Trong bài viết phần 1, Sodu đã giới thiệu với bạn sơ lược về FVP Trade, cũng như những cách thức kiếm tiền thông qua nền tảng này. Tuy nhiên, dù đang có những hoạt động quảng bá rầm rộ, thu hút sự chú ý của cộng đồng, vẫn còn tồn tại những nghi ngờ xoay quanh FVP Trade, với không ít ý kiến cho rằng đây là một dự án đa cấp, lừa đảo.
Do đó, trong bài viết phần 2 này, Sodu sẽ phân tích chi tiết hơn về FVP Trade để đưa ra kết luận khách quan nhất về doanh nghiệp này, từ đó giúp các nhà đầu tư đang quan tâm có quyết định chính xác nhất về việc có nên đầu tư vào FVP Trade hay không.
Yếu tố pháp lý của FVP Trade
Theo thông tin từ trang chủ, FVP Holdings, tập đoàn mẹ của FVP Trade có tên doanh nghiệp trên đăng ký kinh doanh là FinVoyage Perpetual Limited.

Tuy nhiên, khi tra cứu thông tin về doanh nghiệp này trên các trang danh bạ doanh nghiệp như OpenCorporates hay Checkcompany.co.uk thì chỉ cho thấy kết quả về một doanh nghiệp duy nhất có tên như vậy. Dù vậy, doanh nghiệp này mới chỉ được thành lập vào ngày 19/03/2021, và đã giải thể sau đó nhanh chóng vào thời điểm 03/08/2021. Hiện, FinVoyage Perpetual Ltd. không còn hoạt động. Đáng chú ý hơn nữa, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là Rafiullah Mohammadzai, quốc tịch Afghanistan, một cái tên hoàn toàn xa lạ đối với những thông tin về đội ngũ sáng lập và điều hành của FVP Holdings đã được công bố.



Subscribe kênh YouTube để theo dõi review các dự án đầu tư mới nhất: https://bit.ly/2H6ubT7
Thử tra cứu thông tin về FVP Trade trên trang Checkcompany.co.uk, kết quả cho thấy có 1 doanh nghiệp có tên đăng ký FVP TRADE UK LTD, với ngày thành lập là 16/07/2021. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là Stephen John Abel. Thông tin từ trang chủ của FVP Trade cho thấy, FVP TRADE UK LTD nói trên là một trong 2 pháp nhân chính của doanh nghiệp này, bên cạnh pháp nhân FVP TRADE LTD đăng ký tại British Virgin Islands (BVI) với mã số đăng ký 1958626. Trong đó, pháp nhân FVP TRADE UK LTD được cấp phép và quản lý bởi Cơ quan Kiểm soát Tài chính (Financial Conduct Authority – FCA) của Vương quốc Anh, với giấy phép số 956489.


Tuy nhiên, khi tra cứu trên danh mục của FCA theo mã giáy phép số 956489 thì cho thấy pháp nhân FVP TRADE UK LTD, nhưng website đăng ký của doanh nghiệp này lại ở địa chỉ https://www.fvptrade.co.uk/ thay vì địa chỉ https://fvptrade.com/ thường thấy. Hơn nữa, giấy phép của doanh nghiệp này là đại lý thanh toán (PSD Agent) chứ không phải là hoạt động môi giới.

Mở tài khoản chứng khoán VPS hoàn toàn online để đầu tư cổ phiếu Việt Nam: https://shorten.asia/ysX75DU6
Và từ đây, những dấu hiệu đáng ngờ bắt đầu xuất hiện. Khi truy cập website https://www.fvptrade.co.uk/, có thể thấy đây là một website cung cấp dịch vụ chuyển tiền online xuyên biên giới, chứ không có dấu hiệu gì cho thấy sự liên quan đối với các giao dịch CFD và đầu tư như FVP Trade vẫn thường quảng bá. Chưa hết, sau khi truy cập địa chỉ trên khoảng 10 giây, bạn sẽ được tự động điều hướng (redirect) sang địa chỉ https://fvptrade.com/, vốn là địa chỉ chính của FVP Trade, nơi doanh nghiệp này quảng bá các sản phẩm sàn giao dịch và quỹ PAMM. Điều này đặt ra nghi vấn liệu FVP Trade có đang có hành vi lập lờ đánh lận con đen, không trung thực với nhà đầu tư khi tuyên bố rằng doanh nghiệp này được cấp phép và quản lý bởi FCA nhằm tạo dựng niềm tin, trong khi trên thực tế đó là một pháp nhân với lĩnh vực dịch vụ trong đăng ký hoàn toàn khác. Cùng với đó, việc điều hướng từ website cung cấp dịch vụ chuyển tiền đã đăng ký với cơ quan quản lý sang website cung cấp dịch vụ giao dịch và đầu tư chỉ trong vài giây như đã miêu tả khiến cho các nhà đầu tư thiếu cảnh giác hoàn toàn có thể hiểu nhầm rằng dịch vụ giao dịch và đầu tư trên website https://fvptrade.com/ được FCA cấp phép và quản lý.

Tiếp theo, FVP Trade cho biết doanh nghiệp này còn có 1 pháp nhân khác là FVP TRADE LTD, đăng ký tại British Virgin Islands, với mã số đăng ký là 1958626. Tuy nhiên, kết quả tìm kiếm lại cho thấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp theo mã số đăng ký này tại BVI lại được cấp cho một doanh nghiệp có tên là PLUS INCENTIVE ASIA LIMITED, vào thời điểm 23/10/2017.

Thời điểm cấp chứng nhận này trùng hợp với thời điểm mà FVP Trade vẫn luôn tuyên bố mình được thành lập. Tuy nhiên, FVP Trade chưa bao giờ đề cập đến cái tên PLUS INCENTIVE ASIA LIMITED trên các kênh truyền thông của mình. Một cách lý giải hợp lý cho điều này là đội ngũ đứng sau FVP Trade đã nhận chuyển nhượng pháp nhân PLUS INCENTIVE ASIA LIMITED, có thể được đăng ký nhưng không hoạt động, và chuyển đổi thành FVP TRADE LTD. Qua đó, đội ngũ FVP Trade có được một pháp nhân thành lập từ năm 2017 để quảng bá rằng mình có lịch sử hoạt động nhiều năm, dù rằng trên thực tế, những thông tin về FVP Trade mới bắt đầu xuất hiện vào thời điểm giữa năm 2021, còn trước đó FVP Trade dường như không hề tồn tại.
Cũng cần phải đề cập đến việc, British Virgin Islands, địa điểm mà FVP Trade đăng ký kinh doanh là quốc đảo lâu nay nổi danh với việc cho phép thành lập các công ty off-shore vô cùng dễ dàng, cũng như thông tin không minh bạch và cơ chế quản lý lỏng léo, khiến đây trở thành điểm đến quen thuộc của giới tội phạm tài chính với các công ty ma, rửa tiền, trốn thuế và lừa đảo.
FVP Trade cũng khẳng định uy tín với các nhà đầu tư bằng việc tuyên bố doanh nghiệp này được quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (Australia Securities and Investments Commission – ASIC) cũng như Trung tâm Phân tích Báo cáo và Giao dịch Tài chính Canada (Financial Transactions and Reports Analysis Centre of Canada – FINTRAC).
Thế nhưng, tương tự như giấy phép FCA đã phân tích ở trên, những việc đăng ký với ASIC và FINTRAC mà FVP Trade quảng cáo chưa thể khẳng định ngay lập tức rằng đây là một doanh nghiệp uy tín. Đầu tiên, cần phải hiểu rõ về vai trò của ASIC cũng như FINTRAC. Trên thực tế, hai cơ quan này chỉ có chức năng quản lý đăng ký của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, nếu như các doanh nghiệp đăng ký đáp ứng đủ một số các yêu cầu mang tính quy trình như vốn điều lệ hay thông tin về người đại diện pháp luật. ASIC và FINTRAC hoàn toàn không có chức năng và trách nhiệm thẩm định và theo dõi hoạt động chi tiết của từng doanh nghiệp đăng ký để đảm bảo mọi doanh nghiệp đăng ký với 2 cơ quan này tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và công khai, minh bạch với các bên liên quan. ASIC và FINTRAC thường chỉ thực hiện điều tra và phát hành cảnh báo đối với một số doanh nghiệp có dấu hiệu đáng ngờ khi nhận được lượng kiến nghị tương đối lớn từ những bên liên quan, và thông thường quá trình này cũng cần một khoảng thời gian khá dài. Chính website của FINTRAC cũng khẳng định rất rõ ràng: “Đăng ký với FINTRAC không đồng nghĩa với việc FINTRAC ủng hộ hay cấp phép cho doanh nghiệp, mà chỉ có nghĩa rằng doanh nghiệp đó đáp ứng đủ các yêu cầu pháp lý để đăng ký”.
Bên cạnh đó, thông tin về đăng ký ASIC của FVP Trade cho thấy đây là đăng ký của một pháp nhân có tên là FVP TRADE PTY LTD. Đây là một pháp nhân được thành lập tại Úc tại thời điểm 07/07/2021, tức là mới chỉ khoảng 7 tháng trước. Điều đáng nói là không rõ quan hệ giữa FVP Trade và pháp nhân tại Úc là gì, cũng như chi tiết về các hoạt động kinh doanh của pháp nhân FVP TRADE PTY LTD này. Do đó, trong trường hợp này, có thể thấy rằng FVP Trade đã dựng nên một pháp nhân có tên gần giống tại Úc sao cho pháp nhân này đủ điều kiện để đăng ký với ASIC, sau đó lập lờ đánh lận con đen khi dùng đăng ký ASIC của pháp nhân tại Úc đi quảng cáo cho các dịch vụ của pháp nhân chính tại BVI, dù rằng trên thực tế, rất có khả năng lĩnh vực hoạt động mà 2 pháp nhân này đăng ký với cơ quan quản lý tại 2 quốc gia là hoàn toàn khác nhau.


Cũng cần phải nói thêm rằng, trong quá khứ, có không ít dự án lừa đảo cũng đăng ký với ASIC, trong đó có thể kể đến Alpha Tradex, HyperCapital, Profitable Morrows… Điều này cho thấy việc một doanh nghiệp có đăng ký với ASIC là chưa thể đủ để đảm bảo rằng đó là một danh nghiệp đáng tin cậy.
Đăng ký với FINTRAC của FVP Trade cũng cho thấy điều tương tự, khi nó được cấp cho một pháp nhân là FVP Trade Ltd. thành lập tại Canada tại thời điểm 21/01/2021, với người đại diện là Macieria Alexander. Cũng không có nhiều thông tin cụ thể về hoạt động kinh doanh cũng như mối quan hệ của pháp nhân này với pháp nhân chính của FVP Trade tại BVI. Nói cách khác, FVP Trade đang có sự mập mờ nhất định khi sử dụng đăng ký FINTRAC của một pháp nhân có liên quan tại Canada để quảng cáo cho pháp nhân chính, dù dịch vụ mà 2 pháp nhân cung cấp có thể hoàn toàn không liên quan đến nhau, giống như những gì FVP Trade đang làm với đăng ký ASIC.

Và cũng như đăng ký ASIC, từng có các dự án lừa đảo cũng đã được đăng ký với FINTRAC trong quá khứ như Global Sponsorship Network, Wo Token, Intelligence Prime Capital…, hay một dự án từng tạo được sự quan tâm tương đối lớn ở Việt Nam là ngân hàng IBH. Điều này cho thấy, việc đăng ký với FINTRAC là đủ để chứng minh một doanh nghiệp không phải là lừa đảo.
Qua những phân tích trên, có thể nhận định rằng FVP Trade đang có một nền tảng pháp lý chưa vững vàng, thể hiện qua việc không thể xác nhận được liệu doanh nghiệp này có thực sự có lịch sử hoạt động từ năm 2017 như tự tuyên bố, hay sự nhập nhằng về mặt pháp nhân khi đăng ký với FCA, ASIC và FINTRAC, cùng với việc đăng ký kinh doanh của pháp nhân chính tại một địa điểm có nền luật pháp lỏng lẻo, nhiều tai tiếng.
Mô hình kinh doanh của FVP Trade
Tiếp theo, hãy cùng phân tích mô hình kinh doanh của FVP Trade. Như đã đề cập trong phần 1, FVP Trade là một sàn giao dịch CFD (contract for difference – hợp đồng chênh lệch),một loại hợp đồng phái sinh giữa người mua và người bán với giá thỏa thuận dựa trên giá của các loại tài sản khác. Tuy nhiên, dường như không có nhiều người sử dụng FVP Trade để giao dịch, và không có nhiều thông tin liên quan đến số lượng người dùng cũng như khối lượng giao dịch trên sàn này.
Thay vào đó, trong thời gian gần đây, FVP Trade đang tập trung thu hút khách hàng đầu tư vào tài khoản PAMM. Đây là hình thức đầu tư ủy thác vào tài khoản do FVP Trade quản lý. Theo FVP Trade, doanh nghiệp này áp dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo AI dựa trên thuật toán của máy tính lượng tử để thực hiện các giao dịch, nhờ đó đem lại mức lợi nhuận ổn định, mức độ rủi ro thấp và bảo toàn vốn cho nhà đầu tư.

Đối với mô hình kinh doanh ủy thác đầu tư này, thông thường mỗi năm nhà đầu tư sẽ trả phí quản lý tài sản khoảng 1-2% tổng giá trị tài sản (Asset under Management – AuM) cho quỹ đầu tư, đồng thời chia sẻ một phần lợi nhuận từ việc đầu tư, phổ biến ở mức 20% lợi nhuận kiếm được. Tuy nhiên, trong hình thức này, giá trị tài sản của nhà đầu tư sẽ luôn phụ thuộc vào biến động thị trường của các loại tài sản được phân bổ, và trong ngắn hạn như theo tháng, sẽ có những giai đoạn tăng giảm.
Điều này đặt ra những nghi ngờ nhất định dành cho FVP Trade. Trong khi ngay cả những quỹ đầu tư kỳ cựu nhất trên thị trường cũng không dám đảm bảo nhà đầu tư sẽ có lãi, thì FVP Trade lại cam kết một mức lợi nhuận đều như vắt chanh vào mỗi tháng cho những nhà đầu tư vào tài khoản PAMM. Không chỉ vậy, mức lợi nhuận này còn có thể rất cao, lên tới 10% mỗi tháng, tức là nhà đầu tư tài khoản PAMM có thể nhân đôi tài sản chỉ trong vòng chưa đến 1 năm mà gần như không có bất kỳ rủi ro nào. Đó là còn chưa tính đến khoản tiền thưởng chu kỳ (cyclical bonus) lên tới 4% số tiền đầu tư vào tài khoản PAMM mỗi tháng cho các nhà đầu tư đạt điều kiện về quãng thời gian đầu tư (hơn 270 ngày). Khi đó, mỗi nhà đầu tư có thể nhận được mức lợi nhuận trong mơ là 14% mỗi tháng.
Những nghi ngờ này lại càng lớn dần, khi mà FVP Trade không cung cấp các báo cáo định kỳ cho các nhà đầu tư trong đó giải trình một cách minh bạch thực trạng phân bổ các khoản đầu tư, chưa nói đến việc các báo cáo này có được kiểm toán bởi một bên thứ 3 uy tín như các công ty kiểm toán Big 4 như các quỹ đầu tư vẫn thực hiện đều đặn hay không. Do đó, không thể kiểm chứng rằng lợi nhuận mà FVP Trade trả cho nhà đầu tư mỗi tháng có đến từ kết quả đầu tư của doanh nghiệp này, hay thậm chí liệu FVP Trade có thực hiện bất kỳ hoạt động đầu tư nào hay không.
Bên cạnh những bất thường về mặt pháp lý và mô hình kinh doanh đã phân tích, những yếu tố về dòng tiền, đội ngũ lãnh đạo, công nghệ và cơ cấu trả thưởng phát triển hệ thống của FVP Trade cũng có nhiều điểm có thể khiến cho các nhà đầu tư quan ngại. Mời bạn đón đọc phần 3 và cũng là phần cuối cùng của loạt bài về FVP Trade để tìm hiểu chi tiết hơn những yếu tố trên, từ đó có được kết luận liệu đây có phải là một dự án đa cấp, lừa đảo và có nên đầu tư vào nó hay không.
2 replies on “FVP Trade là gì? FVP Trade có phải đa cấp, lừa đảo? (phần 2)”
[…] lược về FVP Trade và những hình thức kiếm tiền với doanh nghiệp này, còn trong bài viết phần 2, Sodu đã phân tích về tính pháp lý cùng mô hình kinh doanh của FVP Trade. Trong […]
[…] vẽ để đánh lừa những nhà đầu tư thiếu hiểu biết? Mời bạn đón đọc phần 2 của bài viết này, với những phân tích chi tiết về FVP Trade để bạn có cái […]