Tự do tài chính là một khái niệm đang nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây. Ngày càng có nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, coi việc đạt được tự do tài chính là một mục tiêu quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ bản chất của khái niệm này, cũng như phương thức để có thể đạt được mục tiêu tự do tài chính.
Trong bài viết này, Sodu sẽ giúp bạn hiểu hơn về khái niệm tự do tài chính, cũng như cách để bạn có thể sớm đạt được tự do tài chính.
Tự do tài chính là gì?
Tự do tài chính là trạng thái mà khi đó bạn có đủ nguồn lực về mặt tài chính để chi trả cho các nhu cầu trong cuộc sống, chẳng hạn như chi phí sinh hoạt, giải trí hay theo đuổi các sở thích cá nhân mà không phải làm việc hay phải bỏ ra thời gian và công sức cho việc kiếm tiền.
Nói cách khác, việc đạt được tự do tài chính cho phép bạn đưa ra các quyết định tài chính mà không bị chi phối bởi bất kỳ ai, hay bởi việc phải kiếm thêm tiền. Một số biểu hiện của trạng thái tự do tài chính có thể kể đến như lựa chọn một công việc bạn đam mê mà không cần bận tâm đến thu nhập mà nó mang lại, đi du lịch nước ngoài một chuyến mỗi năm mà không cần quá lo lắng về chi phí, mua một chiếc xe bằng cách thanh toán trực tiếp 100% giá trị mà không cần vay nợ, hay nghỉ hưu sớm 10 năm so với độ tuổi nghỉ hưu.

Một trong những hiểu lầm thường gặp là việc không ít người cho rằng tự do tài chính đồng nghĩa với sự giàu có, hay phải giàu mới có thể đạt được tự do tài chính. Tuy nhiên, suy nghĩ này chưa thực sự chính xác. Lý do là mục tiêu tự do tài chính tập trung vào yếu tố “đủ”, thay vì sự dư giả như mục tiêu giàu có. Nhìn chung, đa phần những người đạt được tự do tài chính vẫn cần quản lý chi tiêu một cách nghiêm túc, thay vì có thể phóng tay mua sắm những mặt hàng được coi là xa xỉ như người giàu. Đây cũng là lý do mà bạn hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tự do tài chính ngay cả khi không có quá nhiều tiền hay thu nhập hàng tháng chỉ ở mức khá.
Subscribe kênh YouTube của Sodu để cập nhật video mới mỗi tuần về tài chính cá nhân: https://bit.ly/2H6ubT7
Tự do tài chính, độc lập tài chính và phong trào FIRE
Một khái niệm khác có liên quan tới tự do tài chính và cũng đang nhận được sự chú ý trong thời gian gần đây là phong trào FIRE (viết tắt của Financial Independent, Retire Early – tức “độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm”). Tuy nhiên, dù cho có sự tương đồng lớn và đôi lúc còn được sử dụng thay thế lẫn nhau, hai khái niệm này cũng có sự khác biệt nhất định.
Cụ thể, hành trình tài chính cá nhân của mỗi người có thể được chia thành 4 giai đoạn: Chưa có năng lực tài chính, đầy đủ năng lực tài chính, độc lập tài chính và tự do tài chính.
Theo đó, chưa có năng lực tài chính đồng nghĩa với việc bạn đang là người phụ thuộc vào nguồn thu nhập của một hay một vài người khác. Ví dụ đơn giản nhất cho trường hợp này là khi bạn còn nhỏ tuổi và phải sống dựa vào phụ huynh. Một người được coi là đầy đủ năng lực tài chính khi đã đủ năng lực để đưa ra các quyết định đối với tiền, đồng thời xây dựng được nguồn thu nhập, có thể từ công việc trả lương hoặc từ hoạt động kinh doanh.
Như vậy, đa số chúng ta đều trải qua giai đoạn “chưa có năng lực tài chính” và “đầy đủ năng lực tài chính”, nhưng không phải ai cũng đạt được “độc lập tài chính” hay “tự do tài chính”.
“Độc lập tài chính” là khi mà bạn có đủ tài sản và thu nhập thụ động để trang trải các khoản chi phí của mình mà nếu bạn duy trì mức sống ổn định, bạn sẽ không cần phải đi làm nữa. Chính vì thế, nhiều người đã cố gắng đạt được mục tiêu độc lập tài chính một cách nhanh chóng thông qua việc gia tăng thu nhập, tiết kiệm tiền bạc và đầu tư, với mong muốn nghỉ hưu sớm, từ đó hình thành nên phong trào FIRE. Nếu như độ tuổi nghỉ hưu truyền thống là trong khoảng 55-65, những người theo phong trào FIRE thường nỗ lực để nghỉ hưu từ khoảng 40-45 tuổi, hoặc thậm chí là sớm hơn, từ lúc 30 tuổi.

Như vậy, độc lập tài chính là một mục tiêu thiên về con số. Để xác định số tiền bạn cần để đạt mục tiêu độc lập tài chính, công thức phổ biến là nhân chi phí hằng năm của bạn với số năm bạn dự kiến sẽ không đi làm trong quãng đời còn lại, thường là 25-30 năm.
Trong khi đó, mục tiêu tự do tài chính thiên nhiều hơn về cảm nhận và cách tư duy của bạn, thay vì hướng đến một số tiền cụ thể. Tự do tài chính là khi mà yếu tố tiền bạc không còn chi phối các quyết định của bạn, và bạn được tự do theo đuổi các đam mê và sở thích của bản thân.
Nên theo đuổi tự do tài chính hay độc lập tài chính?
Nếu như chỉ theo đuổi duy nhất mục tiêu độc lập tài chính mà không xác định được những gì mình cần để cảm thấy tự do tài chính, hành trình của bạn sẽ vất vả hơn rất nhiều. Bởi ngay cả khi bạn đạt đến một mốc mà bạn có thể đưa ra những quyết định giúp cải thiện cuộc sống của mình một cách rõ nét, bạn vẫn sẽ thực hiện những hành động khiến bạn không hạnh phúc vì tất cả những gì bạn quan tâm là đạt được độc lập tài chính một cách nhanh nhất.
Chẳng hạn, bạn có thể sẽ lựa chọn đánh đổi thời gian bên cạnh gia đình để tiếp tục làm thêm giờ. Hay bạn có thể từ chối một công việc mà bạn đam mê chỉ vì mức lương không được lý tưởng. Ngay cả khi bạn không thiếu tiền, bạn vẫn sẽ hành động như thể bạn đang thiếu tiền. Mục tiêu độc lập tài chính đơn giản là một con số, và ngay cả khi đạt được nó, bạn vẫn có thể cảm thấy không hạnh phúc. Ngược lại, tự do tài chính hướng đến việc sống cuộc sống bạn mơ ước.
Như vậy, có thể nói rằng độc lập tài chính là một mục tiêu quan trọng về mặt tiền bạc, giúp chuẩn bị để bạn sẵn sàng đạt mục tiêu tự do tài chính và trở nên hạnh phúc hơn.
Làm thế nào để đạt tự do tài chính?
Dù quan trọng, số tiền bạn có không phải là yếu tố duy nhất giúp bạn đạt được tự do tài chính. Trên thực tế, không ít người tự do từ rất sớm dù không có quá nhiều tiền. Đồng thời, một số người có rất nhiều tiền nhưng vẫn chưa được tự do. Vậy làm thế nào để đạt được tự do tài chính?
Biết “đủ” và lên kế hoạch
Như đã đề cập ở phần trên, tự do tài chính khác với giàu có ở chỗ tập trung vào yếu tố “đủ”. Do đó, để đạt được mục tiêu tự do tài chính, sớm dành thời gian cho những điều có ý nghĩa, bạn sẽ cần biết hạn chế những nhu cầu không thiết yếu của bản thân. Rõ ràng, nếu có cùng mức thu nhập, một người có thói quen hưởng thụ các sản phẩm, dịch vụ cao cấp như mua sắm các mặt hàng thời trang xa xỉ hay nghỉ dưỡng tại khách sạn 5 sao sẽ khó đạt được tự do tài chính hơn một người tập trung chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu và dành số tiền còn lại để đầu tư.

Do đó, hãy dành ra một chút thời gian để đặt ra các mục tiêu về lối sống bạn mong muốn cùng số tiền cần thiết cho lối sống đó, cũng như thời điểm mà bạn muốn có thể đạt được chúng, từ đó lập ra kế hoạch hành động tương ứng.
Gia tăng thu nhập chủ động
Cho dù mục tiêu tự do tài chính thường đi cùng với nghỉ hưu sớm và không phải làm việc để kiếm tiền, bạn không nên bỏ qua vai trò của thu nhập chủ động trong kế hoạch của mình. Trên thực tế, nguồn thu nhập chính của đại đa số mọi người trong giai đoạn đầu sự nghiệp là từ lương hoặc từ một công việc kinh doanh toàn thời gian, bởi các hình thức thu nhập thụ động thường yêu cầu nguồn vốn mà không phải ai cũng có sẵn để đầu tư.
Chính vì vậy, bạn cần lựa chọn một cách sáng suốt sự nghiệp mà mình sẽ theo đuổi. Hãy tìm một công việc có thể đem lại mức thu nhập và lộ trình phát triển hỗ trợ được cho những mục tiêu tài chính của bạn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thường xuyên cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới giúp bạn gia tăng giá trị bản thân và tìm được các công việc trả lương tốt hơn. Cách thông minh nhất để làm điều này là tìm hiểu xem đâu là các loại kiến thức và kỹ năng đang được các doanh nghiệp khao khát rồi trang bị chúng.
Xây dựng nguồn thu nhập thụ động
Để có thể đạt được tự do tài chính, bắt đầu nghỉ hưu sớm và không phải làm việc kiếm tiền, bạn cần chuyển dịch cơ cấu thu nhập của mình từ chủ động sang thụ động. Số tiền dư có được từ việc nâng cao thu nhập chủ động và kiểm soát các khoản chi tiêu sẽ là khoản vốn hữu ích để bạn bắt đầu xây dựng những nguồn thu nhập thụ động cho mình.
Kênh đầu tư an toàn nhất có thể đem lại cho bạn một nguồn thu nhập thụ động là gửi tiết kiệm ngân hàng để nhận lãi suất. Tuy nhiên, sau khi trừ đi lạm phát, lợi nhuận thu được từ hình thức đầu tư này là không nhiều. Để cân bằng giữa việc đạt mục tiêu tự do tài chính và khả năng chịu đựng rủi ro, các chuyên gia khuyên bạn nên lựa chọn các hình thức đầu tư được quản lý bởi đội ngũ chuyên nghiệp có chi phí thấp, phân bổ đa dạng và đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn như các quỹ chỉ số ETF.
Bảo vệ bản thân khỏi rủi ro
Đây là một khía cạnh ít khi được nhắc đến nhưng lại vô cùng quan trọng. Trên thực tế, cho dù có lập kế hoạch chi tiết đến đâu, bạn cũng sẽ không thể lường trước được những rủi ro có thể gặp phải mà có thể ảnh hưởng đến số tiền tiết kiệm của bạn. Chẳng hạn, bạn có thể không may mắc bệnh và phải nằm viện một thời gian dài. Lúc này, số tiền viện phí sẽ là một khoản chi không hề nhỏ và hoàn toàn ngoài kế hoạch.
Để đề phòng những rủi ro không mong muốn này và không để chúng ngăn bạn đạt được mục tiêu tài chính, bạn có thể cân nhắc các gói bảo hiểm để bảo vệ bản thân. Nếu rủi ro xảy ra trong trường hợp bạn được bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ chi trả một phần hoặc toàn bộ số tiền thiệt hại, tùy vào điều khoản hợp đồng, giúp bạn bảo toàn số tiền tiết kiệm của mình.
2 replies on “Tự do tài chính là gì? Làm thế nào để đạt được tự do tài chính?”
[…] Tự do tài chính là gì? Làm thế nào để đạt được tự do tài chính? […]
[…] Tự do tài chính là gì? Làm thế nào để đạt được tự do tài chính? […]