Chứng khoán đang ngày càng chứng minh được sự hấp dẫn của mình trong việc đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư tại Việt Nam, bên cạnh các kênh truyền thống như gửi tiết kiệm hay bất động sản. Tuy nhiên, trong đầu tư chứng khoán, bên cạnh những cơ hội nâng cao giá trị tài sản của bản thân, còn tồn tại những rủi ro nhất định đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư chưa có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm với thị trường.
Do đó, trong bài viết này, Sodu.asia sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về khái niệm chứng khoán, các loại chứng khoán và đặc điểm của chứng khoán.
Chứng khoán là gì?
Chứng khoán là khái niệm dùng để chỉ một tài sản tài chính có thể giao dịch và có giá trị tiền tệ nhất định. Chứng khoán đóng vai trò bằng chứng xác nhận quyền sở hữu đối với một doanh nghiệp dưới dạng cổ phiếu, quan hệ chủ nợ với một tổ chức thông qua việc nắm giữ trái phiếu, sự kết hợp của cả hai yếu tố này (trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi) hoặc các quyền có thể được thi hành trong tương lai (quyền chọn). Chứng khoán có thể được thể hiện ở dạng chứng chỉ (certificate), bút toán sổ sách (book-entry) hoặc ở dạng dữ liệu điện tử.
Subscribe kênh YouTube của Sodu để được cập nhật các cơ hội kiếm tiền: https://bit.ly/2H6ubT7
Có các loại chứng khoán nào?
Nhìn chung, có 3 loại chứng khoán chính, gồm chứng khoán vốn, chứng khoán nợ và chứng khoán lai.
Chứng khoán vốn (equity securities)
Một chứng khoán vốn đại diện cho quyền sở hữu (hay còn gọi là cổ phần) của người nắm giữ chứng khoán đó với một thực thể (có thể là doanh nghiệp hoặc quỹ), được thể hiện dưới dạng cổ phiếu (capital stock). Trong đó, cổ phiếu lại bao gồm hai loại là cổ phiếu phổ thông (common stock) và cổ phiếu ưu đãi (preferred stock).

Những nhà đầu tư nắm giữ cổ phần, hay còn gọi là cổ đông, có thể kiểm soát doanh nghiệp thông qua việc biểu quyết các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp đó, như xác định chiến lược phát triển, lựa chọn ban lãnh đạo, hay thậm chí là giải thể. Các cổ đông kiếm lời thông qua việc nhận một phần lợi nhuận của doanh nghiệp tương ứng với tỉ lệ sở hữu của họa thông qua cổ tức, hoặc bán lại cổ phiếu với giá cao hơn lúc mua để hưởng chênh lệch (capital gain).
Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, quyền lợi của những nhà đầu tư nắm giữ chứng khoán vốn sẽ đứng sau quyền lợi của các nhà đầu tư nắm giữ chứng khoán nợ, khi mà doanh nghiệp sẽ phải hoàn thành các nghĩa vụ với chủ nợ trước tiên, sau đó các cổ đông mới được nhận các khoản tiền còn lại (residual interest).
- Mở tài khoản chứng khoán 100% online tại VPS: https://bit.ly/2RIoXVj
- Mở tài khoản chứng khoán 100% online tại SSI: https://bit.ly/3hRKfdr
Chứng khoán nợ (debt securities)
Chứng khoán nợ xác định một khoản tiền vay sẽ phải được thanh toán trong tương lai, với các điều khoản quy định về giá trị khoản vay, mức lãi suất, ngày đáo hạn hoặc gia hạn. Có nhiều loại chứng khoán nợ khác nhau, trong đó bao gồm trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp (bond), chứng chỉ tiền gửi (certificate of deposit – CD), hay các loại chứng khoán thế chấp như CDO.
Thông thường, chứng khoán nợ được phát hành cho một kỳ hạn cố định và được tổ chức phát hành mua lại vào cuối kỳ hạn đó. Chứng khoán nợ có thể được bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc có thể không có tài sản bảo đảm. Trong trường hợp thứ hai, khoản nợ của chứng khoán đó được coi là “nợ cao cấp” hay “nợ ưu tiên” (senior debt), so với “nợ thứ cấp” (subordinated debt).

Nhà đầu tư nắm giữ chứng khoán nợ có quyền nhận được các khoản thanh toán gốc và lãi vay, cùng với các quyền khác nếu được quy định khi chứng khoán nợ được phát hành, chẳng hạn như quyền được cập nhật một số thông tin. Quyền được thanh toán này không phụ thuộc vào thực trạng hoạt động của tổ chức/doanh nghiệp phát hành chứng khoán nợ đó là tốt hay xấu, và được ưu tiên thanh toán trước trong trường hợp tổ chức/doanh nghiệp phát hành phá sản so với chứng khoán vốn. Giữa các loại chứng khoán nợ, các khoản “nợ cao cấp” cũng sẽ được ưu tiên thanh toán trước “nợ thứ cấp” trong trường hợp phá sản.
Chứng khoán lai (hybrid securities)
Như tên gọi của mình, chứng khoán lai là sự kết hợp giữa các yếu tố của chứng khoán vốn và chứng khoán nợ. Một số loại chứng khoán lai phổ biến là chứng quyền cổ phiếu (equity warrant), tức quyền chọn được phát hành bởi doanh nghiệp cho phép người sở hữu nó được phép mua một lượng cổ phiếu nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong thời kỳ nhất định; trái phiếu chuyển đổi (convertible bond), loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông trong doanh nghiệp/tổ chức phát hành, hay cổ phiếu ưu đãi (preferred stock), loại cổ phiếu mà nghĩa vụ thanh toán các khoản lãi suất, cổ tức, hoặc các quyền lợi khác có thể được ưu tiên hơn so với cổ phiếu phổ thông, nhưng thường không đi kèm quyền biểu quyết đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc điểm của các loại chứng khoán
Chứng khoán có các đặc điểm chính bao gồm tính thanh khoản, khả năng sinh lời và tính rủi ro.
Tính thanh khoản (liquidity)
Tính thanh khoản là một khái niệm trong lĩnh vực tài chính, chỉ mức độ thuận tiện và dễ dàng mà một loại tài sản có thể được chuyển thành tiền mặt mà không ảnh hưởng tới thị giá của nó. Theo đó, tiền mặt chính là loại tài sản có thanh khoản cao nhất, sau đó đến các tài sản tương đương tiền (cash equivalent) như chứng chỉ tiền gửi (certificate of deposit – CD).
Chứng khoán thường được coi là loại tài sản có tính thanh khoản cao chỉ đứng sau tiền mặt và các tài sản tương đương tiền mặt. Tuy nhiên, mức độ thanh khoản của mỗi loại chứng khoán ở các giai đoạn khác là khác nhau. Trên thực tế, tính thanh khoản của một chứng khoán bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, các chính sách kinh tế vĩ mô, cũng như kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Khả năng sinh lời
Chứng khoán là một loại tài sản có thể đem lại lợi nhuận, thậm chí là lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư, và mong muốn tìm kiếm lợi nhuận từ loại tài sản này cũng là lý do khiến các nhà đầu tư bỏ tiền vào chứng khoán. Có hai hình thức chính mà nhà đầu tư có thể thu lợi từ chứng khoán là thông qua cổ tức/trái tức, và thông qua chênh lệch giữa giá mua và giá bán. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể nhận được các lợi ích khác như cổ phiếu thưởng hay quyền chọn mua với giá ưu đãi.
Tính rủi ro (risk)
Đi cùng với khả năng sinh lời của chứng khoán là rủi ro của loại tài sản này, và thường khả năng sinh lời của một loại chứng khoán càng cao thì rủi ro đi kèm với chúng càng lớn. Nhìn chung, các loại chứng khoán vốn có rủi ro cao hơn các loại chứng khoán nợ.
Trong đầu tư chứng khoán, có hai loại rủi ro chính là rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống. Cụ thể, rủi ro hệ thống, hay còn gọi là rủi ro thị trường, là loại rủi ro có thể ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường, chẳng hạn như các sự kiện chính trị bất ngờ, suy thoái kinh tế thế giới hay biến động lãi suất, tỷ giá. Trong khi đó, rủi ro phi hệ thống, hay còn gọi là rủi ro cụ thể, là rủi ro đối với từng khoản đầu tư riêng lẻ, cá biệt tới khoản đầu tư đó, không có tính chất bao trùm cả thị trường, chẳng hạn như rủi ro tai nạn máy bay đối với cổ phiếu của một hãng hàng không.
Pingback: Top 4 ứng dụng giúp bạn đầu tư với số vốn thấp chỉ từ 10.000đ - Sodu
Pingback: Anfin là gì? Anfin có lừa đảo? Có nên đầu tư chứng khoán với Anfin?
Pingback: Infina là gì? Infina có lừa đảo? Có nên đầu tư với Infina? - Sodu