mắt Miggster, LifeTRNDS, SAFer và Tribute dường như chứng minh được việc Crowd1 có sản phẩm dịch vụ cụ thể để tạo ra nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, chứ không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào việc tuyển dụng người mới tham gia vào hệ thống.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào mỗi sản phẩm dịch vụ này, có thể thấy chúng không như những gì được quảng cáo.
LifeTRNDS
Đầu tiên, LifeTRNDS được quảng cáo rầm rộ tới cộng đồng Crowd1 như là một nền tảng đặt dịch vụ du lịch, cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn như Expedia và Booking.com. Thế nhưng trên thực tế, khi truy cập vào trang chủ của LifeTRNDS, không thể đặt phòng khách sạn hay resort. Thay vào đó, trang chủ LifsTRNDS lại quảng bá các gói thành viên, bao gồm Free Customer, Digital Business Owner (DBO) và DBO Pro.

Đáng chú ý, các gói thành viên là LifeTRNDS cung cấp không phải để sử dụng bất kỳ sản phẩm dịch vụ nào của công ty này, mà là để người mua gói có thể bắt đầu tham gia giới thiệu LifeTRNDS để nhận hoa hồng. Hơn thế nữa, hoa hồng của LifeTRNDS cũng theo hình thức đa cấp. Nói cách khác, LifeTRNDS cũng là một dự án không có sản phẩm dịch vụ cụ thể, với nguồn thu duy nhất là từ tiền mua gói của các thành viên mới được tuyển dụng.

Tìm hiểu kỹ hơn, được biết LifeTRNDS được sáng lập và quản lý bởi Mark Seyforth. Mark Seyforth từng là CEO của Goodlife USA thành lập hồi năm 2016. Tương tự như LifeTRNDS, Goodlife USA cũng được quảng bá là một nền tảng du lịch cho phép đặt nhiều dịch vụ như khách sạn, du thuyền, vé máy bay, thuê xe, conceirge,… nhưng cũng chủ yếu bán gói thành viên thông qua hình thức đa cấp. Dù website của Goodlife USA vẫn có thể truy cập được, dự án này đã ngừng hoạt động, với bài viết cuối cùng trên trang Facebook được đăng tải từ năm 2018. Trên hồ sơ LinkedIn của mình, Mark Seyforth cũng tự giới thiệu bản thân là một “chuyên gia bán hàng đa cấp” (multilevel marketing).
Như vậy, có thể kết luận rằng LifeTRNDS cũng là một dự án đa cấp, lừa đảo với nguồn thu duy nhất từ tuyển dụng thành viên mới mua gói chứ không có hoạt động kinh doanh cụ thể. Do đó, việc Crowd1 hợp tác với LifeTRNDS để quảng bá dự án này, thay vì giúp chứng minh uy tín của Crowd1, thì lại càng khiến Crowd1 thêm phần đáng ngờ.
SAFer
Tiếp theo, SAFer, ứng dụng an ninh cá nhân dành cho thị trường Nam Phi hiện đang được Crowd1 quảng bá, cũng không cho thấy nhiều triển vọng. Theo phân tích của trang BehindMLM, địa chỉ website của SAFer (https://safer.africa/) được đăng kí lần đầu vào năm 2019, nhưng mới được cập nhật vào ngày 04/07/2020. Phân tích mã HTML của website này cho thấy mã website mới chỉ được đăng tải vào tháng 06/2020, đồng nghĩa với việc website của SAFer mới được phát triển vào thời điểm này.

Thông tin từ website và chợ ứng dụng cho thấy SAFer được phát triển bởi Panic Guard, một công ty phát triển ứng dụng “nhãn trắng”. “Nhãn trắng” (white label) đề cập đến một sản phẩm dịch vụ được phát triển bởi một công ty, nhưng mang thương hiệu của một công ty khác, tạo cảm giác sản phẩm dịch vụ đó được phát triển bởi công ty sở hữu thương hiệu đó. Việc trang chủ của Panic Guard không hề liệt kê SAFer trong danh sách các sản phẩm dịch vụ của mình là minh chứng cho chuyện này.
Như vậy, có thể kết luận rằng, SAFer đã được đội ngũ Crowd1 thuê Panic Guard phát triển trong thời gian gần đây, sau đó quảng bá rằng đây là một doanh nghiệp độc lập và tiến hành hợp tác, với mục tiêu trấn an cộng đồng rằng Crowd1 có đối tác uy tín và có sản phẩm dịch vụ cụ thể là ứng dụng SAFer.
Hiện tại, ứng dụng SAFer cũng chỉ thu hút hơn 1,000 lượt tải trên chợ ứng dụng Google Play, một con số tương đối khiêm tốn. Bên cạnh, ứng dụng này cũng nhận được nhiều đánh giá không mấy tích cực xoay quanh việc thường xuyên bị lỗi, nhưng không có đánh giá nào nhận được phản hồi từ đội ngũ phát triển.
Tribute
Tribute, một website thương mại điện tử bán các sản phẩm nước hoa, chăm sóc da và trang điểm hoạt động tại thị trường Nigeria đang được Crowd1 giới thiệu là đối tác cũng không tạo được cảm giác an tâm. Dù đã ra mắt từ tháng 04/2018, đến nay, giao diện trang chủ của Tribute vẫn vô cùng sơ sài, với vỏn vẹn 23 sản phẩm.

Dù được quảng bá là được thành lập với “mục tiêu khiến những sản phẩm sang trọng trở nên dễ tiếp cận”, thế nhưng Tribute lại hoàn toàn thiếu vắng sản phẩm từ các tên tuổi lớn của lĩnh vực mỹ phẩm. Thay vào đó, toàn bộ sản phẩm đều mang thương hiệu Tribute. Điều này khá mâu thuẫn khi Tribute hoàn toàn chưa có bất kỳ chỗ đứng nào trong giới hàng xa xỉ, hay thậm chí, đất nước Nigeria mà doanh nghiệp này hoạt động cũng khó có thể coi là một quốc gia được đánh giá cao trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý khác về Tribute là doanh nghiệp này cũng hoạt động theo hình thức đa cấp. Theo đó, Tribute sử dụng một mạng lưới nhà phân phối cá nhân để bán sản phẩm. Để bắt đầu kinh doanh với Tribute, các nhà phân phối cá nhân này cần đặt đơn hàng tối thiểu 24.000 đô la Nigeria. Tribute hứa hẹn các nhà phân phối cá nhân có thể kiếm được mức lợi nhuận hấp dẫn từ 26% đến 34% trên mỗi sản phẩm bán ra, đồng thời có thể hưởng hoa hồng từ doanh số của những nhà phân phối cá nhân khác mà họ giới thiệu tham gia hệ thống. Các nhà phân phối cá nhân này được chia thành 3 cấp là Tributer, Manager và Leader tùy theo doanh số và số tuyến dưới tuyển dụng được. Ngoài ra, Tribute còn cung cấp nhiều cơ chế hoa hồng khác bao gồm power start bonus, promotion bonus, matching promotion bonus và family bonus.
Từ những yếu tố này, có thể nhận định rằng tuyên bố hợp tác với Tribute của Crowd1 cũng chỉ là một chiêu trò trong nỗ lực chứng minh Crowd1 có sản phẩm dịch vụ cụ thể. Tuy nhiên, tương tự như trường hợp LifeTRNDS, “đối tác” của Crowd1 cũng là một dự án đa cấp khác, khiến cho Crowd1 càng thêm phần đáng ngờ.
Miggster
Miggster, ra mắt vào giữa tháng 11, có thể coi là nỗ lực có vẻ thuyết phục nhất cho tới thời điểm hiện tại của Crowd1 trong việc chứng minh mình có sản phẩm dịch vụ cụ thể có khả năng tạo ra doanh thu.

Theo thông tin từ Crowd1, Miggster đã đạt được những con số ấn tượng, như việc đạt tới 11 triệu người dùng đăng ký sớm (pre-register) từ trước khi ra mắt chính thức, trong đó đa phần là các thành viên cộng đồng Crowd1. Bên cạnh đó, đơn vị vận hành Miggster, đối tác của Crowd1 trong thương vụ này là Emerge Gaming, một doanh nghiệp có thể nói là tương đối uy tín khi đã niêm yết trên sàn chứng khoán Úc (Australia Stock Exchange – ASX) từ tháng 04/2018 với mã EM1.
Tuy nhiên, cần đặt ra câu hỏi về vai trò thực sự của Crowd1 đối với Miggster.
Theo đó, Emerge Gaming vẫn đóng vai trò là đơn vị trực tiếp phát triển, quản lý và vận hành Miggster. Miggster hoạt động nhờ vào nền tảng công nghệ của Emerge Gaming, cũng như danh mục các trò chơi mà doanh nghiệp này sở hữu. Emerge Gaming cũng đứng ra tổ chức và trả tiền thưởng cho các giải đấu eSports trên Miggster.
Còn đối với Miggster, Crowd1 chủ yếu đóng vai trò quảng bá sản phẩm này tới cộng đồng, mà chính xác hơn là tới những người đã tham gia hệ thống của Crowd1 từ trước đó. Nói cách khác, Miggster không phải là sản phẩm dịch vụ được Crowd1 cung cấp như nhiều người lầm tưởng, mà Crowd1 chỉ đóng vai trò agency hỗ trợ Emerge Gaming đưa Miggster ra thị trường.
Khi tìm hiểu kĩ hơn, được biết theo thỏa thuận giữa Emerge Gaming và Tecnología de Impacto Múltiple (TIM) – công ty liên kết của Crowd1, đồng thời là pháp nhân ký kết hợp đồng, TIM đảm bảo trong vòng 6 tháng sẽ đem lại cho Emerge Gaming ít nhất 100.000 người dùng Miggster có trả phí. Như vậy, rõ ràng là Emerge Gaming chỉ muốn tận dụng số lượng thành viên đông đảo trong hệ thống của Crowd1 để đặt mục tiêu số lượng người dùng trong ngắn hạn.

Theo thông tin từ Emerge Gaming, tính tới thời điểm ngày 13/12, tức gần 1 tháng sau khi ra mắt, Migsster đạt 50.860 người dùng trả tiền. Trong đó, 37.512 người dùng mua gói truy cập theo năm, 5.026 người dùng mua gói truy cập 6 tháng và 8.322 người dùng mua gói truy cập theo tháng. So với 11 triệu lượt đăng ký sớm, số lượng người dùng trả tiền thực tế của Miggster khá khiêm tốn. Lý do là bởi những người đăng ký sớm không bị bắt buộc phải trở thành người dùng trả tiền. Điều này cũng phản ánh sự thật là chiến thuật hợp tác với Crowd1 của Ermerrge Gaming không hề hiệu quả như hãng này kỳ vọng, bởi đơn giản đối tượng người dùng của Miggster hoàn toàn khác biệt với cộng đồng Crowd1.
Không chỉ vậy, việc hợp tác với Crowd1 cũng khiến cho Emerge Gaming gặp rắc rối pháp lý với các cơ quan quản lý. Cổ phiếu của hãng này đã bị đình chỉ giao dịch trong vòng 6 tuần từ cuối tháng 10 cho tới đầu tháng 12/2020, sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Úc (ASX) yêu cầu Emerge Gaming cung cấp thêm thông tin về thỏa thuận hợp tác với TIM và số liệu người đăng ký sớm được công bố.
Tóm lại, Miggster không phải là một sản phẩm dịch vụ của Crowd1 như nhiều người vẫn lầm tưởng, và Crowd1 chỉ tận dụng số lượng thành viên trong hệ thống để thỏa thuận với chủ sở hữu thực sự của Miggster là Emerge Gaming để thu hút người dùng trong thời gian đầu ra mắt. Tuy nhiên, thỏa thuận hợp tác này cũng đang không cho thấy sự hiệu quả.
Epic1 Lotto
Epic1 Lotto được giới thiệu là sản phẩm mới nhất từ Crowd1, ra mắt vào tháng 12/2020. Theo giới thiệu trên trang chủ, Epic1 Lotto là dịch vụ mua hộ vé xổ số từ các giải xổ số lớn như Powerball, Mega Millions, Lotto America hay EuroMillions cho mọi người ở khắp nơi trên thế giới.
Epic1 Lotto là thương hiệu được vận hành bởi Magna Victoria Limited. Đáng lưu ý là Epic1 Lotto chỉ đóng vai trò đơn vị mua hộ vé số độc lập, chứ không có quan hệ hợp tác với các đơn vị quản lý các giải xổ số, chẳng hạn như Multi-State Lottery Association – MUSL (quản lý giải Powerball).

Thông tin của Magna Victoria Limited cho thấy doanh nghiệp này có đăng ký kinh doanh địa chỉ 65 Compton Street, London, Anh. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là Boris Carl Fredrik Staël von Holstein. Tìm hiểu kĩ hơn, được biết Boris Carl Fredrik Staël von Holstein có quốc tịch Thụy Sĩ, sinh năm 1967. Do đó, có thể kết luận tương đối chắc chắn rằng nhân vật này có quan hệ thân cận với Johan Staël von Holstein, CEO vừa từ chức của Crowd1.

Theo hình ảnh từ Google Street View, địa chỉ 65 Compton Street, London mà Magna Victoria Limited đăng ký kinh doanh chỉ là một mặt bằng quy mô nhỏ, với biển hiệu của 1 doanh nghiệp duy nhất có tên More.

Tuy nhiên, dữ liệu doanh nghiệp của Anh cho thấy có tới 534 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh tại địa chỉ này. Nguyên nhân là bởi More, doanh nghiệp vừa được đề cập là một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ kế toán và thành lập công ty tại Anh. Do đó, địa chỉ đăng ký kinh doanh tại 65 Compton Street, London của các doanh nghiệp như Magna Victoria Limited đều là địa chỉ “ảo”, được hỗ trợ đăng ký bởi More, trong khi hoạt động thực tế của các doanh nghiệp này diễn ra ở nơi khác.


Do đó, những ai quan tâm tới Crowd1 có lý do để lo lắng về hoạt động của Epic 1 Lotto. Rõ ràng, việc một doanh nghiệp sử dụng địa chỉ ảo mà không tiết lộ nơi hoạt động thực tế sẽ tiềm ẩn những rủi ro khi tranh chấp xảy ra, khiến cho khách hàng không biết khiếu nại tại đâu.
Ngoài ra, cũng cần đề cập đến việc tồn tại nhiều câu hỏi xoay quanh mô hình kinh doanh của Epic1 Lotto. Đầu tiên, Epic1 Lotto chỉ là bên thứ ba thực hiện mua hộ vé số chứ không có quan hệ hợp tác trực tiếp với các công ty quản lý giải xổ số, do vậy quyền lợi của người mua sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào Epic1 Lotto chứ không được các công ty xổ số đảm bảo, vì người đứng tên trên vé số vẫn thuộc về Epic1 Lotto.
Tiếp đó, theo như giới thiệu, Epic1 Lotto sẽ thực hiện mua hộ vé số cho khách hàng trên toàn thế giới. Như vậy, nếu có khách hàng trúng giải, việc tuân thủ các quy định về thuế thu nhập và chuyển tiền giữa các quốc gia với luật pháp khác nhau sẽ vô cùng phức tạp, trong khi Epic1 Lotto chưa làm rõ mình sẽ thực hiện điều này như thế nào. Cuối cùng, nếu có tranh chấp xảy ra, khách hàng sẽ là bên yếu thế do địa chỉ kinh doanh của Epic1 Lotto chỉ là một địa chỉ ảo.
Phân tích phản hồi của Crowd1 trước các cáo buộc đa cấp, lừa đảo
Trước phóng sự điều tra của BBC Africa, Crowd1 đã có phản hồi chính thức. Tuy nhiên, những phản hồi này không thực sự thuyết phục.
Cụ thể, trước cáo buộc rằng mình không cung cấp sản phẩm dịch vụ cụ thể nào, Crowd1 phản bác rằng mình có cung cấp các sản phẩm gồm SAfer, Tribute và LifeTRNDS cùng một số sản phẩm khác. Tuy nhiên, như đã phân tích ở phần trên, thực tế những thứ được Crowd1 gọi là “sản phẩm” của mình về bản chất cũng chỉ là những chiêu trò che đậy, hoặc không thuộc quyền sở hữu của Crowd1 nhưng được đội ngũ Crowd1 lập lờ đánh tráo khái niệm để khiến cho những ai quan tâm hiểu lầm.

Crowd1 cũng phản bác cáo buộc mình bán các gói đầu tư tài chính cho người dân ở các nước thu nhập thấp, với luận điểm doanh nghiệp này cung cấp chỉ công cụ kiếm tiền cho những người tham gia dưới dạng các sản phẩm tiếp thị số (digital marketing). Tuy nhiên, việc lập lờ giữa các khái niệm tiếp thị số (digital marketing), tiếp thị liên kết (affiliate marketing) với đa cấp (multi-level marketing) là điều thường thấy trong các dự án đa cấp. Trên thực tế, để có thể tham gia vào các chương trình của Crowd1, một cá nhân bắt buộc phải bỏ tiền ra mua gói để trở thành thành viên trong hệ thống Crowd1. Trong khi đó, điều này hoàn toàn không tồn tại trong các nền tảng tiếp thị số hay tiếp thị liên kết khác.
Cũng theo Crowd1, doanh nghiệp này không cung cấp sản phẩm đầu tư hay dịch vụ tài chính, do đó không cần phải đăng ký với các cơ quan quản lý như là một doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, điều này không chính xác, khi mà trong giai đoạn đầu, Crowd1 đã kêu gọi thành viên tham gia mua gói để nhận quyền sở hữu cổ phiếu (owner rights) theo nhiều mức khác nhau.
Trong lập luận cuối cùng của mình, Crowd1 khẳng định việc tham gia vào Crowd1 không giống như mua cổ phiếu của một công ty và trông chờ việc giá cổ phiếu tăng để kiếm lợi nhuận, mà người tham gia Crowd1 cần phải luôn luôn làm việc và tạo ra doanh thu để có thể nhận được thù lao. Trong khi vế đầu của lập luận này không chính xác như vừa phân tích, việc nói rằng “người tham gia Crowd1 cần phải luôn luôn làm việc và tạo ra doanh thu để có thể nhận được thù lao” cho thấy bản chất đa cấp của Crowd1. Bởi, nếu coi quan hệ giữa Crowd1 và các thành viên là người sử dụng lao động và người sử dụng lao động thì không hợp lý, bởi Crowd1 không có quyền quản lý đối với các thành viên với tư cách người mua sức lao động. Thế nhưng nếu coi các thành viên của Crowd1 là nhà thầu cá nhân cung ứng dịch vụ cho Crowd1 là bên sử dụng dịch vụ thì cũng không hợp lý, khi mà các thành viên bị bắt buộc mua gói của Crowd1 mới có thể bắt đầu giới thiệu về Crowd1 để kiếm hoa hồng.

Đồng thời, công việc mà các thành viên cần “luôn luôn làm” theo Crowd1, trên thực tế không phải gì khác ngoài tuyển dụng người mới mua gói thành viên để tham gia vào hệ thống của Crowd1, chứ không phải một hoạt động kinh doanh sản phẩm dịch vụ cụ thể nào cả. Điều này cho thấy Crowd1 vẫn chủ yếu hoạt động từ nguồn tiền thu được từ người vào sau, tức hoạt động theo mô hình đa cấp kim tự tháp, hay còn gọi là Ponzi.
Ngoài ra, đối với những cáo buộc của các ngân hàng trung ương cũng như các cơ quan quản lý có thẩm quyền từ 14 quốc gia, Crowd1 hiện vẫn chưa đưa ra được phản hồi cụ thể và xác đáng nào.
Lời kết
Như vậy, dù đã có những chuyển biến đáng chú ý trong suốt năm 2020, về bản chất, Crowd1 vẫn là một dự án đa cấp, lừa đảo. Và trong bối cảnh CEO của Crowd1 đã ra đi, cũng như ngày càng bị các cơ quan chức năng để ý nhiều hơn, tương lai của Crowd1 càng đáng quan ngại hơn bao giờ hết.