Bất động sản Nhật Nam, hay còn được biết đến với tên gọi Nhật Nam Group, mới đây tiếp tục thu hút nhiều sự chú ý khi có động thái mới nhất là sáp nhập với Sông Đà 1.01 và chính thức đổi tên thành Sông Đà Nhật Nam. Bên cạnh đó, Sông Đà Nhật Nam cũng hé lộ trên truyền thông về một “cổ đông đặc biệt” là ca sĩ Khánh Phương, người nổi tiếng với bản hit “Chiếc khăn gió ấm”.
Tuy nhiên, những động thái mới mà Bất động sản Nhật Nam đưa ra đang không đủ để làm dịu đi những thông tin tiêu cực xung quanh doanh nghiệp này. Chẳng hạn, thời gian gần đây Bất động sản Nhật Nam liên tục thông báo điều chỉnh tỉ lệ và thời gian phân chia lợi nhuận. Ngoài ra, chính quyền nhiều địa phương cũng đã lên tiếng cảnh báo người dân trên địa bàn về rủi ro khi tham gia đầu tư với Nhật Nam.
Vậy tương lai của Nhật Nam sẽ như thế nào? Liệu động thái sáp nhập Sông Đà 1.01 có thể “cứu” Nhật Nam, hay nhà đầu tư bỏ tiền vào Nhật Nam có nguy cơ mất trắng? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Diễn biến mới tại Bất động sản Nhật Nam
Bất động sản Nhật Nam đã có nhiều chuyển động mới trong năm 2022, trong đó nổi bật nhất là việc doanh nghiệp này tiến hành sáp nhập Sông Đà 1.01.
Sáp nhập Sông Đà 1.01
Ngay đầu năm 2023, Bất động sản Nhật Nam đã chính thức sáp nhập với Sông Đà 1.01 (UPCoM: SJC), đồng thời đổi tên doanh nghiệp thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam. Trước đó, vào ngày 31/12/2022, Sông Đà 1.01 đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường, qua đó miễn nhiệm miễn nhiệm toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát, đồng thời bầu ra Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 5 thành viên: bà Vũ Thị Thúy (sinh năm 1983, thường trú tại Hà Nội), ông Phạm Khánh Phương (sinh năm 1981, TPHCM), ông Trịnh Văn Tôn (sinh năm 1984, Thái Bình), ông Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1982, Hà Nội) và ông Tạ Văn Trung (sinh năm 1956, Hà Nội).
Subscribe kênh YouTube của Sodu để được cập nhật phân tích về các cơ hội đầu tư: https://bit.ly/2H6ubT7
Trong đó, trừ ông Tạ Văn Trung từng làm việc cho HĐQT của Sông Đà 1.01, những cá nhân còn lại đều không có mối liên quan trước đó đến doanh nghiệp này. Cụ thể, bà Vũ Thị Thúy là cổ đông lớn của SJC với tỷ lệ sở hữu 23,53%, sau khi mua vào hơn 1,6 triệu cổ phiếu SJC vào phiên 25/11/2022 (ước tính giá trị giao dịch khoảng 12 tỷ đồng). Bà Vũ Thị Thúy được biết đến với vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (Bất động sản Nhật Nam hay Nhật Nam Group).
Ngoài bà Thúy, HĐQT mới của Sông Đà 1.01 còn có ông Phạm Khánh Phương, vốn được biết tới với vai trò ca sĩ cùng bản hit nổi bật nhất là “Chiếc khăn gió ấm”. Ông Phạm Khánh Phương là cổ đông lớn của SJC, sở hữu 24.26% cổ phần. Từ ngày 28/10/2022, sau khi mua gần 3.2 triệu cp chỉ trong 1 phiên, ông Phương trở thành cổ đông lớn của Công ty với tỷ lệ sở hữu 45.51%. Sau 3 lần giao dịch mua bán tiếp theo, đến nay phần sở hữu của ông giảm còn gần 1.7 triệu cp SJC, tương đương 24.26%.

Hai thành viên còn lại, ông Tôn và ông Đức cũng đang là Phó Tổng giám đốc và thành viên Ban chiến lược của Bất động sản Nhật Nam. Ông Đức còn đồng thời là Tổng Giám đốc CTCP Nam Nhật Khang – một công ty kinh doanh bất động sản khác.
Đáng chú ý, ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương) cũng được giới thiệu là một “cổ đông đặc biệt” của Bất động sản Nhật Nam. Nhân vật này liên tục xuất hiện trong các sự kiện Nhật Nam tổ chức cũng như trên các ấn phẩm truyền thông, quảng bá của doanh nghiệp này như một đại sứ thương hiệu.

Điều này có nghĩa là Sông Đà 1.01 có sự đổi chủ, với nhóm cổ đông liên quan đến Nhật Nam nắm quyền sở hữu chi phối. Và ngay sau cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường, HĐQT mới của Sông Đà 1.01 đã bầu bà Thúy làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật công ty, đồng thời là người thực hiện công bố thông tin. Không lâu sau đó, ngày 07/01/2023, Nhật Nam đã tổ chức sự kiện công bố sáp nhập Sông Đà 1.01, trở thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam.

Theo những thông tin mà Sông Đà Nhật Nam công bố, sau khi sáp nhập 2 công ty, ban lãnh đạo sẽ ưu tiên giải quyết những khó khăn nội tại của Sông Đà 1.01 và nhanh chóng tái khởi động dự án Hanoi Landmark 51.
Được biết, dự án Hanoi Landmark 51 nằm tại Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), có tên đầy đủ là Tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp Vinafor (tên thương mại Hanoi LandMark 51, sau đổi thành Tòa nhà Tokyo Tower). Dự án được khởi công vào tháng 4/2015, với tổng vốn đầu tư 988 tỷ đồng. Dự án được phát triển trên nền diện tích gần 4.600m2 với 688 căn hộ, là tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội chỉ sau Kaengnam Landmark 72 và Lotte Tower vào thời điểm công bố. Thế nhưng hiện tại dự án mới chỉ xây xong phần thô, không thấy có hoạt động xây dựng để hoàn thiện dự án trong khi theo kế hoạch, dự án được hoàn thiện và bàn giao sử dụng vào quý IV/2017.
Sau sự kiện sáp nhập doanh nghiệp của Sông Đà Nhật Nam, dự án này đã mang tên mới là Nhật Nam Plaza.
Ra mắt dự án mới
Bên cạnh việc tiếp quản dự án Hanoi Landmark 51 từ Sông Đà 1.01, Sông Đà Nhật Nam còn công bố thêm nhiều dự án mới trong thời gian vừa qua, trong đó bao gồm dự án Khu biệt thự cao cấp Nhật Nam tại Sơn Tây – Hà Nội và dự án Khu đô thị mới chợ Nông sản Huyện Lục Ngạn – Tỉnh Bắc Giang.
Cụ thể, Sông Đà Nhật Nam cho biết dự án Khu biệt thự cao cấp Nhật Nam tại Sơn Tây – Hà Nội được khánh thành ra mắt vào tháng 5/2022 vừa qua. Khu biệt thự cao cấp này được mô tả là sở hữu vị trí vàng khi là trung tâm kết nối của 2 tuyến giao thông trọng điểm và huyết mạch là Quốc lộ 32 và Đại lộ Thăng Long. Ngoài những tiện ích sinh hoạt được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của cư dân thì khu biệt thự còn có những tiện ích ngoại khu cực kì tiện lợi như: tọa lạc gần hệ thống các trường học, học viện gồm: trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật Ô tô, Học viện Hậu Cần 2, Cao đẳng Trinh sát,..

Mỗi căn biệt thự Sông Đà Nhật Nam cao cấp sẽ có diện tích từ 250 đến 600m2/căn hộ. Diện tích này giúp đem đến một không gian hoàn hảo cho mọi sự sinh hoạt và bố trí nội thất của cư dân. Bên cạnh đó, thiết kế ngoại thất cũng được lấy ý tưởng ” sống xanh” vì khuôn viên được trồng rất nhiều cây xanh, tạo nên một bóng râm mát mẻ đầy sức sống cho khu biệt thự.
Trong khi đó, dự án Khu đô thị mới Chợ nông sản Lục Ngạn – Bắc Giang với quy mô lên đến 24,088 ha được Sông Đà Nhật Nam giới thiệu là điểm sáng trong những thành tựu mà doanh nghiệp nỗ lực đạt được trong năm 2022. Theo đó, sự kiện trúng thầu Khu đô thị mới chợ Nông sản Huyện Lục Ngạn – Tỉnh Bắc Giang là minh chứng cho những bứt phá của Bất động sản Sông Đà Nhật Nam, trong bối cảnh trải qua nhiều giai đoạn khó khăn với nền kinh tế biến động mạnh, doanh nghiệp này vẫn xuất sắc đạt được dự án mà nhiều đối thủ cùng ngành khao khát có được.

Cũng theo thông tin từ Sông Đà Nhật Nam, hiện dự án Khu đô thị mới chợ Nông sản huyện Lục Ngạn – tỉnh Bắc Giang đang trong giai đoạn hoàn thiện và sở hữu đầy đủ giấy tờ, pháp lý minh bạch. Sông Đà Nhật Nam dự kiến xây dựng 445 căn biệt thự liền kề và đơn lập, với 3.145 nhân khẩu. Tổng đầu tư giai đoạn 1 theo Sông Đà Nhật Nam là gần 500 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 1.200 tỷ, thời gian hoàn thiện từ 18 đến 24 tháng, với doanh thu dự kiến 3.000 tỷ. Các tiện ích của dự án bao gồm khu nhà ở cao tầng, đất thương mại và dịch vụ, nhà văn hóa, trường mầm non, gần các cơ quan, bệnh viện đa khoa và có nhiều bãi đỗ xe.
Những rủi ro mới của Bất động sản Nhật Nam
Chậm trễ trả quyền lợi
Trong khi phía lãnh đạo liên tục đưa ra những thông tin mang tính tích cực nhằm củng cố niềm tin, thì các nhà đầu tư của Bất động sản Nhật Nam (nay là Sông Đà Nhật Nam) lại đang có nhiều lo ngại về số tiền đã tham gia đầu tư với doanh nghiệp này.
Cụ thể, theo thông tin từ báo Công an Nhân dân (CAND), tính từ tháng 9/2022 đến nay, thay vì nhận tiền hoa hồng và một phần tiền gốc theo cam kết, hàng tháng các nhà đầu tư của Nhật Nam chỉ nhận được thông báo điều chỉnh tỉ lệ và thời gian phân chia lợi nhuận, khiến ai cũng như ngồi trên đống lửa.
Đơn cử như trường hợp của chị Hoàng Thị D. (SN 1979), trú tại xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Suốt gần 6 tháng nay, chị D. tất tả chạy đi chạy lại giữa Hà Tĩnh và Nghệ An và cũng có những thời điểm phải ra tận Hà Nội để tìm hiểu về khoản đầu tư đã gửi vào Bất động sản Nhật Nam tại vì sao nhiều tháng trôi qua nhưng không được phân chia lợi nhuận theo hợp đồng đã cam kết. Song, câu trả lời vẫn là sự khất lần, thông cảm và mong khách hàng chia sẻ.
Trước đó, vào tháng 3 và tháng 7/2022, qua lời giới thiệu của một người quen về việc đầu tư, hợp tác kinh doanh siêu lợi nhuận, lãi tức lên đến 144% chỉ trong thời gian 24 tháng, chị D. đã bỏ ra số tiền 200 triệu đồng ký kết hợp 2 hợp đồng hợp tác kinh doanh với Bất động sản Nhật Nam.

Hai bên thỏa thuận việc Công ty Nhật Nam nhận tiền từ chị D. được toàn quyền sử dụng để đầu tư vào các dự án mà công ty làm chủ đầu tư. Bù lại, chị D. được phân chia lợi nhuận hàng tháng theo tiêu chuẩn của công ty. Cụ thể, với mỗi hợp đồng góp vốn 100 triệu đồng, chị D. được trả mỗi ngày 400.000 đồng, mỗi tháng tính theo 20 ngày làm việc. Sau 24 tháng, số tiền mà chị D. nhận được sẽ là 192 triệu đồng.
Nếu số tiền đầu tư vào công ty càng lớn, thì mức lợi nhuận thu về càng “khủng”, với mức đầu tư thấp nhất là 100 triệu đồng và cao nhất là 5 tỷ đồng. Theo thông báo của công ty, nếu khách hàng đầu tư số tiền ban đầu 5 tỷ đồng, mỗi ngày sẽ thu về 20 triệu đồng và sau 24 tháng, sẽ nhận đủ số tiền 9,6 tỉ đồng. Ngoài ra, khách hàng còn được tặng 2 vé khách hàng và 2 vé nghỉ dưỡng tại Phú Quốc.

Những tháng đầu tiên, chị D. đều đặn nhận được số tiền lãi kèm một phần tiền gốc đúng như cam kết, nên rất tin tưởng, kêu gọi thêm anh em, bạn bè gom tiền vào Nhật Nam. Chỉ trong thời gian ngắn, có hàng chục người trên địa bàn huyện Nghi Xuân đã đầu tư. Trong đó, có thể kể đến như chị Nguyễn Thị T. (SN 1985), trú tại xã Cổ Đạm ký 4 hợp đồng với số tiền 400 triệu đồng; chị Phan Thị P. (SN 1978), trú tại xã Xuân Thành, ký 7 hợp đồng với số tiền 700 triệu đồng… Riêng nhóm của chị D., đã đầu tư tổng cộng 1,6 tỉ đồng vào Nhật Nam.
Thông tin từ đại điện Nhật Nam tại Nghệ An, tính từ ngày khai trương vào tháng 8/2020 đến nay, tại khu vực Nghệ An và Hà Tĩnh đã có hàng trăm nhà đầu tư, với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, thông báo từ Bất động sản Nhật Nam mà các nhà đầu tư như chị D. nhận được hàng tháng, tính từ tháng 9/2022 đến nay, lấy lý do “với dự định thâu tóm và mua thêm nhiều dự án bất động sản có giá trị sinh lời cao bên ngoài thị trường, công ty tạm thời không chi trả tiền gốc mà chỉ trả tiền lãi 2.8%/tháng để tập trung vốn mua dự án sinh lời”.
Thay đổi pháp nhân hợp đồng
Sau nhiều lần “mong khách hàng thông cảm và ủng hộ”, từ đầu năm 2023, hàng nghìn khách hàng của Nhật Nam bất ngờ nhận được thông báo từ công ty về việc thu hồi hợp đồng gốc để chuyển sang tư cách pháp nhân mới. Cụ thể, theo “thông báo chuyển đổi hợp đồng Nhật Nam sang Sông Đà Nhật Nam” mà công ty gửi cho khách hàng, thì doanh nghiệp này yêu cầu tất cả khách hàng đã ký hợp đồng trước đó phải nộp lại toàn bộ hợp đồng gốc để cấp lại hợp đồng mới mang tên Sông Đà Nhật Nam.
Cùng với đó, Sông Đà Nhật Nam cũng đưa ra nhiều giai đoạn chi trả tiền cho khách hàng. Doanh nghiệp này cũng yêu cầu tất cả hợp đồng phải được chuyển đổi trong tháng 2/2022 thì sau 3 tháng sẽ nhận lãi các tháng 3,4,5 và sẽ được nhận trong tháng 6/2023. Nhà đầu tư nào chuyển đổi chậm sẽ nhận gối đầu theo các tháng.
“Còn những nhà đầu tư không chuyển đổi qua Sông Đà Nhật Nam, quyền lợi vẫn được giữ nguyên cho đến khi tài sản công ty tăng trưởng và bán đi có dòng tiền về sẽ hoàn lại cho nhà đầu tư nhưng không có thời gian cụ thể, phải tuỳ thuộc vào sự phát triển của doanh nghiệp”, thông báo nhấn mạnh.
Bị chính quyền cảnh báo – Tổng Giám đốc Vũ Thị Thúy có tới 3 tiền án lừa đảo?
Không chỉ chậm trễ trong việc chi trả quyền lợi cho các nhà đầu tư, từ khoảng cuối năm 2022, Bất động sản Nhật Nam đã liên tục vướng phải các rắc rối về mặt pháp lý, khi mà chính quyền nhiều địa phương đưa ra cảnh báo người dân trên địa bàn về việc đầu tư vào doanh nghiệp này.
Theo đó, vào ngày 18/08/2022, Công an huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, đã có văn bản thông báo về việc hoạt động của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (Bất động sản Nhật Nam hay Nhật Nam Group). Trong văn bản nêu rõ: Theo thông báo của Bộ Công an, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam có trụ sở chính tại phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Người đại diện pháp luật là Vũ Thị Thuý (sinh năm 1983 – hộ khẩu thường trú tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Cổ đông góp vốn gồm: Vũ Thị Thuý, Mai Thanh Tùng (chồng Vũ Thị Thuý), Vũ Đức Tại.
Các cá nhân này có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và trong hợp đồng đã cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.
Hiện nay, công ty này thành lập nhiều chi nhánh, văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hàng ngày, tỷ suất lợi nhuận cao (từ 5 – 7%/tháng, tương đương 60 – 84%/năm, kèm theo ưu đãi mua bất động sản).


Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Số tiền công ty Nhật Nam đã huy động thông qua tài khoản ngân hàng là 3.800 tỷ đồng, nhưng khi chia lợi nhuận cho nhà đầu tư, công ty này không sử dụng tài khoản doanh nghiệp mà sử dụng tài khoản cá nhân của Vũ Thị Thuý (Tổng Giám đốc) để chuyển tiền. Hành vi này có dấu hiệu che giấu thu nhập đã chia cho các nhà đầu tư, qua đó trốn tránh nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân thay cho các nhà đầu tư, vi phạm Luật quản lý thuế.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc với khách hàng, nhân viên công ty Nhật Nam rất đề phòng, từ chối cung cấp hồ sơ và các giấy tờ liên quan đến chương trình đầu tư, pháp lý các dự án thuộc sở hữu của công ty Nhật Nam.
Mục đích sử dụng vốn huy động của công ty Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình “ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến một thời điểm nào đó dòng tiền của nhà đầu tư đứt gãy, công ty này không còn khả năng chi trả cho nhà đầu tư sẽ nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự. Không loại trừ khả năng Công ty Nhật Nam sẽ dùng thủ đoạn giải thể, phá sản doanh nghiệp để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, nhà đầu tư gặp bất lợi khi giải quyết các tranh chấp với công ty này.
Mặt khác, bản thân Vũ Thị Thuý – Giám đốc công ty Nhật Nam đã có 03 tiền án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cho nên nhiều khả năng tiếp tục phạm tội”.
Để bảo vệ tài sản của cán bộ, công nhân viên chức và người dân, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân và công ty Nhật Nam, Công an huyện Bảo Yên đề nghị các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, Đảng uỷ, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, cảnh báo đến nhà đầu tư và cán bộ, công nhân viên chức và người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản, không tham gia đầu tư tránh gây thiệt hại về kinh tế, phức tạo về an ninh trật tự.
Tiếp đó, ngày 6/9/2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hoà Bình đã có Văn bản số 1482 đề nghị các cơ quan báo chí, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Phòng Văn hoá – Thông tin… thực hiện tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, doanh nghiệp thông tin liên quan đến công ty Nhật Nam có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn có nguy cơ phức tạp về an ninh; nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản, tránh gây thiệt hại về kinh tế…
Trước đó, ngày 30/8/2022, Văn phòng của UBND tỉnh Hoà Bình đã phát đi Công văn số 7327 gửi các sở, ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh về việc xử lý nội dung liên quan đến công ty Nhật Nam có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn có nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình có ý kiến: Căn cứ thông báo của Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an, tại Công văn số 518/ĐK (ngày 4/8/2022) có nêu: Công ty Nhật Nam có người đại diện theo pháp luật là Vũ Thị Thúy (hộ khẩu thường trú khu 4, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) cùng với các cổ đông là Mai Thanh Tùng và Vũ Đức Tại… có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư…

Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình yêu cầu các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh rà soát các chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty Nhật Nam và các doanh nghiệp trên địa bàn có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn tương tự để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Rà soát các cá nhân: Vũ Thị Thúy (giám đốc), cổ đông góp vốn: Mai Thanh Tùng, Vũ Đức Tại có tài khoản hoặc giao dịch chuyển tiền tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.
Mới đây nhất, cùng với nội dung cảnh báo, UBND TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, cũng đã ban hành Văn bản số 2382/UBND-VP yêu cầu UBND các phường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý, chủ động phòng ngừa vi phạm của công ty Nhật Nam. Dựa trên đề nghị của cơ quan công an thành phố liên quan đến công ty Nhật Nam, UBND TP. Việt Trì cảnh báo các cán bộ, đảng viên, người dân cảnh giác trước “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” của công ty này.
Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiếp tục nắm tình hình hoạt động của công ty này và văn phòng đại diện tại thành phố Việt Trì, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật.
Kết luận về Bất động sản Nhật Nam
Từ những thông tin trên, có thể thấy chỉ trong vòng nửa năm trở lại đây, Bất động sản Nhật Nam đã trải qua nhiều biến động lớn. Hiện niềm tin của không ít các nhà đầu tư Nhật Nam đang xuống rất thấp sau quãng thời gian dài doanh nghiệp này chậm trễ trong việc chi trả quyền lợi, cũng như bị chính quyền nhiều địa phương và cơ quan truyền thông, báo chí “chỉ mặt” cảnh báo. Trong bối cảnh đó, ban lãnh đạo của Nhật Nam đã đưa ra nhiều hứa hẹn về kế hoạch kinh doanh năm 2023 sau khi sáp nhập với Sông Đà 1.01, bao gồm việc tái khởi động dự án Hanoi Landmark 51, cũng như triển khai nhiều dự án mới.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, việc sáp nhập Bất động sản Nhật Nam và Sông Đà 1.01 có nhiều điểm bất thường, có thể ảnh hưởng đến tính hợp pháp của quyết định này, từ đó ảnh hưởng đến việc phát triển các dự án mà Nhật Nam tiếp quản từ Sông Đà 1.01. Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của Sông Đà 1.01 trước khi sáp nhập vào Nhật Nam cũng không hề tích cực, đồng thời xu hướng tiêu cực chung của thị trường bất động sản tại Việt Nam có thể ảnh hưởng xấu đến những kế hoạch của doanh nghiệp.
Để hiểu rõ hơn, mời các bạn đón đọc bài viết phần 2 với những phân tích chi tiết hơn về Sông Đà Nhật Nam, cũng như đánh giá rủi ro mất tiền của các nhà đầu tư đã tham gia.
Pingback: Bất động sản Nhật Nam có diễn biến mới: Bình mới, rượu có cũ? (phần 2)
Pingback: Tâm Lộc Phát là gì? Có phải đa cấp lừa đảo? Có nên đầu tư?