Fintech Land đang là một dự án đầu tư thu hút được nhiều sự quan tâm chú ý của cộng đồng nhờ vào mức lợi nhuận hứa hẹn siêu hấp dẫn, như đã giới thiệu trong bài viết phần trước. Tuy nhiên, xoay quanh Fintech Land vẫn có những ý kiến quan ngại về uy tín của doanh nghiệp này, trong đó có những ý kiến cho rằng đây chỉ là một dự án lừa đảo. Vậy đâu là sự thật về Fintech Land? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết này để có được cái nhìn chính xác nhất.
Mô hình kinh doanh của Fintech Land
Theo những thông tin từ Fintech Land, doanh nghiệp này hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tư vấn thiết kế thi công công trình, dịch vụ du lịch trong nước và quốc tế. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản bao gồm: mua bán đất nền, dự án phân lô bán nền, dự án căn hộ, dự án resort nghỉ dưỡng, dự án biệt thự sân vườn, dự án tòa nhà văn phòng, dự án trung tâm thương mại, dự án shophouse thương mại; hoạt động tư vấn thiết kế thi công công trình bao gồm: tư vấn thiết kế và thi công công trình, tư vấn thiết kế và thi công nội thất; hoạt động dịch vụ du lịch trong nước và quốc tế bao gồm: du lịch trong nước, du lịch quốc tế, phân phối và cho thuê du thuyền. Bên cạnh đó, Fintech Land cũng cho biết doanh nghiệp đang áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến vào trong hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) hay công nghệ blockchain, thể hiện qua các sản phẩm sàn giao dịch sàn giao dịch bất động sản công nghệ blockchain, app bất động sản blockchain và hệ thống ngân hàng giao dịch nội bộ doanh nghiệp Fintech Bank Internal.
Tuy nhiên, trên thực tế, Fintech Land không hề có hoạt động kinh doanh nào như những lời hứa hẹn của doanh nghiệp này.

Cụ thể, Fintech Land không có đội ngũ môi giới, cũng không hợp tác với bất kỳ đối tác chủ đầu tư bất động sản nào như Vinhomes, Masterise, Novaland, Sun Group, Sunshine, MIK,… để khai thác nguồn cung căn hộ từ các dự án của các đơn vị này, như các doanh nghiệp môi giới như Cen Land, Đất Xanh, Hưng Thịnh Land, Hải Phát Land đang thực hiện.
Và dù tuyên bố rất nhiều về việc triển khai các dự án phân lô bán nền, dự án căn hộ cao cấp, dự án biệt thực sân vườn, dự án nhà phố liền kề và shophouse thương mại, dự án trung tâm thương mại – căn hộ mini – khách sạn, dự án khu resort nghỉ dưỡng, dự án khu công nghiệp và khu công nghệ cao; thế nhưng các thông tin liên quan đến dự án này từ Fintech Land rất chung chung và sơ sài. Doanh nghiệp này không công bố sở hữu bất kỳ quỹ đất nào, chứ chưa nói đến khả năng khai thác hiệu quả các quỹ đất đó, dù là thông qua việc bán lại hay phát triển các dự án giúp tăng giá trị trên đó.
Subscribe kênh YouTube để nhận phân tích các dự án đầu tư mới nhất: https://bit.ly/2H6ubT7
Tiếp theo, chưa có một dấu hiệu nào về sự tồn tại, dù chỉ là trong giai đoạn nghiên cứu phát triển của sàn giao dịch sàn giao dịch bất động sản công nghệ blockchain, app bất động sản blockchain và hệ thống ngân hàng giao dịch nội bộ doanh nghiệp Fintech Bank Internal – các sản phẩm được Fintech Land “lăng xê” một cách mạnh mẽ. Nói cách khác, có khả năng rất cao đây chỉ là một miếng “bánh vẽ” của Fintech Land khi cố tình lựa chọn các xu hướng kinh doanh nổi bật, thu hút nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây – một chiêu trò thường thấy trong các dự án lừa đảo. Đó là chưa kể tới việc, dù Fintech Land quảng bá “hệ thống ngân hàng giao dịch nội bộ doanh nghiệp Fintech Bank Internal” là đã được ứng dụng rất thành công tại các quốc gia châu Mỹ như Canada; các quốc gia châu Âu như Anh, Thụy Sỹ, Đức và các quốc gia châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan; thì trên thực tế, không có một loại hệ thống nào như vậy tồn tại cả, có nghĩa đây chỉ là một khải niệm không có thật được Fintech Land “sáng tạo” ra.
Thêm vào đó, hoạt động kinh doanh rõ ràng duy nhất của Fintech Land cho đến thời điểm hiện tại là thu hút các nhà đầu tư tham gia chương trình hợp tác đầu tư và phân chia lợi nhuận của Fintech Land. Doanh nghiệp này không ngần ngại tuyên bố những kế hoạch thu hút nhà đầu tư to tát như xây dựng cộng đồng 5.000.000-10.000.000 nhà đầu tư, với 1.000.000-3.000.000 trong số đó là nhà đầu tư quốc tế; hay tạo ra 1.000 tỷ phú, 10.000 triệu phú; tạo ra công ăn việc làm ổn định, thu nhập cao cho 10.000.000 người. Fintech Land cũng đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn cho các nhà đầu tư như cấp thẻ VIP cho nhà đầu tư mua BĐS giảm giá 10-15%, giảm giá từ 5-20% cho nhà đầu tư sử dụng thẻ Visa để thanh toán các dịch vụ, sản phẩm của công ty, nhận hoàn gốc 100% bằng cổ phiếu nội bộ của công ty, và sử dụng cổ phiếu để mua bất động sản của công ty và các đơn vị công ty liên kết.

Điều này khiến Fintech Land có dấu hiệu của một dự án lừa đảo theo kiểu Ponzi – dùng tiền đầu tư của người sau trả lợi nhuận cho người trước. Một dự án theo kiểu Ponzi không có mô hình kinh doanh và hoạt động kinh doanh cụ thể, không tạo ra doanh thu từ nguồn nào khác ngoài thu hút tiền đầu tư của các nhà đầu tư mới. Bởi vậy, một dự án theo kiểu Ponzi luôn luôn phải thu hút các nhà đầu tư mới tham gia để duy trì hoạt động cũng như chi trả mức lợi nhuận đã cam kết cho các nhà đầu tư đã tham gia từ trước đó. Tuy nhiên, mô hình Ponzi không thể kéo dài mãi vì số lượng nhà đầu tư không phải vô hạn, và thường kết thúc khi những kẻ chủ mưu bỏ trốn, để lại sau lưng nhiều người mất tiền.
Tính pháp lý của Fintech Land
Theo thông tin từ Fintech Land, doanh nghiệp này có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Tập đoàn Fintech Land, được thành lập ngày 04/08/2020, giấy phép kinh doanh số 0316423040, địa chỉ tại tầng 14, tòa nhà HM Town 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, người đại diện theo pháp luật là Tạ Trung Chính.
Khi tra cứu trên các trang thông tin đăng ký doanh nghiệp, Tạ Trung Chính còn là người đại diện theo pháp luật của một pháp nhân khác là Công ty Cổ phần Tập đoàn Fintech Exchange, được thành lập ngày 14/07/2022, giấy phép kinh doanh số 0317386338, địa chỉ tại 03 – 05, đường số 60, Khu phố 1, Phường Thạnh Mỹ Lợi, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Dễ thấy hai pháp nhân doanh nghiệp này có mối liên quan chặt chẽ với nhau, và cả hai đều có ngành nghề kinh doanh chính theo đăng ký là Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê (mã 6810). Ngoài ra, cả hai doanh nghiệp này còn đăng ký hoạt động trong nhiều ngành nghề khác, trong đó bao gồm Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất (mã 6820). Về cơ bản, đăng ký kinh doanh này cho phép các pháp nhân Fintech Land cũng như Fintech Exchange thực hiện đa dạng các hoạt động liên quan đến lĩnh vực bất động sản như môi giới, phát triển dự án hay mua đi bán lại bất động sản để kiếm lời.
Tuy nhiên, theo tuyên bố của Fintech Land, hệ thống ngân hàng giao dịch nội bộ doanh nghiệp Fintech Bank Internal mà doanh nghiệp này sở hữu sẽ hỗ trợ khách hàng, nhà đầu tư vay vốn lên đến 70-90% để mua các sản phẩm bao gồm đất, nhà, shophouse, gian hàng trung tâm thương mại, căn hộ, biệt thự, nhà phố liền kề và các tài sản bất động sản khác. Như vậy, bản chất của hoạt động này là cho vay, hay còn gọi là dịch vụ tín dụng, thường nằm trong ngành nghề kinh doanh là Hoạt động trung gian tiền tệ khác (mã 6419). Dù vậy, cả hai pháp nhân liên quan đến Fintech Land nêu trên đều không đăng ký ngành nghề kinh doanh này, hay bất cứ một ngành nghề kinh doanh nào khác có liên quan đến hoạt động tín dụng. Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu Fintech Land có đủ yếu tố pháp lý để thực hiện các hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp này tuyên bố hay không.
Cam kết về lợi nhuận của Fintech Land
Theo thông tin từ Fintech Land, các nhà đầu tư quan tâm có thể tham gia hợp tác cùng với doanh nghiệp này thông qua chương trình hợp tác đầu tư và phân chia lợi nhuận. Theo đó, Fintech Land đang hứa hẹn mức lợi nhuận siêu hấp dẫn lên tới hơn 113%/năm, đồng thời nhà đầu tư còn được phân chia lợi nhuận theo ngày. Bên cạnh đó, Fintech Land còn hứa hẹn nhiều quyền lợi khác cho các nhà đầu tư, như giảm giá từ 5-20% cho nhà đầu tư sử dụng thẻ Visa để thanh toán các dịch vụ, sản phẩm của công ty; nhận hoàn gốc 100% bằng cổ phiếu nội bộ của công ty; và sử dụng cổ phiếu để mua bất động sản của công ty và các đơn vị công ty liên kết. Chưa hết, Fintech Land còn tuyên bố doanh nghiệp này có chính sách bảo đảm lợi nhuận và bảo lãnh tuyệt đối cho các nhà đầu tư, theo “tiêu chuẩn dịch vụ 5 sao quốc tế”.

Thế nhưng, đối với những nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm, những tuyên bố này của Fintech Land đặt ra nhiều nghi vấn hơn là khiến họ an tâm. Không nói đến việc, kỳ thực cái gọi là “tiêu chuẩn dịch vụ 5 sao quốc tế” mà Fintech Land liên tục quảng bá dường như không hề tồn tại, mà mức lợi nhuận doanh nghiệp này đang chào mời các nhà đầu tư cao đến mức phi lý. Mức lợi nhuận này tương đương 16 lần so với lãi suất tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, và ít nhất 10 lần hiệu quả đầu tư của các quỹ đầu tư chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt Nam như Dragon Capital, VinaCapital, SSI, Vietcombank Fund hay VNDirect trong thời gian qua. Nếu như việc đầu tư vào Fintech Land thực sự ưu việt như lời của doanh nghiệp này, với mức lợi nhuận siêu hấp dẫn và được đảm bảo, thì các quỹ đầu tư chuyên nghiệp hay các tỷ phú trong top người giàu đã nhanh chóng tham gia hợp tác đầu tư với doanh nghiệp này, chứ không đến lượt các nhà đầu tư nhỏ lẻ như hiện nay.
Ngoài ra, lợi nhuận từ việc tham gia hợp tác đầu tư với Fintech Land cũng như “đều như vắt chanh”, không hề có chút biến động nào trong toàn bộ thời hạn. Trên thực tế, giá trị các khoản đầu tư sẽ biến động tăng hoặc giảm theo thời gian, do chúng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hay tình hình kinh tế vĩ mô. Do đó, một khoản đầu tư liên tục mang lại lợi nhuận bất kể điều kiện thị trường như Fintech Land có khả năng rất cao là lừa đảo.
Dòng tiền của Fintech Land
Dòng tiền của Fintech Land cũng là một yếu tố mà các nhà đầu tư cần lưu tâm khi tìm hiểu về cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp này.
Xét về dòng tiền ra (cash outflow), Fintech Land đang hứa hẹn rằng nhà đầu tư sẽ được phân chia lợi nhuận theo ngày. Kết hợp với việc mức lợi nhuận cao ngất ngưởng mà Fintech Land cũng đang hứa hẹn, điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày sẽ có một số lượng tiền lớn đi ra khỏi tài khoản của Nhật Nam và đi tới tài khoản của nhà đầu tư nếu như doanh nghiệp này thực hiện đúng cam kết. Bên cạnh đó, Fintech Land còn phát sinh các chi phí hoạt động khác như thuê văn phòng, thù lao cho nhân viên hay các chi phí tổ chức các sự kiện thu hút nhà đầu tư…

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Fintech Land dường như lại không tạo ra dòng tiền vào (cash inflow) nào từ hoạt động kinh doanh, mà dòng tiền vào của Fintech Land hoàn toàn đến từ việc thu hút các nhà đầu tư tham gia hợp tác đầu tư, như đã đề cập ở phần trên.
Điều này càng củng cố nghi ngờ rằng Fintech Land đang hoạt động theo kiểu Ponzi. Theo đó, số tiền lãi mà các nhà đầu tư đang nhận được từ Fintech Land không đến từ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này, mà thực tế chính là số tiền mua gói của các nhà đầu tư mới tham gia. Tương tự, các nhà đầu tư mới tham gia này cũng sẽ nhận số tiền lãi từ tiền mua gói của các nhà đầu tư tham gia sau đó nữa.
Kết luận
Một dự án theo kiểu Ponzi thường bắt đầu bằng việc những kẻ lừa đảo tiếp cận một số nhà đầu tư đầu tiên, với lời hứa hẹn về mức lợi nhuận hấp dẫn và đôi lúc là dưới vỏ bọc của những thuật ngữ hoa mỹ khi nói về chiến lược của chúng, tận dụng triệt để sự thiếu hiểu biết và lòng tham của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, bản chất của các dự án Ponzi là lừa đảo, bởi số lượng nhà đầu tư không phải vô hạn, và đội ngũ vận hành các dự án Ponzi đã không trung thực với các nhà đầu tư về mục đích sử dụng số tiền đầu tư, cũng như nguồn gốc lợi nhuận mà họ nhận được. Chính vì thế mà kết quả của tất cả các dự án Ponzi đều là sụp đổ khi những kẻ chủ mưu bỏ trốn và rất nhiều nhà đầu tư mất tiền.
Thông qua các phân tích, có thể nhận thấy rằng Fintech Land chắc chắn là một dự án lừa đảo theo kiểu Ponzi. Do đó, bạn không nên tham gia hợp tác đầu tư với Fintech Land.
2 replies on “Fintech Land là gì? Fintech Land lừa đảo như thế nào? (phần 2)”
[…] Fintech Land là gì? Fintech Land lừa đảo như thế nào? (phần 2) […]
[…] Fintech Land là gì? Fintech Land lừa đảo như thế nào? (phần 2) […]