FVP Trade là gì? FVP Trade có phải đa cấp, lừa đảo? (phần 3)

Trong bài viết phần 1, Sodu đã giới thiệu sơ lược về FVP Trade và những hình thức kiếm tiền với doanh nghiệp này, còn trong bài viết phần 2, Sodu đã phân tích về tính pháp lý cùng mô hình kinh doanh của FVP Trade. Trong phần 3 này, Sodu sẽ phân tích những khía cạnh còn lại về FVP Trade và đưa ra kết luận cuối cùng về doanh nghiệp này cho những ai đang có ý định đầu tư.

Dòng tiền

Như đã đề cập, trong thời gian gần đây, FVP Trade đang tập trung thu hút khách hàng đầu tư vào tài khoản PAMM – tức hình thức đầu tư ủy thác vào tài khoản do FVP Trade quản lý. Bên cạnh điểm bất thường trong việc cam kết một mức lợi nhuận hấp dẫn và đều như vắt chanh cho các nhà đầu tư khi tham gia, khi đi sâu tìm hiểu, bài toán về dòng tiền của hình thức đầu tư tài khoản PAMM của FVP Trade cũng có nhiều điểm đáng nghi vấn.

Cụ thể, FVP Trade có nhiều chương trình thưởng hoa hồng cho các thành viên tham gia giới thiệu khách hàng đầu tư tài khoản PAMM. Điều đáng nói là tỷ lệ hoa hồng phát triển hệ thống của FVP Trade rất cao. Hiện FVP Trade đang trả mức tiền thưởng giới thiệu (referral bonus) tương đương 50% mức lợi nhuận của người được giới thiệu từ việc đầu tư tài khoản PAMM cho người giới thiệu ở hạng Thành viên, và 100% mức lợi nhuận cho người giới thiệu ở hạng IB, SIB, DIB hoặc MIB. Số tiền thưởng giới thiệu này còn được trả cho người giới thiệu mỗi tháng, miễn là người được giới thiệu vẫn đang tiếp tục đầu tư với FVP Trade.

Subscribe kênh YouTube để theo dõi review các dự án đầu tư mới nhất: https://bit.ly/2H6ubT7

Như vậy, giả sử bạn đang tham gia FVP Trade ở hạng IB, và bạn giới thiệu thành công một người tham gia đầu tư tài khoản PAMM ở mức độ rủi ro High (rủi ro cao). Lúc này, mỗi tháng, FVP Trade sẽ phải trả lãi cho người được bạn giới thiệu 10% số tiền đầu tư vào tài khoản PAMM và trả cho bạn tiền thưởng giới thiệu số tiền ngang với lợi nhuận của người được bạn giới thiệu. Trong trường hợp này, tổng cộng FVP Trade sẽ phải chi trả số tiền tương đương 20% số tiền đầu tư vào tài khoản PAMM của người được bạn giới thiệu mỗi tháng. Nếu như người được bạn giới thiệu đã đầu tư đủ 270 ngày và đủ điều kiện nhận tiền thưởng chu kỳ, số tiền mà FVP Trade phải chi trả mỗi tháng sẽ tương đương 24% tiền đầu tư vào tài khoản PAMM của người đó.

Nếu như tính cả các loại hình hoa hồng phát triển hệ thống khác, gồm thưởng nhóm (tương đương 3-5% lợi nhuận đầu tư của người được giới thiệu), thưởng quản lý (tương đương 5-20% lợi nhuận đầu tư của người được giới thiệu), hồi khấu hoa hồng (tương đương 5-15% số tiền đầu tư của người được giới thiệu), mỗi tháng FVP có thể phải trả cho nhà đầu tư và những người giới thiệu số tiền rơi vào khoảng 30-40% giá trị đầu tư vào tài khoản PAMM.

Việc trả hoa hồng cho những thành viên tham gia giới thiệu khách hàng đầu tư tài khoản PAMM của FVP Trade có nhiều điểm bất thường. Đầu tiên, các đơn vị quản lý tài sản ủy thác thường không áp dụng cơ chế hoa hồng giới thiệu cho bên thứ ba, đặc biệt là bên thứ ba cá nhân để thu hút nhà đầu tư. Nếu có, thì tỷ lệ hoa hồng này thường phổ biến không vượt quá 0.2% giá trị đầu tư, thay vì một tỷ lệ cao như FVP Trade đang áp dụng.

Bởi, như đã phân tích trong phần trước, theo mô hình kinh doanh này, các đơn vị quản lý tài sản ủy thác thường thu phí quản lý tài sản thường niên ở mức 1-2% tổng giá trị tài sản (Asset under Management – AuM) và một phần lợi nhuận từ việc đầu tư (phổ biến ở mức 20% lợi nhuận kiếm được trong năm). Do khả năng thu được lợi nhuận là không chắc chắn 100%, khoản phí quản lý tài sản thường dùng để trang trải cho các chi phí hoạt động của đơn vị quản lý tài sản, chẳng hạn như thuê văn phòng, lương nhân sự hay các chi phí marketing.

Trong khi đó, FVP Trade không chỉ không thu phí quản lý của những người tham gia đầu tư – đồng nghĩa với việc nguồn doanh thu khả thi duy nhất là từ chia sẻ lợi nhuận từ việc đầu tư (nếu có), mà còn chi trả số tiền lợi nhuận đã cam kết và hoa hồng cao ngất ngưởng lên tới 30-40% giá trị tài sản đầu tư cho họ và những người giới thiệu. Điều này tạo ra áp lực khủng khiếp lên dòng tiền của FVP Trade, khi mà mỗi tháng doanh nghiệp này sẽ cần đạt lợi nhuận từ việc đầu tư lên tới 45-50% mới đủ để chi trả các chi phí hoạt động cũng như trả lãi cho nhà đầu tư và hoa hồng cho những người giới thiệu. Đây là một mức lợi nhuận không tưởng mà có lẽ chưa từng có quỹ đầu tư nào trong lịch sử đạt được, chứ chưa nói đến trong một giai đoạn thị trường có nhiều bất ổn như hiện nay.

Ngoài ra, cũng cần đề cập đến cơ cấu vốn của FVP Trade. Thông thường, các đơn vị quản lý tài sản luôn tìm kiếm các nguồn tiền có quy mô lớn và chi phí vốn rẻ, tiêu biểu là các ngân hàng đầu tư, quỹ hưu trí (pension fund) hay các cá nhân siêu giàu. Trong khi đó, FVP Trade lại làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ – lựa chọn mà chắc chắn sẽ khiến việc vận hành của doanh nghiệp này trỏ nên phức tạp hơn một cách không đáng có. Nếu như FVP Trade thực sự có khả năng sinh lời lớn và ổn định như được quảng cáo, tại sao doanh nghiệp này không thu hút được nguồn tiền từ các nhà đầu tư tổ chức lớn?

Hơn thế nữa, khi nhìn vào traffic truy cập trang chủ, một cách có thể giúp chúng ta suy luận được cơ cấu nhà đầu tư của FVP Trade, có thể nhận thấy rằng có một lượng truy cập lớn tới từ các quốc gia mà thị trường tài chính chưa thực sự phát triển như Malaysia, Venezuela hay Bồ Đào Nha. Trong khi đó, các quốc gia mà FVP Trade tuyên bố có đăng ký như Anh (đăng ký FCA), Canada (đăng ký FINTRAC) hay Úc (đăng ký ASIC) lại hoàn toàn vắng bóng. Điều này cho thấy, ngay cả đối với các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp này cũng chỉ có khả năng thu hút những nhà đầu tư cá nhân từ những quốc gia mà thị trường tài chính chưa phát triển.

Phân tích traffic trang chủ FVP Trade theo SimilarWeb

Cơ cấu trả thưởng theo hình thức đa cấp

Nhìn vào cơ chế hoa hồng giới thiệu, không khó để nhận thấy FVP Trade đang hoạt động theo hình thức đa cấp, thể hiện qua việc đòi hỏi thành viên phải bỏ tiền đầu tư mới có thể bắt đầu giới thiệu để kiếm hoa hồng, cho phép hưởng hoa hồng đến tầng F6 cũng như hàng loạt khoản tiền thưởng hào phóng khác cho những người phát triển hệ thống.

Trong bối cảnh những yếu tố về tính pháp lý, mô hình kinh doanh và dòng tiền của FVP Trade khó có thể làm các nhà đầu tư tin tưởng, việc áp dụng cơ chế hoa hồng giới thiệu theo hình thức đa cấp càng khiến cho những nghi ngờ doanh nghiệp này lừa đảo có cơ sở. Bởi, nó cho thấy rằng FVP Trade đang không chú trọng việc đảm bảo nghĩa vụ với nhà đầu tư thông qua minh bạch thông tin, một điều tối cơ bản với các đơn vị quản lý tài sản, thay vào đó chỉ tập trung thu hút các nhiều vốn càng tốt. Điều này khiến cho FVP Trade có dấu hiệu của một dự án lừa đảo theo kiểu Ponzi, sử dụng tiền của người sau để trả lãi cho người trước, thay vì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

Cũng cần phải nói thêm rằng, lĩnh vực tài chính đầu tư là một lĩnh vực nhạy cảm, và việc môi giới, giới thiệu các sản phẩm trong lĩnh vực này, đặc biệt là theo hình thức đa cấp không hề đơn giản như việc giới thiệu các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh. Thông thường, những cá nhân tham gia môi giới, giới thiệu các sản phẩm tài chính đầu tư phải được đào tạo và được cấp chứng nhận chuyên môn để đảm bảo họ hiểu rõ trách nhiệm của bản thân đối với người được giới thiệu, bản chất của các sản phẩm tài chính đầu tư cũng như rủi ro đi kèm.

Trong khi đó, đối với FVP Trade gần như ai cũng có thể tham gia giới thiệu tài khoản PAMM để kiếm hoa hồng, dẫn đến nguy cơ xuất hiện mâu thuẫn lợi ích cực lớn có những cá nhân không đủ kiến thức, kinh nghiệm để đánh giá chính xác về FVP Trade nhưng vẫn sẵn sàng bỏ qua chỉ để tuyển được tuyến dưới tham gia hệ thống. Và thực tế đã phần nào chứng minh cho điều này khi mà đa số những cá nhân đang giới thiệu cho FVP Trade tới cộng đồng trước đó không lâu cũng đã quảng bá rất mạnh mẽ các dự án lừa đảo như Vitae, RaidenBO, Exbase…

Công nghệ của FVP Trade

Như đã phân tích, FVP Trade cần đạt lợi nhuận từ việc đầu tư lên tới 45-50% mới đủ để chi trả các chi phí hoạt động cũng như trả lãi cho nhà đầu tư và hoa hồng cho những người giới thiệu. Và theo FVP Trade, doanh nghiệp này làm được điều đó nhờ vào việc áp dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo AI dựa trên thuật toán của máy tính lượng tử để thực hiện các giao dịch, qua đó đem lại mức lợi nhuận ổn định, mức độ rủi ro thấp và bảo toàn vốn cho nhà đầu tư.

Cụ thể, FVP Trade và tập đoàn mẹ là FVP Holdings đang xây dựng một hệ sinh thái tài chính lượng tử (Quantum Finance Ecosystem). FVP Holdings đã mua lại lần lượt Global FX Technologies vào năm 2018 và Qfinity Labs năm 2019 nhằm nâng cao năng lực ứng dụng điện toán lượng tử (quantum computing) trong các giao dịch tài chính của mình.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng giới thiệu một chuyên gia về điện toán lượng tử có tên David Moche trong đội ngũ lãnh đạo. Theo đó, David Moche vốn là người sáng lập Qfinity Labs có bằng cử nhân ngành Kinh tế toán học từ trường Gettysburg College, bằng Tiến sỹ ngành Khoa học Dữ liệu tại trường Birkbeck, University of London và làm việc trong lĩnh vực quản lý tài sản tại Fulcrum Asset Management rồi chuyển sang nghiên cứu máy tính lượng tử tại IBM. Khi FVP Holdings mua lại Qfinity Labs, David Moche gia nhập FVP Holdings, giữ chức vụ Trưởng phòng Điện toán Lượng tử. Vào tháng 01/2021, David Moche cũng đã xuất bản cuốn sách “Applications of Quantum Computing in Finance”.

Tuy nhiên, việc quảng bá khả năng đầu tư sinh lời nhờ công nghệ điện toán lượng tử của FVP Trade lại đang giống như việc Marvel lạm dụng khái niệm vật lý lượng tử để lý giải việc du hành thời gian trong Avengers: Endgame: đều phi logic và không có bất kỳ cơ sở khoa học nào, dù nghe qua có vẻ hợp lý. Thế nhưng, khi mà chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua cho Avengers: Endgame vì xét cho cùng, đây là một tác phẩm giả tưởng, thì điều tương tự khó có thể thực hiện với FVP Trade, bởi đơn giản, doanh nghiệp này đang nắm trong tay tiền tươi thóc thật của không ít nhà đầu tư.

Đầu tiên, công nghệ điện toán lượng tử vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, và chủ yếu được nghiên cứu phát triển bởi các trung tâm nghiên cứu thuộc các trường đại học danh tiếng như MIT, Harvard, Oxford… hoặc các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như IBM, Google, Microsoft… chứ chưa được khai thác thương mại. Thực tế, việc nghiên cứu phát triển công nghệ điện toán lượng tử không chỉ đòi hòi nguồn lực về tài chính cực lớn, lên tới hàng trăm triệu đô la, mà còn yêu cầu nền tảng về lý thuyết học thuật sâu sắc mà chỉ có các trung tâm này mới có thể đáp ứng. Việc các tổ chức trên thường xuyên nằm trong top 10 về số lượng bằng phát minh sáng chế liên quan đến điện toán lượng tử được cấp phép là minh chứng rõ nhất cho nhận định này.

Cụ thể, trong năm 2020, IBM và Google cùng được cấp 67 bằng sáng chế liên quan đến điện toán lượng tử. Các vị trí tiếp theo thuộc về D-Wave (một doanh nghiệp Canada thành lập từ 1999 chuyên phát triển máy tính lượng tử) với 23 bằng sáng chế, Northrop Grumman (một tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng của Mỹ) với 20 bằng sáng chế, và Microsoft với 19 bằng sáng chế.

Quay lại trường hợp của FVP Trade. Thật khó tin khi mà một doanh nghiệp với lịch sử hoạt động chỉ có từ năm 2021, không có bất kỳ một bằng phát minh sáng chế nào được công bố, không có một đội ngũ nghiên cứu phát triển nào ngoài một cá nhân duy nhất là David Moche, không rõ ngân sách để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển, lại có thể khai thác công nghệ điện toán lượng tử ở một mức độ tân tiến hơn cả các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới để tạo ra lợi nhuận đầu tư hấp dẫn và đều đặn.

Bên cạnh đó, cần phải hiểu rằng, công nghệ đơn thuần, dù có tân tiến đến đâu, cũng không thể đảm bảo khả năng đem lại một mức lợi nhuận hấp dẫn và đều đặn trong đầu tư. Bởi việc xây dựng mô hình đầu tư hiệu quả còn đòi hỏi một chiến lược được nghiên cứu bài bản, nguồn dữ liệu đầu vào chất lượng, cũng như liên tục thử nghiệm và cập nhật. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác ảnh hưởng đến thị giá của các loại tài sản mà đôi khi công nghệ khó có thể dự đoán được, chẳng hạn như đại dịch quy mô toàn cầu, các quyết định chính sách của các chính phủ, hay sự cố bất ngờ liên quan đến chuỗi cung ứng.

Một ví dụ chứng minh cho nhận định này là trường hợp của quỹ đầu tư định lượng Renaissance Technologies, một trong những quỹ phòng hộ lớn và nổi tiếng nhất thế giới. Renaissance Technologies ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động đầu tư, với hơn 90 trong gần 300 nhân sự có bằng giáo sư (PhD) trong các lĩnh vực thống kê, khoa học máy tính, toán học ứng dụng, vật lý từ những trường đại học danh tiếng nhất trên thế giới như Stanford, MIT, Princeton, University of Chicago hay CalTech. Renaissance Technologies quản lý quỹ Medallion với mức lợi nhuận quy năm trung bình 71.8% mỗi năm trong suốt giai đoạn từ 1994 đến giữa 2014 – được coi là tốt nhất lịch sử đầu tư. Tuy nhiên, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến cho các quỹ đầu tư đại chúng RIEF, RIDA, và RIDGE quản lý bởi Renaissance ghi nhận khoản lỗ lần lượt 19%, 31%, và 31%, dẫn đến việc khách hàng rút ròng hàng chục tỷ đô la tài sản đầu tư.

Một chi tiết khác tuy nhỏ nhưng cũng rất đáng lưu ý là dù thường xuyên quảng cáo năng lực điện toán lượng tử tân tiến như vậy, nhưng chưa ai từng nhìn thấy hệ thống máy tính lượng tử của FVP Trade. Thay vào đó, trong tất cả các tư liệu hình ảnh của mình, David Moche cũng như đội ngũ của FVP Trade đều xuất hiện với background là các hình ảnh stock có sẵn trên Internet.

David Moche xuất hiện với background là ảnh stock trong video của FVP Trade
Trong khi CEO Google, Sundar Pichai "khoe" dàn máy tính lượng tử của tập đoàn này

Trên thực tế, việc đưa ra các tuyên bố hùng hồn về khả năng đầu tư sinh lời hấp dẫn nhờ các công nghệ tân tiến là điều thường thấy ở các dự án lừa đảo, chủ yếu nhằm lợi dụng những người thiếu hiểu biết nhưng nhiều lòng tham. Chẳng hạn, Antares từng quảng cáo rằng mình có đội ngũ 100 nhà giao dịch hàng đầu tiến hành giao dịch trong các phân khúc thị trường hứa hẹn nhất, bên cạnh sử dụng giao dịch định lượng (quantitative trading) và tần suất cao (high frequency trading – HFT), cũng như các công cụ điện tử và kỹ thuật số, cho phép họ nhận được phần trăm lợi nhuận cao với rủi ro thua lỗ tối thiểu. Hay Quantum X cũng từng khẳng định rằng mình có “hệ sinh thái lượng tử”, với đại diện chính là QX Data Portfolio - danh mục đầu tư ủy thác vào các dự án ICO/IEO, IPO, dự án bất động sản,… Bạn có nhận thấy điểm chung giữa những tuyên bố của các dự án lừa đảo này với các tuyên bố của FVP Trade không?

Đội ngũ lãnh đạo của FVP Trade và các công ty thuộc FVP Holdings

Theo trang chủ FVP Holdings, tập đoàn mẹ của FVP Trade, đội ngũ lãnh đạo của doanh nghiệp này gồm 8 thành viên chính, đứng đầu là CEO Tim Booth, với mỗi người đều có hơn chục năm kinh nghiệm tại các doanh nghiệp, tổ chức lớn trên thế giới.

Thế nhưng, một điều lạ là, khi tìm kiếm thông tin của những nhân vật này trên LinkedIn, mạng xã hội công việc lớn nhất thế giới, chỉ có thể tìm được hồ sơ của 6/8 người, trong đó 2 nhân vật không thể tìm thấy hồ sơ là Ethan Murray và Arman Lankarani.

Thế nhưng, ngay cả đối với những lãnh đạo của FVP Holdings hiện diện trên LinkedIn, hồ sơ của họ cũng sơ sài một cách bất ngờ, trong khi theo lẽ thường, với lịch sử làm việc như vậy, họ phải có một hồ sơ được tạo trong một khoảng thời gian tương đối dài, với hàng trăm hoặc hàng nghìn mối quan hệ (với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng) và có nhiều hoạt động tương tác.

Cụ thể, hồ sơ LinkedIn của nhân vật Tim Booth, người sáng lập và CEO của FVP Holdings có khoảng hơn 500 mối quan hệ (connection). Hoạt động cách đây lâu nhất của Tim Booth mới chỉ cách đây khoảng 1 năm, đó là tương tác với 1 bài viết của trang LinkedIn FVP Trade. Hồ sơ của Tim Booth không có tương tác nào với bất kỳ hồ sơ nào từ những tổ chức mà nhân vật này từng học tập và làm việc mà chỉ có các hoạt động liên quan đến FVP Trade

Tương tự là trường hợp của Jonathan Greene, người được cho biết đang nắm giữ chức vụ CEO của FVP Trade. Nhân vật này cũng mới chỉ bắt đầu hoạt động trên LinkedIn vào khoảng 9 tháng trước, với chỉ 310 mối quan hệ, và cũng không có tương tác nào với bất kỳ hồ sơ nào từ những tổ chức mà nhân vật này từng học tập và làm việc mà chỉ có các hoạt động liên quan đến FVP Trade

Hồ sơ của Keith Walker, hiện đảm nhiệm vai trò phát triển thị trường Châu Á - Thái Bình Dương của FVP Trade cũng mới bắt đầu hoạt động 9 tháng trước, có 274 mối quan hệ, và cũng không có tương tác nào với bất kỳ hồ sơ nào từ những tổ chức mà nhân vật này từng học tập và làm việc mà chỉ có các hoạt động liên quan đến FVP Trade

Hồ sơ của nhân vật Nick Williamson, người giữ cương vị Partner tại FVP Holdings thậm chí còn sơ sài hơn, với chỉ duy nhất 1 mối quan hệ cũng như không có bất kỳ hoạt động nào.

Sánh ngang với hồ sơ của Nick Williamson về mức độ sơ sài là hồ sơ của nhân vật Stacy Wright, hiện đang đảm nhiệm vai trò marketing của FVP Trade, khi mà nhân vậy này không có mối quan hệ hay bất kỳ hoạt động nào.

Hồ sơ LinkedIn của nhân vật David Moche cũng không phải là ngoại lệ, với chỉ 239 mối quan hệ và một bài viết duy nhất vào khoảng 1 năm trước.

Việc hồ sơ LinkedIn của tất cả các thành viên trong ban lãnh đạo FVP Trade đều mới chỉ được tạo trong vòng 1 năm trở lại đây, trùng với thời điểm FVP Trade có những hoạt động đầu tiên, đồng thời lại rất sơ sài so với bề dày kinh nghiệm được mô tả của họ, khiến cho không ít người phải đặt ra câu hỏi rằng liệu đây có phải là những con người có thật, hay chỉ là các hồ sơ với danh tính "ảo" được độ ngũ FVP Trade tạo ra để "thổi phồng" uy tín của doanh nghiệp này hay không?

Mức độ "ảo" còn rõ rệt hơn đối với đội ngũ lãnh đạo của Qfinity Labs, công ty chuyên nghiên cứu phát triển công nghệ điện toán lượng tử mà FVP Holdings cho biết đã mua lại vào năm 2019 và hiện đang là một bộ phận thuộc VP Holdings.

Cụ thể, bên cạnh David Moche, người sáng lập, ban lãnh đạo của Qfinity Labs còn có 5 người khác.

Và dấu hiệu bất thường đã xuất hiện ngay từ nhân vật đầu tiên, Emilio Risso, Phó Chủ tịch của Qfinity Labs. Theo mô tả trên trang chủ, nhân vật này gia nhập Qfinity Labs từ Pancetera Software sau khi doanh nghiệp này được Qfinity Labs mua lại.

Tiểu sử của Emilio Risso trên trang chủ Qfinity Labs

Tuy nhiên, chỉ cần vài động tác tra cứu đơn giản cũng có thể phát hiện ra rằng Pancetera Software thực tế được mua lại bởi một doanh nghiệp có tên là Quantum chứ không phải là Qfinity Labs. Và mô tả tiểu sử của Emilio Risso là bản sao chép nguyên văn tiểu sử của Greg Wade, người hiện đang là Phó Chủ tịch tại Quantum, sau khi gia nhập từ Pancetera.

Tiểu sử của Greg Wade bị Qfinity Labs đạo nhái

Nhân vật tiếp theo, Luc Dragutin đảm nhiệm vai trò phát triển kinh doanh của Qfinity Labs, cũng có tiểu sử được sao chép gần như 100% từ một thành viên khác trong ban lãnh đạo của Quantum là Turguy Goker, hiện đang giữ chức Giám đốc Phát triển Cao cấp của công nghệ LTO.

Tiểu sử của Luc Dragutin trên trang chủ Qfinity Labs
Tiểu sử của Turguy Goker bị Qfinity Labs đạo nhái

Chưa dừng lại ở đó, thêm 1 nhân vật nữa của Qfinity Labs có tiểu sử sao chép từ thành viên ban lãnh đạo Quantum. Cụ thể, trường hợp của Aurelie Josseline, người mà Qfinity Labs cho biết từng giữ chức Phó Chủ tịch Vận hành của Cisco, cũng như từn được Forbes vinh danh là Superstar CIO vào năm 2012, trên thực tế là Rebecca Jacoby, người đang là Giám đốc tại Quantum.

Tiểu sử của Aurelie Josseline trên trang chủ Qfinity Labs
Tiểu sử của Rebecca Jacoby bị Qfinity Labs đạo nhái

Bên cạnh những tiểu sử là thành quả của việc sao chép một cách trắng trợn như trên, cũng không có bất kỳ hồ sơ nào của đội ngũ lãnh đạo Qfinity Labs, trừ trường hợp của David Moche đã đề cập, hay thậm chí là hồ sơ của một nhân viên của Qfinity Labs có thể được tìm thấy trên mạng xã hội LinkedIn.

Bên cạnh đó, trang chủ của Qfinity Labs cũng tranh thủ khoe chứng chỉ khóa học "Điện toán Lượng tử Căn bản" mà MIT cấp cho David Moche, cũng như các giải thưởng Red Herring Top 100 Asia Winners năm 2019 và CES Innovation Awards năm 2020.

Thế nhưng, việc này lại dẫn đến nhiều câu hỏi khác. Đầu tiên, theo thông tin từ Qfinity Labs và FVP Holdings, David Moche đã có 5 năm làm việc trong lĩnh vực điện toán lượng tử tại IBM trước khi thành lập Qfinity Labs vào năm 2012. Điều này có nghĩa là đến năm 2019, tức năm mà chứng chỉ của MIT nói trên được cấp, David Moche đã có ít nhất 12 năm kinh nghiệm về điện toán lượng tử và có thể coi là một chuyên gia trong lĩnh vực này (nếu không phải chuyên gia thì làm sao phát triển được thuật toán đầu tư sinh lãi vừa cao vừa đều đặn cho FVP Trade). Vậy tại sao David Moche lại phải đi học một khóa học mang tính "vỡ lòng", mà theo giới thiệu của MIT là chủ yếu dành cho những người ngoại đạo mới bắt đầu tìm hiểu về điện toán lượng tử? Hơn nữa, MIT cũng giới thiệu khóa học ở mức trung cấp là "Quantum Computing Realities" - vậy tại sao David Moche không học khóa này, hay chẳng lẽ nội dung giảng dạy của nó quá "out trình" đối với David Moche?

Tiếp đó, khi tra cứu, danh sách những tổ chức nhận giải thưởng Red Herring Top 100 Asia Winners năm 2019CES Innovation Awards năm 2020 không hề có tên của Qfinity Labs - một điểm cực kỳ bất thưởng.

Bên cạnh Qfinity Labs, một doanh nghiệp khác cũng được FVP Holdings mua lại để tăng cường năng lực công nghệ là GFX Technologies. Thế nhưng, cũng như Qfinity Labs, chỉ cần dạo qua trang chủ của GFX Technologies cũng có thể phát hiện nhiều điểm bất thường.

Đầu tiên, đội ngũ lãnh đạo của GFX Technologies có 3 nhân vật chính. Trong đó, ngoài Keith Walker đã đề cập ở trên trong phân tích về FVP Holdings, và tiểu sử của Jason Reid tương đối chung chung, thì chỉ còn tiểu sử của Gordon Scott, Giám đốc Công nghệ của doanh nghiệp này là tương đối đầy đủ và rõ ràng.

Dù vậy, cũng chỉ cần tra cứu nhanh cũng có thể phát hiện ra tiểu sử của Gordon Scott cũng là đi copy từ một nhân vật khác là Ritabrata Bhattacharyya. Điều này có nghĩa là các nhân vật trong ban lãnh đạo của GFX Technologies cũng hoàn toàn là "ảo".

Chưa hết, trang chủ của GFX Technologies cũng cho biết doanh nghiệp này đã hợp tác với và được các trang tin tức tài chính nổi tiếng thế giới như Forbese, Bloomberg, The Business Times... đưa tin. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tìm ra bất cứ bài báo nào từ các trang tin tức này có đề cập đến GFX Technologies có thể nói là bất khả thi.

Dựa trên sự đồng nhất về thủ thuật dựng lên các hồ sơ "ảo ma Lazada Canada" giữa FVP Trade, FVP Holdings, Qfinity Labs và GFX Technologies, không khó để kết luận rằng chỉ có duy nhất một đội ngũ đang ẩn danh đứng đằng sau những công ty này đạo diễn tất cả những màn kịch về mua bán sáp nhập để thổi phồng FVP Trade nhằm lừa gạt nhà đầu tư.

Lời kết

Như vậy là thông qua 3 bài viết, Sodu đã phân tích để giúp các bạn hiểu hơn về FVP Trade, một cơ hội đầu tư đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Cụ thể, FVP Trade có nhiều điểm mập mờ về mặt pháp lý, mô hình kinh doanh và dòng tiền phi thực tế, cơ chế trả thưởng phát triển hệ thống theo hình thức đa cấp, năng lực công nghệ được thổi phồng cùng đội ngũ lãnh đạo không có thật. Do đó, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, FVP Trade là một dự án lừa đảo theo mô hình Ponzi, lấy tiền người sau trả cho người trước.

Vì vậy, để tránh mất tiền, bạn không nên đầu tư vào FVP Trade. Hoặc nếu đã đầu tư, bạn nên rút tiền để bảo toàn vốn. Ngoài ra, bạn cũng không nên tham gia quảng bá FVP Trade để kiếm hoa hồng, mà thay vào đó hãy chia sẻ các bài viết của Sodu để cảnh báo người thân, bạn bè về nguy cơ lừa đảo từ FVP Trade.

FVP Trade là gì? FVP Trade có phải đa cấp, lừa đảo? (phần 2)

Trong bài viết phần 1, Sodu đã giới thiệu với bạn sơ lược về FVP Trade, cũng như những cách thức kiếm tiền thông qua nền tảng này. Tuy nhiên, dù đang có những hoạt động quảng bá rầm rộ, thu hút sự chú ý của cộng đồng, vẫn còn tồn tại những nghi ngờ xoay quanh FVP Trade, với không ít ý kiến cho rằng đây là một dự án đa cấp, lừa đảo.

Do đó, trong bài viết phần 2 này, Sodu sẽ phân tích chi tiết hơn về FVP Trade để đưa ra kết luận khách quan nhất về doanh nghiệp này, từ đó giúp các nhà đầu tư đang quan tâm có quyết định chính xác nhất về việc có nên đầu tư vào FVP Trade hay không.

Yếu tố pháp lý của FVP Trade

Theo thông tin từ trang chủ, FVP Holdings, tập đoàn mẹ của FVP Trade có tên doanh nghiệp trên đăng ký kinh doanh là FinVoyage Perpetual Limited.

Tuy nhiên, khi tra cứu thông tin về doanh nghiệp này trên các trang danh bạ doanh nghiệp như OpenCorporates hay Checkcompany.co.uk thì chỉ cho thấy kết quả về một doanh nghiệp duy nhất có tên như vậy. Dù vậy, doanh nghiệp này mới chỉ được thành lập vào ngày 19/03/2021, và đã giải thể sau đó nhanh chóng vào thời điểm 03/08/2021. Hiện, FinVoyage Perpetual Ltd. không còn hoạt động. Đáng chú ý hơn nữa, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là Rafiullah Mohammadzai, quốc tịch Afghanistan, một cái tên hoàn toàn xa lạ đối với những thông tin về đội ngũ sáng lập và điều hành của FVP Holdings đã được công bố.

Kết quả tra cứu về FinVoyage trên Checkcompany.co.uk cho kết quả duy nhất
Thông tin chi tiết về Finvoyage Perpetual Limited đã giải thể trên Checkcompany
Thông tin chi tiết về Finvoyage Perpetual Limited đã giải thể trên OpenCorporates

Subscribe kênh YouTube để theo dõi review các dự án đầu tư mới nhất: https://bit.ly/2H6ubT7

Thử tra cứu thông tin về FVP Trade trên trang Checkcompany.co.uk, kết quả cho thấy có 1 doanh nghiệp có tên đăng ký FVP TRADE UK LTD, với ngày thành lập là 16/07/2021. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là Stephen John Abel. Thông tin từ trang chủ của FVP Trade cho thấy, FVP TRADE UK LTD nói trên là một trong 2 pháp nhân chính của doanh nghiệp này, bên cạnh pháp nhân FVP TRADE LTD đăng ký tại British Virgin Islands (BVI) với mã số đăng ký 1958626. Trong đó, pháp nhân FVP TRADE UK LTD được cấp phép và quản lý bởi Cơ quan Kiểm soát Tài chính (Financial Conduct Authority – FCA) của Vương quốc Anh, với giấy phép số 956489.

Tuy nhiên, khi tra cứu trên danh mục của FCA theo mã giáy phép số 956489 thì cho thấy pháp nhân FVP TRADE UK LTD, nhưng website đăng ký của doanh nghiệp này lại ở địa chỉ https://www.fvptrade.co.uk/ thay vì địa chỉ https://fvptrade.com/ thường thấy. Hơn nữa, giấy phép của doanh nghiệp này là đại lý thanh toán (PSD Agent) chứ không phải là hoạt động môi giới.

Mở tài khoản chứng khoán VPS hoàn toàn online để đầu tư cổ phiếu Việt Nam: https://shorten.asia/ysX75DU6

Và từ đây, những dấu hiệu đáng ngờ bắt đầu xuất hiện. Khi truy cập website https://www.fvptrade.co.uk/, có thể thấy đây là một website cung cấp dịch vụ chuyển tiền online xuyên biên giới, chứ không có dấu hiệu gì cho thấy sự liên quan đối với các giao dịch CFD và đầu tư như FVP Trade vẫn thường quảng bá. Chưa hết, sau khi truy cập địa chỉ trên khoảng 10 giây, bạn sẽ được tự động điều hướng (redirect) sang địa chỉ https://fvptrade.com/, vốn là địa chỉ chính của FVP Trade, nơi doanh nghiệp này quảng bá các sản phẩm sàn giao dịch và quỹ PAMM. Điều này đặt ra nghi vấn liệu FVP Trade có đang có hành vi lập lờ đánh lận con đen, không trung thực với nhà đầu tư khi tuyên bố rằng doanh nghiệp này được cấp phép và quản lý bởi FCA nhằm tạo dựng niềm tin, trong khi trên thực tế đó là một pháp nhân với lĩnh vực dịch vụ trong đăng ký hoàn toàn khác. Cùng với đó, việc điều hướng từ website cung cấp dịch vụ chuyển tiền đã đăng ký với cơ quan quản lý sang website cung cấp dịch vụ giao dịch và đầu tư chỉ trong vài giây như đã miêu tả khiến cho các nhà đầu tư thiếu cảnh giác hoàn toàn có thể hiểu nhầm rằng dịch vụ giao dịch và đầu tư trên website https://fvptrade.com/ được FCA cấp phép và quản lý.

Tiếp theo, FVP Trade cho biết doanh nghiệp này còn có 1 pháp nhân khác là FVP TRADE LTD, đăng ký tại British Virgin Islands, với mã số đăng ký là 1958626. Tuy nhiên, kết quả tìm kiếm lại cho thấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp theo mã số đăng ký này tại BVI lại được cấp cho một doanh nghiệp có tên là PLUS INCENTIVE ASIA LIMITED, vào thời điểm 23/10/2017.

Thời điểm cấp chứng nhận này trùng hợp với thời điểm mà FVP Trade vẫn luôn tuyên bố mình được thành lập. Tuy nhiên, FVP Trade chưa bao giờ đề cập đến cái tên PLUS INCENTIVE ASIA LIMITED trên các kênh truyền thông của mình. Một cách lý giải hợp lý cho điều này là đội ngũ đứng sau FVP Trade đã nhận chuyển nhượng pháp nhân PLUS INCENTIVE ASIA LIMITED, có thể được đăng ký nhưng không hoạt động, và chuyển đổi thành FVP TRADE LTD. Qua đó, đội ngũ FVP Trade có được một pháp nhân thành lập từ năm 2017 để quảng bá rằng mình có lịch sử hoạt động nhiều năm, dù rằng trên thực tế, những thông tin về FVP Trade mới bắt đầu xuất hiện vào thời điểm giữa năm 2021, còn trước đó FVP Trade dường như không hề tồn tại.

Cũng cần phải đề cập đến việc, British Virgin Islands, địa điểm mà FVP Trade đăng ký kinh doanh là quốc đảo lâu nay nổi danh với việc cho phép thành lập các công ty off-shore vô cùng dễ dàng, cũng như thông tin không minh bạch và cơ chế quản lý lỏng léo, khiến đây trở thành điểm đến quen thuộc của giới tội phạm tài chính với các công ty ma, rửa tiền, trốn thuế và lừa đảo.

FVP Trade cũng khẳng định uy tín với các nhà đầu tư bằng việc tuyên bố doanh nghiệp này được quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (Australia Securities and Investments Commission – ASIC) cũng như Trung tâm Phân tích Báo cáo và Giao dịch Tài chính Canada (Financial Transactions and Reports Analysis Centre of Canada – FINTRAC).

Thế nhưng, tương tự như giấy phép FCA đã phân tích ở trên, những việc đăng ký với ASIC và FINTRAC mà FVP Trade quảng cáo chưa thể khẳng định ngay lập tức rằng đây là một doanh nghiệp uy tín. Đầu tiên, cần phải hiểu rõ về vai trò của ASIC cũng như FINTRAC. Trên thực tế, hai cơ quan này chỉ có chức năng quản lý đăng ký của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, nếu như các doanh nghiệp đăng ký đáp ứng đủ một số các yêu cầu mang tính quy trình như vốn điều lệ hay thông tin về người đại diện pháp luật. ASIC và FINTRAC hoàn toàn không có chức năng và trách nhiệm thẩm định và theo dõi hoạt động chi tiết của từng doanh nghiệp đăng ký để đảm bảo mọi doanh nghiệp đăng ký với 2 cơ quan này tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và công khai, minh bạch với các bên liên quan. ASIC và FINTRAC thường chỉ thực hiện điều tra và phát hành cảnh báo đối với một số doanh nghiệp có dấu hiệu đáng ngờ khi nhận được lượng kiến nghị tương đối lớn từ những bên liên quan, và thông thường quá trình này cũng cần một khoảng thời gian khá dài. Chính website của FINTRAC cũng khẳng định rất rõ ràng: “Đăng ký với FINTRAC không đồng nghĩa với việc FINTRAC ủng hộ hay cấp phép cho doanh nghiệp, mà chỉ có nghĩa rằng doanh nghiệp đó đáp ứng đủ các yêu cầu pháp lý để đăng ký”.

Bên cạnh đó, thông tin về đăng ký ASIC của FVP Trade cho thấy đây là đăng ký của một pháp nhân có tên là FVP TRADE PTY LTD. Đây là một pháp nhân được thành lập tại Úc tại thời điểm 07/07/2021, tức là mới chỉ khoảng 7 tháng trước. Điều đáng nói là không rõ quan hệ giữa FVP Trade và pháp nhân tại Úc là gì, cũng như chi tiết về các hoạt động kinh doanh của pháp nhân FVP TRADE PTY LTD này. Do đó, trong trường hợp này, có thể thấy rằng FVP Trade đã dựng nên một pháp nhân có tên gần giống tại Úc sao cho pháp nhân này đủ điều kiện để đăng ký với ASIC, sau đó lập lờ đánh lận con đen khi dùng đăng ký ASIC của pháp nhân tại Úc đi quảng cáo cho các dịch vụ của pháp nhân chính tại BVI, dù rằng trên thực tế, rất có khả năng lĩnh vực hoạt động mà 2 pháp nhân này đăng ký với cơ quan quản lý tại 2 quốc gia là hoàn toàn khác nhau.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trong quá khứ, có không ít dự án lừa đảo cũng đăng ký với ASIC, trong đó có thể kể đến Alpha Tradex, HyperCapital, Profitable Morrows… Điều này cho thấy việc một doanh nghiệp có đăng ký với ASIC là chưa thể đủ để đảm bảo rằng đó là một danh nghiệp đáng tin cậy.

Đăng ký với FINTRAC của FVP Trade cũng cho thấy điều tương tự, khi nó được cấp cho một pháp nhân là FVP Trade Ltd. thành lập tại Canada tại thời điểm 21/01/2021, với người đại diện là Macieria Alexander. Cũng không có nhiều thông tin cụ thể về hoạt động kinh doanh cũng như mối quan hệ của pháp nhân này với pháp nhân chính của FVP Trade tại BVI. Nói cách khác, FVP Trade đang có sự mập mờ nhất định khi sử dụng đăng ký FINTRAC của một pháp nhân có liên quan tại Canada để quảng cáo cho pháp nhân chính, dù dịch vụ mà 2 pháp nhân cung cấp có thể hoàn toàn không liên quan đến nhau, giống như những gì FVP Trade đang làm với đăng ký ASIC.

Và cũng như đăng ký ASIC, từng có các dự án lừa đảo cũng đã được đăng ký với FINTRAC trong quá khứ như Global Sponsorship Network, Wo Token, Intelligence Prime Capital…, hay một dự án từng tạo được sự quan tâm tương đối lớn ở Việt Nam là ngân hàng IBH. Điều này cho thấy, việc đăng ký với FINTRAC là đủ để chứng minh một doanh nghiệp không phải là lừa đảo.

Qua những phân tích trên, có thể nhận định rằng FVP Trade đang có một nền tảng pháp lý chưa vững vàng, thể hiện qua việc không thể xác nhận được liệu doanh nghiệp này có thực sự có lịch sử hoạt động từ năm 2017 như tự tuyên bố, hay sự nhập nhằng về mặt pháp nhân khi đăng ký với FCA, ASIC và FINTRAC, cùng với việc đăng ký kinh doanh của pháp nhân chính tại một địa điểm có nền luật pháp lỏng lẻo, nhiều tai tiếng.

Mô hình kinh doanh của FVP Trade

Tiếp theo, hãy cùng phân tích mô hình kinh doanh của FVP Trade. Như đã đề cập trong phần 1, FVP Trade là một sàn giao dịch CFD (contract for difference – hợp đồng chênh lệch),một loại hợp đồng phái sinh giữa người mua và người bán với giá thỏa thuận dựa trên giá của các loại tài sản khác. Tuy nhiên, dường như không có nhiều người sử dụng FVP Trade để giao dịch, và không có nhiều thông tin liên quan đến số lượng người dùng cũng như khối lượng giao dịch trên sàn này.

Thay vào đó, trong thời gian gần đây, FVP Trade đang tập trung thu hút khách hàng đầu tư vào tài khoản PAMM. Đây là hình thức đầu tư ủy thác vào tài khoản do FVP Trade quản lý. Theo FVP Trade, doanh nghiệp này áp dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo AI dựa trên thuật toán của máy tính lượng tử để thực hiện các giao dịch, nhờ đó đem lại mức lợi nhuận ổn định, mức độ rủi ro thấp và bảo toàn vốn cho nhà đầu tư.

Đối với mô hình kinh doanh ủy thác đầu tư này, thông thường mỗi năm nhà đầu tư sẽ trả phí quản lý tài sản khoảng 1-2% tổng giá trị tài sản (Asset under Management – AuM) cho quỹ đầu tư, đồng thời chia sẻ một phần lợi nhuận từ việc đầu tư, phổ biến ở mức 20% lợi nhuận kiếm được. Tuy nhiên, trong hình thức này, giá trị tài sản của nhà đầu tư sẽ luôn phụ thuộc vào biến động thị trường của các loại tài sản được phân bổ, và trong ngắn hạn như theo tháng, sẽ có những giai đoạn tăng giảm.

Điều này đặt ra những nghi ngờ nhất định dành cho FVP Trade. Trong khi ngay cả những quỹ đầu tư kỳ cựu nhất trên thị trường cũng không dám đảm bảo nhà đầu tư sẽ có lãi, thì FVP Trade lại cam kết một mức lợi nhuận đều như vắt chanh vào mỗi tháng cho những nhà đầu tư vào tài khoản PAMM. Không chỉ vậy, mức lợi nhuận này còn có thể rất cao, lên tới 10% mỗi tháng, tức là nhà đầu tư tài khoản PAMM có thể nhân đôi tài sản chỉ trong vòng chưa đến 1 năm mà gần như không có bất kỳ rủi ro nào. Đó là còn chưa tính đến khoản tiền thưởng chu kỳ (cyclical bonus) lên tới 4% số tiền đầu tư vào tài khoản PAMM mỗi tháng cho các nhà đầu tư đạt điều kiện về quãng thời gian đầu tư (hơn 270 ngày). Khi đó, mỗi nhà đầu tư có thể nhận được mức lợi nhuận trong mơ là 14% mỗi tháng.

Những nghi ngờ này lại càng lớn dần, khi mà FVP Trade không cung cấp các báo cáo định kỳ cho các nhà đầu tư trong đó giải trình một cách minh bạch thực trạng phân bổ các khoản đầu tư, chưa nói đến việc các báo cáo này có được kiểm toán bởi một bên thứ 3 uy tín như các công ty kiểm toán Big 4 như các quỹ đầu tư vẫn thực hiện đều đặn hay không. Do đó, không thể kiểm chứng rằng lợi nhuận mà FVP Trade trả cho nhà đầu tư mỗi tháng có đến từ kết quả đầu tư của doanh nghiệp này, hay thậm chí liệu FVP Trade có thực hiện bất kỳ hoạt động đầu tư nào hay không.

Bên cạnh những bất thường về mặt pháp lý và mô hình kinh doanh đã phân tích, những yếu tố về dòng tiền, đội ngũ lãnh đạo, công nghệ và cơ cấu trả thưởng phát triển hệ thống của FVP Trade cũng có nhiều điểm có thể khiến cho các nhà đầu tư quan ngại. Mời bạn đón đọc phần 3 và cũng là phần cuối cùng của loạt bài về FVP Trade để tìm hiểu chi tiết hơn những yếu tố trên, từ đó có được kết luận liệu đây có phải là một dự án đa cấp, lừa đảo và có nên đầu tư vào nó hay không.

FVP Trade là gì? FVP Trade có phải đa cấp, lừa đảo? (phần 1)

FVP Trade là gì? FVP Trade có phải đa cấp, lừa đảo hay không? Hẳn đây là câu hỏi của không ít người, khi mà trong những ngày cuối năm 2021 vừa qua, FVP Trade đã có nhiều hoạt động quảng bá rầm rộ, thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng.

FVP Trade là gì?

Theo giới thiệu trên trang chủ, FVP Trade là một sàn giao dịch CFD được thành lập vào năm 2017, có đăng ký kinh doanh tại British Virgin Island (BVI), và là một công ty thành viên của FVP Holdings. Cụ thể, CFD (contract for difference – hợp đồng chênh lệch) là một loại hợp đồng phái sinh giữa người mua và người bán với giá thỏa thuận dựa trên giá của các loại tài sản khác. Sàn FVP Trade cho phép người tham gia giao dịch CFD dựa trên giá ngoại hối (forex), các loại kim loại và hàng hóa, các chỉ số chứng khoán phổ biến như S&P500 và các loại tiền mã hóa. EVP Trade được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ MetaTrader 4 (MT4).

Subscribe kênh YouTube để theo dõi review các dự án đầu tư mới nhất: https://bit.ly/2H6ubT7

FVP Trade cho biết doanh nghiệp này đặt mục tiêu trở thành sàn giao dịch CFD đứng đầu thị trường toàn cầu vào năm 2025. Gần đây FVP Trade cũng công bố thông tin đã trở thành đối tác của Blackburn Rovers, một câu lạc bộ bóng đá giàu truyền thống đang thi đấu tại EFL Championship (giải hạng nhất) của Anh.

FVP Holdings là gì?

FVP Holdings là công ty mẹ của FVP Trade và một số công ty con khác, bao gồm Qfinity Labs và Global FX Technologies. Theo đó, FVP Holdings được thành lập vào năm 2017 bởi Tim Booth, với mục tiêu giúp các nhà đầu tư đạt được mức lợi nhuận cao hơn mức tăng trưởng chung của thị trường, thông qua nền tảng chính là FVP Trade. Vào năm 2018, FVP Holdings mua lại Global FX Technologies nhằm cải thiện công nghệ lõi của mình, đồng thời nhận vốn đầu tư từ Deutsche Capital Group để mở rộng hoạt động kinh doanh. Đến năm 2019, FVP Holdings tiếp tục mua lại Qfinity Labs nhằm nâng cao năng lực R&D ứng dụng điện toán lượng tử (quantum computing) trong các giao dịch tài chính.

FVP Holdings cũng đã hé lộ phần nào lộ trình phát triển của mình, khi tuyên bố sẽ ra mắt chương trình chào bán cổ phiếu nội bộ (IPO Internal Trading System) ngay trong năm 2022. Tiếp đó, tập đoàn này dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch Nasdaq của Mỹ vào năm 2025, với giá trị vốn hóa 5 tỷ USD.

Mở tài khoản chứng khoán VPS hoàn toàn online để đầu tư cổ phiếu Việt Nam: https://shorten.asia/ysX75DU6

FVP Holdings cũng cho biết tập đoàn này đang có kế hoạch tiếp tục thực hiện các thương vụ mua lại. Cụ thể, FVP Holdings dự kiến sẽ mua lại 3 công ty trong năm 2023, trong đó bao gồm một công ty về chuỗi khối (blockchain) và một công ty xổ số phi tập trung (decentralised lottery). Theo FVP Holdings, những thương vụ này sẽ góp phần hoàn thiện hệ sinh thái tài chính lượng tử (Quantum Finance Ecosystem), một hệ sinh thái bao gồm nền tảng giao dịch phi tập trung, nền tảng mạng xã hội, xổ số và các giải pháp ngân hàng lượng tử (quantum banking) mà tập đoàn này đang xây dựng.

Đội ngũ sáng lập và điều hành FVP Trade và FVP Holdings

Theo thông tin từ FVP Holdings, tập đoàn này được sáng lập bởi Tim Booth, người hiện cũng đang giữ chức vụ Giám đốc Điều hành (CEO). Thông tin từ FVP Holdings cho biết Tim Booth có bằng cử nhân ngành Toán và Kinh tế từ University of London, bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) từ Durham University Business School, và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng với sự nghiệp tại các tổ chức lớn như Edward O. Thorp & Associates, Barclays và Citigroup.

Người điều hành FVP Trade, công ty con của FVP Holdings là Jonathan Greene. Được biết, Jonathan Greene có bằng Thạc sỹ Khoa học (M.Sc.) ngành Ngân hàng và Đầu tư Chứng khoán Quốc tế từ University of Reading và bằng MBA tại University of Oxford. Nhân vật này từng nắm giữ các vị trí lãnh đạo tại Kleinwort Benson, Hargreaves Landsdown, Cargill và Guggenheim Partners.

Ngoài ra, một nhân vật đáng chú ý khác trong đội ngũ lãnh đạo của FVP Holdings là David Moche. David Moche có bằng cử nhân ngành Kinh tế toán học từ trường Gettysburg College, bằng Tiến sỹ ngành Khoa học Dữ liệu tại trường Birkbeck, University of London và làm việc trong lĩnh vực quản lý tài sản tại Fulcrum Asset Management, sau đó chuyển sang nghiên cứu máy tính lượng tử tại IBM, trước khi sáng lập Qfinity Labs vào năm 2013. Sau khi FVP Holdings mua lại Qfinity Labs, David Moche gia nhập FVP Holdings, giữ chức vụ Trưởng phòng Điện toán Lượng tử. Vào tháng 01/2021, David Moche cũng đã xuất bản cuốn sách “Applications of Quantum Computing in Finance”.

Kiếm tiền với FVP Trade như thế nào?

FVP Trade đem lại cho những ai quan tâm nhiều cơ hội kiếm tiền theo những cách thức khác nhau.

Đầu tư vào tài khoản PAMM

Tài khoản PAMM (tên đầy đủ: Percent Allocation Management Module) là tài khoản đầu tư ủy thác của nhà đầu tư được quản lý bởi FVP Trade. Theo giới thiệu của FVP Trade, doanh nghiệp này áp dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo AI dựa trên thuật toán của máy tính lượng tử để thực hiện các giao dịch, nhờ đó đem lại mức lợi nhuận ổn định, mức độ rủi ro thấp và bảo toàn vốn cho nhà đầu tư.

Cụ thể, tài sản của nhà đầu tư trong tài khoản PAMM sẽ được phân bổ theo 3 mức độ rủi ro High – Medium – Low. Mức lợi nhuận kỳ vọng và bảo toàn vốn cũng tương ứng với 3 mức độ rủi ro này. Chẳng hạn, với mức độ rủi ro High (rủi ro cao), lợi nhuận từ PAMM sẽ ở mức 6-10% mỗi tháng, trong khi nhà đầu tư sẽ được bảo vệ 90% số vốn đầu tư. Ngược lại, với mức độ rủi ro Low (thấp), nhà đầu tư sẽ chỉ nhận được mức lợi nhuận 2-4% mỗi tháng, nhưng lại được bảo vệ 100% số vốn đầu tư.

Tiền thưởng chu kỳ (Cyclical bonus)

Tiền thưởng chu kỳ là tiền thưởng mà FVP Trade tặng cho nhà đầu tư khi vượt qua được một số cột mốc nhất định. Cụ thể, nếu một nhà đầu tư đã đầu tư vào tài khoản PAMM trong hơn 90 ngày, nhà đầu tư đó sẽ đạt cột mốc tiền thưởng chu kỳ đầu tiên và nhận thêm 1% mỗi tháng vào mức lợi nhuận của tài khoản PAMM. Nếu đã đầu tư vào PAMM trong hơn 180 ngày, nhà đầu tư đó sẽ được nhận thêm 1% nữa, tức tổng mức lợi nhuận bổ sung là 2%. Trong trường hợp đã đầu tư vào PAMM trong hơn 270 ngày, nhà đầu tư sẽ tiếp tục nhận thêm 2%, tức tổng mức loại nhuận bổ sung là 4%.

Như vậy, mức lợi nhuận tối đa từ việc đầu tư tài khoản PAMM đối với một nhà đầu tư là 14% mỗi tháng, trong đó bao gồm lợi nhuận tối đa 10% khi đầu tư ở mức rủi ro cao, và tiền thưởng chu kỳ tối đa 4%.

Kiếm tiền hoa hồng giới thiệu

Bên cạnh đầu tư vào tài khoản PAMM, một phương thức khác để kiếm tiền với FVP Trade là từ hoa hồng giới thiệu người tham gia. Cơ chế hoa hồng giới thiệu của FVP Trade bao gồm nhiều loại hoa hồng khác nhau, phụ thuộc vào mức độ đầu tư của bạn, bao gồm thưởng giới thiệu, thưởng nhóm, thưởng quản lý và hồi khấu hoa hồng (commission rebate).

Đầu tiên, thưởng giới thiệu (referral bonus) là tiền thưởng trả trực tiếp cho người tham gia FVP Trade khi giới thiệu được người khác đầu tư. Nếu tài khoản FVP Trade của bạn ở hạng Thành viên, bạn sẽ nhận được mức thưởng giới thiệu tương đương 50% lợi nhuận từ tài khoản PAMM của người được giới thiệu. Nếu tài khoản FVP Trade của bạn ở hạng IB, SIB, DIB hoặc MIB, bạn sẽ nhận được mức thưởng giới thiệu tương đương 100% lợi nhuận từ tài khoản PAMM của người được giới thiệu.

Chẳng hạn, tài khoản FVP Trade bạn ở mức IB, và bạn giới thiệu thành công 1 người khác tham gia. Người này đầu tư vào tài khoản PAMM số tiền là 10,000 USD ở mức rủi ro cao (High) và có được lợi nhuận 10%, tương đương 1,000 USD mỗi tháng, bạn sẽ nhận được số tiền thưởng giới thiệu là 1,000 USD mỗi tháng (miễn là người được bạn giới thiệu tiếp tục đầu tư và không rút vốn).

Tiếp theo, thưởng nhóm được FVP Trade quảng cáo là cách thức có thể kiếm được mức thu nhập lớn nhất cùng với nền tảng giao dịch này. Nếu tài khoản FVP Trade của bạn ở hạng Thành viên, bạn sẽ hưởng mức thưởng nhóm tương đương 3% lợi nhuận đầu tư vào tài khoản PAMM của các tầng F1 và F2. Nếu tài khoản FVP Trade của bạn ở hạng IB, SIB, DIB hoặc MIB, bạn sẽ hưởng mức thưởng nhóm tương đương 3% lợi nhuận đầu tư vào tài khoản PAMM của các tầng từ F1 đến F5, và tương đương 5% lợi nhuận đầu tư vào tài khoản PAMM của tầng F6.

Để dễ hiểu, giả sử:

  • Bạn giới thiệu thành công 5 người > có 5 người là F1 của bạn
  • Mỗi người F1 giới thiệu thành công 5 người > có 25 người là F2 của bạn
  • Mỗi người F2 giới thiệu thành công 5 người > có 125 người là F3 của bạn
  • Mỗi người F3 giới thiệu thành công 5 người > có 625 người là F4 của bạn
  • Mỗi người F4 giới thiệu thành công 5 người > có 3.125 người là F5 của bạn
  • Mỗi người F5 giới thiệu thành công 5 người > có 15.625 người là F6 của bạn

Tiếp theo, giả sử mỗi người trong số này đều đầu tư số tiền là 1.000 đô la vào tài khoản PAMM ở mức rủi ro cao (High) và có được lợi nhuận 10%, mỗi tháng bạn sẽ nhận được khoản hoa hồng là 89.840 USD, tương đương hơn 2 tỷ đồng.

Thưởng quản lý và hồi khấu hoa hồng (commission rebate) là 2 loại thu nhập chỉ dành cho các tài khoản FVP Trade ở hạng IB trở lên. Đối với thưởng quản lý, bạn sẽ được thưởng số tiền dựa trên lợi nhuận của toàn bộ hệ thống mà bạn xây dựng, không giới hạn về số tầng, với tỷ lệ phụ thuộc hạng tài khoản FVP Trade. Cụ thể:

  • IB nhận thưởng quản lý tỷ lệ 5% lợi nhuận toàn hệ thống, không giới hạn số tầng
  • SIB nhận thưởng quản lý tỷ lệ 10% lợi nhuận toàn hệ thống, không giới hạn số tầng
  • DIB nhận thưởng quản lý tỷ lệ 15% lợi nhuận toàn hệ thống, không giới hạn số tầng
  • MIB nhận thưởng quản lý tỷ lệ 20% lợi nhuận toàn hệ thống, không giới hạn số tầng

Còn đối với hồi khấu hoa hồng (commission rebate), bạn sẽ nhận được một số tiền thưởng cố định dựa trên số lượng lô giao dịch được thực hiện bởi người được bạn giới thiệu tham gia FVP Trade, với mỗi lô tương đương với 1.000 USD giá trị giao dịch. Cụ thể:

  • IB nhận thưởng 5 USD với mỗi lô giao dịch 1.000 USD
  • SIB nhận thưởng 9 USD với mỗi lô giao dịch 1.000 USD
  • DIB nhận thưởng 12 USD với mỗi lô giao dịch 1.000 USD
  • MIB nhận thưởng 15 USD với mỗi lô giao dịch 1.000 USD

Vậy làm thế nào để được nâng hạng lên IB, SIB, DIB hoặc MIB từ hạng Thành viên thông thường? Bạn sẽ đạt hạng Thành viên khi đầu tư ít nhất 1.000 USD với FVP Trade. Tuy nhiên, điều kiện để đạt các thứ hạng tài khoản cao hơn sẽ khó khăn hơn, bao gồm cả điều kiện về số tiền bạn đầu tư, số người bạn giới thiệu và số tiền những người được giới thiệu đầu tư. Cụ thể:

  • Để lên hạng IB, bạn cần đầu tư ít nhất 3.000 USD, trực tiếp giới thiệu 5 người đầu tư với mức đầu tư tối thiểu 10.000 USD, có tổng số tiền đầu tư trong hệ thống (bao gồm cả người được giới thiệu trực tiếp và gián tiếp) đạt 50.000 USD
  • Để lên hạng SIB, bạn cần đầu tư ít nhất 5.000 USD, trực tiếp giới thiệu 8 người đầu tư với mức đầu tư tối thiểu 20.000 USD (trong đó phải có 3 người đạt hạng IB), có tổng số tiền đầu tư trong hệ thống (bao gồm cả người được giới thiệu trực tiếp và gián tiếp) đạt 300.000 USD
  • Để lên hạng DIB, bạn cần đầu tư ít nhất 10.000 USD, trực tiếp giới thiệu 10 người đầu tư với mức đầu tư tối thiểu 50.000 USD (trong đó phải có 3 người đạt hạng SIB), có tổng số tiền đầu tư trong hệ thống (bao gồm cả người được giới thiệu trực tiếp và gián tiếp) đạt 2.000.000 USD
  • Để lên hạng SIB, bạn cần đầu tư ít nhất 30.000 USD, trực tiếp giới thiệu 15 người đầu tư với mức đầu tư tối thiểu 200.000 USD (trong đó phải có 3 người đạt hạng DIB), có tổng số tiền đầu tư trong hệ thống (bao gồm cả người được giới thiệu trực tiếp và gián tiếp) đạt 8.000.000 USD

FVP Trade có phải đa cấp, lừa đảo?

Từ những thông tin mà FVP Trade cung cấp, dường như đây là một cơ hội kiếm tiền rất hấp dẫn. Tuy nhiên, liệu đây có phải sự thật, hay chỉ là chiếc bánh vẽ để đánh lừa những nhà đầu tư thiếu hiểu biết? Mời bạn đón đọc phần 2 của bài viết này, với những phân tích chi tiết về FVP Trade để bạn có cái nhìn chính xác và khách quan nhất về dự án này trước khi đưa ra quyết định đầu tư.