Trong bài viết phần 1, Sodu.asia đã giúp bạn tìm hiểu sơ bộ về Antares, bao gồm những lĩnh vực hoạt động, các sản phẩm và các hình thức kiếm tiền với dự án này. Trong bài viết phần 2 này, Sodu.asia sẽ phân tích chi tiết hơn để làm sáng tỏ những nghi vấn xoay quanh dự án đang nhận được nhiều sự quan tâm này, để giúp những ai đang quan tâm có cái nhìn chính xác nhất trước khi đưa ra quyết định bỏ tiền.
Mô hình kinh doanh của Antares
Như đã phân tích, Antares hoạt động trong lĩnh vực đa cấp. Theo đó, doanh nghiệp này tự nhận là một nền tảng hỗ trợ quảng bá các cơ hội đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, các sản phẩm số và công ty khởi nghiệp ra thị trường theo mô hình giới thiệu bằng hệ thống, qua đó đem lại tự do tài chính và hiểu biết về kinh doanh tới cho người dùng.
Trên thực tế, điều này có nghĩa là Antares là một hệ thống đa cấp quy mô lớn, hay nói cách khác, mô hình kinh doanh của Antares phụ thuộc hoàn toàn vào việc xây dựng hệ thống và tuyển dụng người tham gia cho các dự án đa cấp khác, chứ Antares hoàn toàn không tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm hay sở hữu bất kỳ tài sản nào.

Tuy nhiên, dù mô hình kinh doanh này có nhiều điểm nghi vấn, vẫn chưa đủ thông tin để kết luận về Antares. Do đó, cần đi sâu phân tích các dự án đa cấp mà Antares đang tiến hành phân phối theo các chương trình khác nhau để có cái nhìn đầy đủ hơn về doanh nghiệp này.
Các chương trình đầu tư của Antares
Như đã đề cập ở phần trước, theo Antares, doanh nghiệp này đang hợp tác với một số đối tác trong các chương trình đầu tư và tiếp thị liên kết (affiliate) như Catalyst, Synergy International Group Limited, Nexus Trust Managment. Tuy nhiên, khi đi sâu phân tích các chương trình đầu tư này, không khó để ngay lập tức nhận thấy những điểm đáng ngờ.
Chương trình Binar Profit Team với đối tác Catalyst
Chẳng hạn, đối với gói đầu tư Binar Profit Team triển khai cho đối tác Catalyst, Antares đang hứa hẹn mức lợi nhuận lên tới 2% mỗi ngày, trong quãng thời gian 200 – 300 ngày tùy theo mỗi gói cho những ai mua gói đầu tư và được Catalyst đảm bảo bảo toàn vốn 100%. Rõ ràng, đây là một điều phi lý, bởi khó có một khoản đầu tư nào có thể đảm bảo lợi nhuận đều đặn như vắt chanh trong thời gian dài như vậy, chứ chưa nói đến một mức lợi nhuận cực hấp dẫn lên tới 2% mỗi ngày.
Dù Antares khẳng định rằng Catalyst có đội ngũ 100 nhà giao dịch hàng đầu tiến hành giao dịch trong các phân khúc thị trường hứa hẹn nhất, bên cạnh sử dụng giao dịch định lượng (quantitative trading) và tần suất cao (high frequency trading – HFT), cũng như các công cụ điện tử và kỹ thuật số, cho phép họ nhận được phần trăm lợi nhuận cao với rủi ro thua lỗ tối thiểu – điều này cũng vẫn vô cùng khó tin, nhất là khi đây chỉ là những tuyên bố từ một phía, bởi hiệu quả của các khoản đầu tư của Catalyst không hề có bên thứ ba nào kiểm toán và chứng thực.
Nên nhớ, quỹ đầu tư định lượng Renaissance Technologies, một trong những quỹ phòng hộ lớn và nổi tiếng nhất thế giới, sử dụng công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, với hơn 90 trong gần 300 nhân sự có bằng giáo sư (PhD) trong các lĩnh vực thống kê, khoa học máy tính, toán học ứng dụng, vật lý từ những trường đại học danh tiếng nhất trên thế giới như Stanford, MIT, Princeton, University of Chicago hay CalTech, nơi quản lý quỹ Medallion với mức lợi nhuận quy năm trung bình 71.8% mỗi năm trong suốt giai đoạn từ 1994 đến giữa 2014 – được coi là tốt nhất lịch sử đầu tư, cũng hoạt động kém hiệu quả trong thời gian gần đây và ghi nhận khoản lỗ 2 chữ số trong năm 2020, đồng thời bị khách hàng rút ròng 5 tỷ USD.

Như vậy, có thể nói rằng, việc một quỹ đầu tư kém tên tuổi với những trader vô danh lại có thể hứa hẹn mức lợi nhuận “khủng” hơn cả quỹ đứng đầu phố Wall là một chuyện hoang đường.
Chưa hết, khi đi sâu tìm hiểu, Sodu còn phát hiện ra nhiều điểm bất thường liên quan đến đối tác Catalyst của Antares. Cụ thể, Antares cho biết Catalyst là một doanh nghiệp có lịch sử hoạt động hơn 26 năm khi được thành lập tại Singapore vào năm 1994. Sau đó, doanh nghiệp này tiến hành đăng ký và đặt văn phòng tại Hong Kong để hưởng lợi từ môi trường kinh doanh thuận lợi tại đây. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có đăng ký kinh doanh tại New Zealand, mà theo Catalyst là để hưởng các ưu đãi về thuế.
Tuy nhiên, khi tra cứu danh sách các doanh nghiệp có tên liên quan tới “Catalyst” trong danh bạ doanh nghiệp của Singapore, chỉ có 2 doanh nghiệp có năm thành lập là 1994, đó là “Shell Catalyst & Technologies Pte. Ltd.“, với ngành nghề kinh doanh là bán buôn sản phẩm hóa dầu và “Catalyst Recovery Singapore Pte. Ltd.“, với ngành nghề kinh doanh là sản xuất chất xúc tác và tái sinh chất xúc tác, cùng với bán buôn hóa chất và sản phẩm hóa chất. Nói cách khác, hoàn toàn không có một quỹ đầu tư Catalyst với lịch sử hơn 26 năm như quảng cáo cả.
Việc tra cứu các thông tin liên quan tới Catalyst tại Hong Kong cũng cho kết quả tương tự. Trong số 62 doanh nghiệp có tên liên quan tới Catalyst trong danh sách các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Hong Kong, dường như không có doanh nghiệp nào liên quan tới hoạt động quỹ đầu tư như Catalyst và Antares mô tả.
Hơn thế nữa, Catalyst còn bị các cơ quan quản lý đưa ra những cảnh báo về hoạt động của doanh nghiệp này. Chẳn hạn, cơ quan quản lý thị trường tài chính của New Zealand, Financial Markets Authority (FMA) cũng đã đưa ra cảnh báo về việc Catalyst không đăng ký cung cấp dịch vụ tài chính tại quốc gia này, do đó đang thực hiện môi giới, chào bán các sản phẩm dịch vụ tài chính trái pháp luật tới người dân New Zealand. Chưa hết, FMA cũng cảnh báo Catalyst có dấu hiệu lừa đảo, khi các tuyên bố về hoạt động tại văn phòng ở New Zealand, cũng như các thông tin sử dụng để đăng ký kinh doanh tại đây được phát hiện là không có thật.

Ngay sau đó, tờ New Zealand Gazette, cơ quan ngôn luận của chính phủ nước này, chịu sự quản lý của Bộ Nội vụ, cũng đã đăng tải thông tin về việc hủy bỏ đăng ký kinh doanh của Catalyst, với lí do doanh nghiệp này đã sử dụng những thông tin không có thật trong đăng ký kinh doanh của mình.

Ngoài ra, kết quả tra cứu đăng ký tên miễn cũng cho thấy, tên miền đang được sử dụng bởi Catalyst tại Catalyst.finance chỉ mới được đăng ký cách đây chưa lâu, vào thời điểm cuối tháng 04/2019. Điều này đặt ra câu hỏi, tại sao một doanh nghiệp tự nhận có lịch sử hoạt động lâu năm lại có một tên miền được đăng ký mới như vậy, chưa kể lại chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm trước ngày Antares chính thức ra mắt.

Đi sâu tìm hiểu kỹ hơn, không quá khó để phát hiện ra thêm nhiều điểm đáng ngời trong mỗi quan hệ giữa Antares và Catalyst.
Đầu tiên, trang chủ của Catalyst có công bố lộ trình phát triển giai đoạn 2020-2021 của quỹ này. Đây vốn đã là một động thái tương đối lạ lùng, bởi rõ ràng Catalyst là quỹ đầu tư chứ không phải một doanh nghiệp khởi nghiệp hay dự án, vì vậy điều Catalyst cần làm trong việc quan hệ với nhà đầu tư (investor relations) là cung cấp các báo cáo về hiệu quả đầu tư được kiểm toán độc lập bởi bên thứ ba theo định kỳ, một điều mà Catalyst chưa thực hiện được, thay vì đưa ra những lời hứa hẹn không có cơ sở. Tuy nhiên, còn có một điều kỳ lạ hơn nữa, đó là lộ trình này lại chỉ bắt đầu với cột mốc bắt đầu hợp tác với Antares ở thời điểm tháng 03/2020. Việc này đặt ra nghi vấn rằng, mối quan hệ giữa Antares và Catalyst có phải chỉ là đối tác đơn thuần hay thực chất là gì? Tại sao Catalyst luôn tuyên bố đã hoạt động hơn 26 năm, nhưng lộ trình phát triển và các cột mốc lại chỉ bắt đầu từ 2020? Liệu có phải Catalyst mà một doanh nghiệp được chính đội ngũ của Antares dựng lên để tạo ra nhận thức rằng Antares đang hợp tác với những đối tác lớn, từ đó thổi phồng uy tín của Antares?

Ngoài ra, dựa trên lộ trình này, bản thân Catalyst cũng đang thất hứa khi hoàn toàn không có văn phòng nào tại Los Angeles được mở vào tháng 05/2020, hay văn phòng nào tại London được mở vào tháng 01/2021, hay thậm chí là chương trình thực tập cho sinh viên nào vào tháng 01/2021 như Catalyst công bố cả. Ngay cả việc trung thực trong việc công bố kế hoạch phát triển của mình Catalyst cũng không làm được, vậy các nhà đầu tư có thể trông đợi được gì khi gửi gắm tiền cho Catalyst quản lý (thông qua Antares)?
Cũng cần nói thêm về mô hình hợp tác giữa Catalyst và Antares. Được biết, theo thỏa thuận hợp tác này, Antares sẽ sở hữu độc quyền quyền quảng bá, môi giới các sản phẩm và dịch vụ của Catalyst. Nhìn từ góc độ kinh doanh, đây là một thỏa thuận hoàn toàn bất hợp lý. Bởi khi ở vai trò của một quỹ đầu tư, đáng ra Catalyst cần đặc biệt quan tâm tới chi phí vốn, do mô hình doanh thu của các quỹ đầu tư thường đến từ phí quản lý, thường ở mức 2% trên tổng số tài sản quỹ quản lý (Asset Under Management – AUM). Thế nhưng, thay vì việc tìm đến các nhà đầu tư tổ chức có thể cung cấp số tiền đầu tư lớn và không có giá vốn cao mà các quỹ đầu tư khác thường làm như các ngân hàng, quỹ hưu trí (pension fund), các công ty quản lý tài sản gia đình người siêu giàu (family office); Catalyst lại giao phó toàn bộ việc thu hút vốn cho Antares. Việc này không chỉ giới hạn cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư của Catalyst, mà còn tăng chi phí vốn của Catalyst, khi mà việc thu hút tiền đầu tư qua Antares luôn cần phải trả hoa hồng lên tới 20% cho hệ thống giới thiệu của Antares, chưa kể tiền thưởng và các chi phí khác.
Cuối cùng, trên trang chủ của mình, Catalyst cho biết đến việc quỹ đầu tư này được nhiều đơn vị truyền thông danh tiếng như Forbes, Yahoo Finance hay Investing.com đề cập đến, như một cách để chứng minh uy tín. Tuy nhiên, chỉ cần tìm hiểu kĩ hơn một chút, không khó để nhận ra sự thật không hẳn như vậy.
Chẳng hạn, hãy thử xem bài viết của Forbes đề cập đến Catalyst được quỹ này dẫn link trên trang chủ của mình. Hóa ra, đây không phải là một bài viết “giới thiệu chi tiết về Catalyst”, mà nội dung của nó tập trung vào việc phân tích tương lai quy mô thị trường của các giải pháp công nghệ blockchain, trong đó chỉ có đúng một đoạn văn dẫn lại ý kiến của một nhân vật là Jack Barrett, CEO của Catalyst nói một cách khá chung chung về tiềm năng của công nghệ này. Tuy nhiên, ngoài bài viết này, hoàn toàn không có một thông tin nào về nhân vật Jack Barrett này có thể được tìm thấy. Bên cạnh đó, cũng cần phải nói rõ đây là một bài viết được đăng tải bởi một cộng tác viên (contributor), thay vì được viết bởi đội ngũ biên tập viên (editor) thuộc biên chế của Forbes. Trên thực tế, dù là một trang tin quy mô lớn, nhưng song song với những bài viết chuyên môn cao được đảm bảo bởi đội ngũ biên tập viên, Forbes khá cởi mở với những nội dung của các cộng tác viên trong cộng đồng, khi mà các cộng tác viên này có thể trực tiếp đăng bài lên Forbes mà gần như là không cần qua quá trình kiểm duyệt nào. Như vậy, việc Catalyst nói rằng mình “được Forbes đề cập đến” có sự phóng đại và đánh tráo khái niệm, bởi bài viết của Forbes có nội dung gần như không hề liên quan tới Catalyst, chỉ được đăng tải bởi cộng tác viên chứ không phản ánh quan điểm của Forbes và việc nhân vật liên quan tới Catalyst trong bài viết không hề tồn tại một thông tin nào. Thậm chí, ngay cả khi Forbes đưa tin về Catalyst, cũng khó có thể coi điều đó là sự đảm bảo chắc chắn cho uy tín của Catalyst, bởi các trang tin tức chỉ đóng vai trò đưa tin, thay vì đóng vai trò thẩm định mô hình kinh doanh hay tính pháp lý của doanh nghiệp.

Tương tự, các bài viết về Catalyst của Investing.com hay Seeking Alpha cũng do cộng tác viên đăng tải, với chủ đề gần như không liên quan, chỉ dẫn lại một trích đoạn ý kiến của người đứng đầu Catalyst.


Đối với bài viết về Catalyst trên Yahoo Finance, dù nội dung tập trung chủ yếu vào Catalyst, tuy nhiên một lần nữa đây cũng không phải là bài viết được đội ngũ của Yahoo Finance thực hiện về quỹ đầu tư này. Thay vào đó, đây là một bài thông cáo báo chí được đăng tải tự động trên Yahoo Finance bởi nền tảng AccessWire. Theo đó, chính đội ngũ Catalyst là người thực hiện bài viết này, sau đó trả phí cho AccessWire để nền tảng này đăng tải lại trên nhiều trang tin khác nhau dưới dạng thông cáo báo chí của doanh nghiệp, như trường hợp ở đây. Bằng cách đó, mọi doanh nghiệp đều có thể đăng tải thông cáo báo chí lên các trang tin tức lớn khi có nhu cầu.

Chương trình Synergy Profit Team với đối tác Synergy
Nếu như Catalyst, đối tác đầu tiên của Antares, đã đặt ra không ít nghi vấn khi tìm hiểu thì Synergy, đối tác của Antares trong chương trình Synergy Profit Team, thậm chí còn có vẻ phi thực tế ngay cả khi chỉ mới nhìn qua.
Đầu tiên, đăng ký kinh doanh của Synergy có vấn đề. Trong danh mục đối tác trên trang chủ của mình, Antares liệt kê Synergy với thời điểm đăng ký kinh doanh là ngày 04/05/2019.

Thế nhưng trang chủ của Synergy lại nêu rằng doanh nghiệp này được thành lập vào thời điểm 04/03/2020, với giám đốc điều hành là Robert Tyler. Như vậy, có sự bất nhất giữa những thông tin giới thiệu về Synergy được đưa ra bởi doanh nghiệp này và Antares.

Chưa hết, bản thân những thông tin mà Synergy đưa ra về mình cũng có những điểm bất nhất. Khi tra cứu đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này, thông tin về giám đốc điều hành lại là một nhân vật có tên là Dmitry Parkin, chứ không phải là Robert Tyler như doanh nghiệp này giới thiệu. Điều này có nghĩa là chính Synergy đang không minh bạch về danh tín của đội ngũ lãnh đạo của mình.

Gần như không có thông tin về nhân vật “Robert Tyler” như mô tả của Synergy được tìm thấy. Còn đối với việc tìm kiếm thông tin về nhân vật Dmitry Parkin, một số nguồn tin liên quan tới Antares cho biết đây là một doanh nhân thành đạt, người đã rời bỏ sự nghiệp chính trị và lĩnh vực dầu khí để thực hiện ước mơ với Synergy, cùng với người trợ lý thân cận là Vasily Egorov. Nguồn tin này cũng cung cấp thông tin về tài khoản Instagram của Dmitry Parkin và Vasily Egorov. Theo đó, tài khoản của cả 2 nhân vật này đều đăng tải rất nhiều hình ảnh về các hoạt động của Synergy, nhưng chỉ mới bắt đầu hoạt động vào đầu tháng 06/2020, tức vài tháng sau khi Synergy được đăng ký thành lập. Không có thêm nhiều thông tin về tiểu sử của cả hai nhân vật bên cạnh những điều kể trên.


Từ những điểm này, các nhà đầu tư quan tâm đến Synergy hoàn toàn có quyền nghi ngờ về đội ngũ sáng lập và điều hành của doanh nghiệp này: Danh tính thực sự của họ thực sự là ai? Tại sao lại có nhiều thông tin mâu thuẫn như vậy? Họ đã làm gì trước khi bắt đầu Synergy? Liệu họ có đủ kinh nghiệm và uy tín để các nhà đầu tư gửi gắm tiền của mình? Và tại sao Synergy, không rõ tình cờ hay cố ý, lại được thành lập cùng thời điểm với Antares? Liệu có phải Antares và Synergy (và có lẽ cả Catalyst) đều cùng do một người hoặc một nhóm người thành lập nên, dưới vỏ bọc các doanh nghiệp độc lập để đánh lừa nhà đầu tư?
Tiếp đó, khi nhìn vào mô hình kinh doanh của Synergy, ngay cả những người mơ mộng nhất có lẽ cũng sẽ phải băn khoăn về tính khả thi của nó. Cụ thể, Synergy hứa hẹn những người tham gia chương trình của mình sẽ được mua các sản phẩm và dịch vụ như ô tô, xe máy, bất động sản, đồ điện tử,… với mức giá giảm tới 25-70% so với giá bán thông thường.
Một người có suy nghĩ sẽ ngay lập tức đặt ra câu hỏi: Làm thế nào Synergy có thể thực hiện được cam kết này? Bởi, việc giảm giá một số sản phẩm, dịch vụ theo mức mà Synergy đưa ra sẽ khiến giá bán cho người tiêu dùng thậm chí thấp hơn cả chi phí sản xuất. Dĩ nhiên, các nhà sản xuất và các đơn vị phân phối sẽ không bao giờ chấp nhận việc chịu lỗ như vậy. Do đó, sẽ phải có một đơn vị đứng ra đóng vai trò tài trợ các khoản giảm giá đó. Trong trường hợp này, gần như chắc chắn đó sẽ là Synergy.
Việc tài trợ các chi phí khuyến mãi “khủng” như vậy cho người tiêu dùng hẳn sẽ tốn của Synergy một lượng tiền đáng kể. Thế nhưng, dường như Synergy lại không thu được nguồn doanh thu đáng kể nào, bởi hiện doanh nghiệp này chỉ thu phí tham gia chương trình là 1% trên giá trị giao dịch, chẳng thấp vào đâu so với mức tài trợ giảm giá lên tới vài chục phần trăm. Điều này đặt ra câu hỏi là Synergy lấy tiền ở đâu để tài trợ các khoản giảm giá đó? Vận hành một mô hình kinh doanh bất khả thi về mặt kinh tế như vậy, liệu có phải Synergy đang lấy số tiền thanh toán một phần của người sau trả cho trước? Nếu vậy, sẽ đến một lúc mà Synergy sẽ không thể thu hút thêm người tham gia thì dự án này sẽ “dẹp tiệm”, và những đến sau sẽ mất trắng khoản tiền đã thanh toán mà không nhận lại được gì.
Kế hoạch phát triển của Antares
Theo lộ trình được công bố bởi Antares, trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2025, doanh nghiệp này sẽ liên tục tung ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới, như dịch vụ cho thuê và chia sẻ xe đạp Antares Bike Sharing, chuỗi nhà hàng Antares Food, thương hiệu thời trang Antares Clothes, dịch vụ quản lý bất động sản AntHouse, dịch vụ gọi xe Antares Taxi, chuỗi phòng tập Antares Fitness, nền tảng video trực tuyến Antares Streaming, dịch vụ ngân hàng số Antares Banking, dịch vụ giao đồ ăn Antares Delivery, dịch vụ chuyển phát nhanh Antares AHL, mạng lưới thanh toán Antares Pay, dịch vụ bảo hiểm Antares Insurance.

Tuy nhiên, cần phải nói rằng, gần như tất cả các mảng kinh doanh nằm trong lộ trình của Antares đều là các mô hình “đốt tiền”, tức cần số tiền đầu tư cực lớn, trong khi thời gian hoàn vốn rất dài hoặc đơn giản là không thể có lãi. Chẳng hạn, đối với dịch vụ cho thuê và chia sẻ xe đạp Antares Bike Sharing mà Antares đề cập, bài học của hai doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này là Ofo và Mobike vẫn còn rất mới. Dù đã thu hút hàng tỉ đô đầu tư từ các doanh nghiệp lớn như Alibaba, Tencent, Didi, ICBC International (chi nhánh Hong Kong của Ngân Hàng Công Thương Trung Quốc), hai ứng dụng này đã thất bại trong việc đạt được một mô hình kinh doanh có hiệu quả về mặt kinh tế. Kết quả là Ofo phải đóng ứng dụng riêng, còn Ofo đang đối mặt với rắc rối về mặt tài chính khi không có khả năng trả các khoản nợ. Trước đó, cả hai đã phải rút khỏi hàng loạt thị trường quốc tế và sai thải nhân viên.
Việc Antares lên kế hoạch tham gia vào hàng loạt lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, với mức độ cạnh tranh cao, khả năng tạo ra lợi nhuận chưa rõ ràng, lại trong một thời gian ngắn, đã đặt ra những câu hỏi về chiến lược của doanh nghiệp này. Nếu như Antares thực sự nghiêm túc với lộ trình đã công bố, thì Antares sẽ dựa vào lợi thế nào, cũng như lấy tiền đầu tư từ đâu để cạnh tranh với các đối thủ nhiều kinh nghiệm trên thị trường? Nếu không, đây sẽ chỉ là chiếc “bánh vẽ” của Antares đưa ra cho các nhà đầu tư nhằm thu hút tiền của họ, một điều không mới khi mà các dự án đa cấp, lừa đảo kiểu Ponzi thường xuyên tận dụng những xu hướng kinh doanh đang nhận được nhiều sự quan tâm nhất để dụ dỗ những nhà đầu tư thiếu kiến thức.
Bên cạnh đó, Antares cho biết sẽ tiến hành IPO, tức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, hay hiểu đơn giản là lên sàn tại Mỹ vào thời điểm tháng 22/02/2022. Và Antares đang trao cho những ai quan tâm đến thương vụ này cơ hội kiếm lợi nhuận thông qua chương trình Token Profit Team.
Cụ thể, Antares phát hành 1 triệu Antares token (ANT) với giá phát hành là $1 cho mỗi Antarest Token. Theo Antares, giá thị trường của các token này sẽ đạt mức $1,000 vào thời điểm 31/12/2021. Cũng theo Antares, khi doanh nghiệp này tiến hành IPO, Antares sẽ hoán đổi mỗi token với 200 cổ phần đại chúng, với mỗi cổ phần theo Antares có giá trị tối thiểu là $10. Như vậy có nghĩa là mỗi Antares token sẽ có giá tối thiểu là $2,000.
Hành động này của Antares tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Bởi, với việc quy định giá trị của Antares Token ($1 ở thời điểm phát hành và $1,000 ở thời điểm 31/12/2021) và tỉ lệ quy đổi sang cổ phần đại chúng (1 token = 200 cổ phần đại chúng), Antares trên thực tế đang tiến hành tự định giá chính mình. Điều này là khá lạ lùng, bới nó thường được thực hiện bởi các ngân hàng đầu tư (investment bank), những người hiểu rõ về nhu cầu của thị trường vốn (capital markets) và định giá doanh nghiệp. Ngoài ra, việc định giá doanh nghiệp ở khá xa thời điểm IPO nhưng đã chào bán các sản phẩm đầu tư có liên quan đến giá trị thương vụ IPO cũng là một điều ít doanh nghiệp tử tế nào làm, do bối cảnh kinh doanh hoàn toàn có thể thay đổi khiến cho định giá trong IPO thấp hơn. Hơn thế nữa, cơ sở cho định giá đó (cũng như việc tăng giá gấp 1,000 lần của Antares Token từ $1 lên $1,000) gần như không tồn tại, khi mà Antares không hề công bố bất cứ thông tin nào về tình hình kinh doanh của công ty, chẳng hạn báo cáo tài chính được kiểm toán bởi một đơn vị thứ 3 uy tín, chẳng hạn như Big 4 kiểm toán.
Nói cách khác, mức định giá hiện nay của Antares, thể hiện qua giá của Antares Token và tỉ lệ quy đổi sang cổ phần đại chúng tại thời điểm IPO, chỉ là lời hứa suông của ban lãnh đạo doanh nghiệp này.
Đội ngũ lãnh đạo của Antares
Theo thông tin từ Antares, doanh nghiệp này được sáng lập và điều hành bởi Alex Richter, một nhân vật được giới thiệu là có hơn 20 năm kinh nghiệm. Nhân vật này tự nhận là đã từng có kinh nghiệm tham gia các mạng lưới đa cấp của Amway và Omnilife, sau đó tư vấn tài chính tại ngân hàng BBVA Mexico và Accenture, đóng vai trò Giám đốc Tài chính (CFO) tại một quỹ đầu tư quản lý số tài sản hơn 500 triệu đô la, trước khi sáng lập Antares.

Tuy nhiên, dù cho có thâm niên hoạt động như vậy, điều lạ là không hề có một thông tin nào về nhân vật Alex Richter này có thể được tìm thấy, ngoài những thông tin từ Antares. Ngay cả tài khoản Instagram của nhân vật này cũng mới có bài đăng đầu tiên vào thời điểm tháng 12 năm 2019, tức là chỉ chưa đầy 3 tháng trước khi Antares bắt đầu ra mắt.

Điều này đặt ra nghi vấn rằng: Liệu nhân vật Alex Richter này có thực sự tồn tại? Hay đây chỉ là một nhân vật được dựng lên để đại diện cho Antares với một danh tính giả mạo, để có thể dễ dàng xóa dấu vết khi doanh nghiệp này lừa đảo nhà đầu tư?
Bên cạnh đó, Antares cũng không hề đưa ra thông tin về bất kỳ thành viên nào khác của đội ngũ lãnh đạo ngoài CEO Alex Richter, như COO hoặc CFO, cho thấy doanh nghiệp này cực kỳ hạn chế trong việc minh bạch thông tin với những nhà đầu tư quan tâm.
Cơ chế trả thưởng đa cấp của Antares
Như đã phân tích, những người tham gia ngoài việc mua các gói đầu tư của Antares kể kiếm lời, còn có thể tạo ra thu nhập bằng việc giới thiệu người mới tham gia vào Antares, với các khoản hoa hồng được trả theo cơ chế đa cấp, lên tới F6. Tỉ lệ hoa hồng chi trả cho hệ thống giới thiệu có thể lên tới 20% giá trị các khoản đầu tư mới, chưa kể đến các khoản thưởng (bonus) khác.

Cùng với những câu hỏi xoay quanh mô kinh doanh chưa có lời giải, cùng với mô hình trả thưởng đa cấp, hoàn toàn có cơ sở khi đặt ra nghi vấn rằng Antares chỉ là một dự án lừa đảo theo kiểu Ponzi, chỉ cố gắng thu hút càng nhiều vốn càng tốn bằng cách lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước, để đến một thời điểm nhất định thì sẽ dừng hoạt động, còn những kẻ đứng đầu sẽ cao chạy xa bay với số tiền thu được.
Cảnh báo của cơ quan chức năng
Cũng bởi những yếu tố đáng ngờ đã nêu, Antares đang bắt đầu bị các cơ quan quản lý để mắt. Từ tháng 03/2021, FSMA (Financial Services and Markets Authority) – cơ quan cùng với Ngân hàng Trung ương Bỉ chịu trách nhiệm quản lý hệ thống tài chính của quốc gia này đã đưa ra cảnh báo về các hoạt động bất thường của Antares. Theo đó, FSMA cho biết Antares đang có hành vi phạm pháp khi thực hiện cung cấp dịch vụ đầu tư tại Bỉ, đồng thời nhận định rằng mô hình hoạt động của Antares có những dấu hiệu của một dự án lừa đảo kiểu Ponzi, từ đó khuyến cáo người dân không nên tham gia vào các chương trình cung cấp bởi Antares, do nguy cơ mất trắng cực kỳ cao.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán British Columbia (British Columbia Securities Commission – BCSC), cơ quan quản lý và thực thi luật chứng khoán ở tỉnh bang British Columbia của Canada, cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự vào đầu tháng 6. Theo BCSC, Antares không có đăng ký hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán nhưng lại đang tiến hành chào bán cho người dân British Columbia các khoản đầu tư, và do đó, người dân British Columbia cần đề cao cảnh giác khi giao dịch với Antares.

Gần đây nhất, Ủy ban Thị trường Chứng khoán Quốc Gia Tây Ban Nha (Comisión Nacional del Mercado de Valores – CNMV) – cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm quản lý thị trường chứng khoán tại quốc gia này cũng đã phát đi cảnh báo về việc Antares hoạt động mà không đăng ký tại đây.

Đội ngũ môi giới của Antares tại Việt Nam
một trong những cách đơn giản nhất để đánh giá một dự án đầu tư là kiểm chứng uy tín của những người giời thiệu nó. Antares cũng không phải là một ngoại lệ đối với nhận định này.
Không quá khó để nhận ra rằng những cá nhân, tổ chức đang quảng bá mạnh mẽ nhất cho Antares cũng đã hoặc đang quảng bá cho các dự án đa cấp, lừa đảo khác, bao gồm IBG, Pi Network, Wefinex, AI Marketing,…



Kết luận
Như vậy, Antares hoạt động theo một mô hình kinh doanh có nhiều điểm nghi vấn, hợp tác với các đối tác mờ ám, có lộ trình phát triển gần như bất khả thi, được dẫn dắt bởi đội ngũ lãnh đạo không rõ tên tuổi, với cơ chế trả thưởng đa cấp nhiều mâu thuẫn, bị cảnh báo bởi nhiều cơ quan quản lý của các quốc gia, cũng như tồn tại nhiều vấn đề trong việc minh bạch thông tin với các nhà đầu tư. Từ những bằng chứng này, có thể kết luận chắc chắn rằng, Antares là một dự án đa cấp, lừa đảo theo kiểu Ponzi.
Thông thường các dự án Ponzi sẽ có thời gian hoạt động trung bình trên dưới 1 năm trước khi lừa đảo nhà đầu tư và ôm tiền. Trong trường hợp của Antares, doanh nghiệp này tính đến nay đã hoạt động được khoảng 1 năm 5 tháng. Do vậy, khả năng rất cao là Antares sẽ không tồn tại quá lâu nữa và sẽ sập trong thời gian ngắn. Vì thế, bạn không nên đầu tư vào Antares nếu không muốn mất tiền, đồng thời cảnh báo bạn bè và người thân nếu như họ có ý định đó.