NFT là gì? Đầu tư NFT như thế nào? Dù có sự bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian vừa qua ở nhiều lĩnh vực khác nhau như nghệ thuật, thể thao hay game, với những giao dịch có giá trị lên tới hàng chục triệu đô la, không nhiều người thực sự hiểu về khái niệm NFT cũng như những ứng dụng của nó.
NFT là gì?
NFT là viết tắt của “non-fungible token”, tức “token không thể thay thế”. Mỗi NFT là một token mã hóa trên blockchain, đại diện cho một loại tài sản duy nhất. Điều này có nghĩa là mỗi NFT là độc nhất và không thể thay thế bằng thứ gì khác.
Cụ thể, mỗi bitcoin được coi là “fungible”, tức hoàn toàn không có sự khác biệt nào giữa đồng bitcoin, và bạn có thể trao đổi giữa 2 bitcoin với nhau mà không gặp vấn đề gì. Ngược lại, mỗi NFT chỉ có một phiên bản duy nhất, và không có 2 NFT nào là hoàn toàn giống nhau. Nhờ đó, NFT cũng có thể đóng vai trò như một giấy chứng nhận tính nguyên bản cho một tài sản số. Một NFT không thể bị thay đổi hay đánh cắp nhờ vào đặc tính của công nghệ blockchain.

Subscribe kênh YouTube của Sodu để được cập nhật các cơ hội kiếm tiền: https://bit.ly/2H6ubT7
NFT hoạt động như thế nào?
Blockchain là công nghệ đóng vai trò cốt lõi trong việc tạo ra NFT. Blockchain sử dụng mật mã hóa (cryptography) để nối chuỗi các khối thành một danh sách các bản ghi (records). Mỗi khối được khóa với khối trước đó bởi một hàm băm mã hóa (hash), tức một dải ký tự nhằm xác định duy nhất một tập dữ liệu. Các bản ghi giao dịch của mỗi chuỗi khối được lưu trữ trên một cấu trúc dữ liệu gọi là cây Merkle (Merkle tree). Việc này cho phép các bản ghi trong quá khứ có thể được truy xuất một cách nhanh chóng. Để tham gia vào một giao dịch dựa trên blockchain, mỗi người dùng phải tạo một cặp khóa: một khóa riêng tư (private key) và một khóa công khai (public key). Thiết kế này khiến cho việc thay đổi dữ liệu giao dịch được lưu trong blockchain trở nên cực kỳ khó khăn, đến mức gần như không thể.
Ban đầu, blockchain chủ yếu hỗ trợ các loại tài sản có thể thay thế (fungible) như Bitcoin và các loại tiền điện tử khác. Tuy nhiên, theo thời gian, công nghệ này đã phát triển để cho phép người dùng tạo ra các loại tài sản mã hóa có tính không thể thay thế (non-fungible) và độc nhất.
Hiện nay, đa phần các NFT được tạo ra trên cơ sở chuỗi khối Etherum, do nó cung cấp tiêu chuẩn token ERC-721, một tiêu chuẩn phục vụ việc phát hành và giao dịch các tài sản số dưới dạng token trên blockchain. Tuy nhiên, các NFT cũng có thể được tạo ra và lưu trữ trên các chuỗi khối blockchain khác như FLOW, Tezos hay Solana.
NFT có gì giống và khác với tiền mã hóa (cryptocurrency)?
Về bản chất, cả NFT và tiền mã hóa đều hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ blockchain. Điểm khác biệt giữa NFT và tiền mã hóa nằm ở chỗ các loại tiền mã hóa hoạt động như tiền tệ, trở thành công cụ lưu trữ giá trị hoặc thanh toán. Chẳng hạn, nhiều giao dịch mua bán NFT được thực hiện với phương thức thanh toán là tiền ảo như ETH. Vì thế, như đã đề cập ở phần trên, các đồng tiền mã hóa có tính “fungible” – có thể thay thế. Trong khi đó, mỗi NFT đại diện cho một tài sản số độc nhất và không thể thay thế.

Tuy nhiên, nhờ vào những ưu điểm của công nghệ blockchain, cả NFT và tiền mã hóa đều khó bị đánh cắp hơn phiên bản truyền thống của chúng là các đồng tiền pháp định (fiat money) hay các tài sản ở dạng vật lý.
Có những loại NFT nào? Các ứng dụng của NFT
Không ít người có thắc mắc rằng vai trò của NFT là gì để khiến cho các giao dịch NFT trong thời gian vừa qua có giá lên tới hàng chục triệu đô la. Trên thực tế, dù NFT vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, một số ứng dụng tiềm năng của NFT đã bắt đầu xuất hiện.
Nghệ thuật và đồ sưu tập (collectibles)
Dù gần như mọi thứ ở dạng digital đều có thể được token hóa (tokenize) để trở thành NFT, một phần lới sự quan tâm dành cho NFT, đặc biệt là trong giao đoạn đầu khi nó mới xuất hiện, là dành cho các NFT tác phẩm nghệ thuật và đồ sưu tập.
Có thể kể đến một số ví dụ tiêu biểu như tác phẩm “Everydays – The First 5000 Days” của Beeple đã được bán thành công tại nhà đấu giá Christie’s với mức giá 69 triệu đô la, bức ảnh GIF chú mèo Nyan Cat được bán với giá 300 Ether (tương đương khoảng $561,000 ở thời điểm giao dịch) hay bài đăng đầu tiên trên Twitter của Jack Dorsey, nhà sáng lập của mạng xã hộ này đã được bán với giá 2.9 triệu đô la.

Video game
NFT đang trở thành một xu hướng quan trọng trong lĩnh vực video game, sau thành công của những cái tên như Axie Infinity. NFT mang lại cho người chơi game cơ hội thực sự sở hữu các vật phẩm trong game, thay vì việc chúng thuộc về nhà phát hành như trước đây, qua đó củng cố hệ sinh thái trong game và cộng đồng người chơi.

Một số NFT được giao dịch với giá cao trong thời gian vừa qua cũng là các vật phẩm liên quan đến game. Chẳng hạn, một NFT thú cưng axie trong Axie Infinity có tên Angel đã được bán với giá 300 Ether, tương đương $131,000 hay gần 3 tỷ đồng vào thời điểm tháng 11/2020. Hay 9 mảnh đất (land) trong tựa game này đã được bán với giá 1.5 triệu đô la chỉ sau đó 3 tháng.
Với nhiều tựa game khác ngoài Axie Infinity đã được phát hành trong thời gian gần đây, cơn sốt NFT trong game vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thời trang
Vào cuối năm 2019, Nike đã được cấp bằng sáng chế cho một “hệ thống và phương pháp cung cấp tài sản số được đảm bảo bằng mật mã hóa”. Theo đó, hãng này có thể ra mắt một dòng giày thể thao có tên “CryptoKicks”. Với mỗi đôi giày CryptoKicks được bán ra, người mua sẽ nhận được một phiên bản vật lý và một phiên bản số độc nhất gắn liền với phiên bản vật lý, được lưu trữ dưới dạng token trên blockchain.
Cũng theo bằng sáng chế của Nike, chủ sở hữu của các đôi CryptoKicks ở dạng token còn có khả năng “lai giống” chúng để tạo ra các đôi giày “con cái”, sau đó đặt sản xuất phiên bản vật lý của những đôi giày mới đó. Một kế hoạch khác được đề cập bởi Nike cho CryptoKicks là khả năng sử dụng chúng trong các trò chơi video game.
Dù chưa có thông tin gì về ngày ra mắt dự kiến của CryptoKicks, việc một thương hiệu lớn như Nike đang quan tâm nghiên cứu NFT cũng đã hé lộ phần nào về tiềm năng ứng dụng NFT trong ngành công nghiệp thời trang.
Đầu tư NFT như thế nào?
Nếu bạn là một nghệ sĩ, bạn có thể bắt đầu kiếm tiền với NFT bằng cách đưa các tác phẩm của mình thành dạng token và bán chúng.
Trong trường hợp bạn không phải là một nghệ sĩ, cách thức phổ biến nhất để kiếm tiền với NFT là mua chúng và bán lại với mức giá cao hơn để thu lợi nhuận, tương tự như các loại tài sản khác.

Để có thể mua được NFT, đầu tiên bạn phải có ví tiền điện tử, chẳng hạn như MetaMask. Việc mua NFT về bản chất là chuyển token vào trong ví tiền điện tử của người mua từ ví tiền điện tử của người bán. Khóa riêng tư (private key) của người mua sẽ là bằng chứng chứng nhận sở hữu bản gốc, trong khi khóa công khai (public key) của người tạo ra NFT sẽ là bằng chứng chứng nhận tính nguyên bản của NFT đó.
Đã xuất hiện nhiều sàn giao dịch cho phép mua bán và trao đổi NFT, như Nifty Gateway, OpenSea, Rarible và SuperRare. NFT trên các sàn này có thể được bán với phương thức niêm yết giá cố định, hoặc theo hình thức đấu giá. Đa phần chúng đều yêu cầu phương thức thanh toán là tiền mã hóa, với lựa chọn phổ biến nhất là ether.
Ưu điểm của NFT
Một trong những ưu điểm lớn nhất của NFT là nó cho phép nghệ sĩ và những người sáng tạo nội dung NFT có quyền sở hữu cao hơn đối với các tác phẩm mà họ tạo ra. Các tác phẩm dạng NFT không chỉ khẳng định tính nguyên bản của người nghệ sĩ mà còn mang tới cơ hội kiếm tiền hấp dẫn cho họ. Chẳng hạn, Beeple, tên thật là Mike Winkelmann, vốn gần như vô danh trong thế giới nghệ thuật, với nguồn thu nhập chủ yếu đến từ công việc thiết kế đồ họa cho các buổi diễn của những ca sĩ như Ariana Grande, Justin Bieber, Childish Gambino và Nicki Minaj, trước khi những tác phẩm của ông được bán với giá hàng triệu đô tại các buổi đấu giá dưới dạng NFT. Chưa kể, nhờ khả năng kết hợp với các hợp đồng thông minh (smart contract) của các tác phẩm NFT, nếu chúng được bán lại trong tương lai, người nghệ sĩ vẫn có thể kiếm được số tiền tương ứng một phần giá trị của giao dịch đó.
NFT cũng đã thổi một làn gió mới vào thị trường đồ sưu tập (collectibles). Không ít người có thú vui sở hữu những vật phẩm độc nhất và hiếm, và NFT đã giúp cho việc này trở nên thuận tiện hơn. Thị trường đồ sưu tập trở nên minh bạch hơn rất nhiều khi mà các thông tin về chủ sở hữu, nguồn gốc, cũng như lịch sử giao dịch của mỗi món đồ đều có thể được truy xuất trên blockchain, loại bỏ các liên quan tới hàng giả.

Bên cạnh đó, NFT mở ra khả năng lưu trữ các loại tài sản ở dạng số một cách an toàn hơn. Do được phát triển dựa trên blockchain, các tài sản số dạng NFT khó có thể bị chỉnh sửa, xóa bỏ hay thay thế, mang lại sự yên tâm cho chủ sở hữu chúng.
Nhược điểm của NFT
Dù NFT đảm bảo quyền sở hữu và tính độc nhất của các loại tài sản số, chúng vẫn có thể bị sao chép. Đó là bởi NFT chỉ đóng vai trò là chứng nhận cho tính nguyên bản của tài sản, cùng tính sở hữu của một cá nhân đối với tài sản đó. Đây là lý do mà chúng ta vẫn có thể xem được các tác phẩm nghệ thuật của Beeple, các video highlight của các trận đấu NBA, hay nghe các album âm nhạc, cho dùng chúng đã được bán dưới dạng NFT.
Một nhược điểm khác của NFT là tính thanh khoản của nó còn tương đối thấp, do chưa được đa số nhà đầu tư đại chúng đón nhận. Theo Nonfungible.com, tính trong tháng 8, tổng khối lượng giao dịch của NFT trên các sàn đạt khoảng 2,3 tỷ đô la. Con số này chỉ bằng một phần nhỏ tổng khối lượng giao dịch tiền mã hóa lên tới 751 tỷ đô la trong cùng khoảng thời gian thực hiện trên một sàn giao dịch duy nhất là Binance.
Bên cạnh đó, thị trường NFT hiện còn mang tính đầu cơ cao. Các tranh cãi xung quanh câu chuyện NFT có thực sự có giá trị nội tại, hay chỉ là một loại bong bóng chuẩn bị vỡ vẫn chưa có hồi kết. Giá giao dịch của các tài sản NFT hiện nay chủ yếu được xác định chỉ dựa trên một yếu tố là số tiền mà người mua sẵn sàng bỏ ra.

Ngoài ra, một nhược điểm của NFT đến từ ảnh hưởng tiêu cực với môi trường của nó. Việc lưu trữ các bản ghi đòi hỏi nhiều công suất xử lý (computing power), từ đó tiêu tốn nhiều năng lượng. Theo một số ước tính, mỗi giao dịch NFT trên Etherum blockchain có thể tiêu tốn số điện tương đương 2 hộ gia đình tại Mỹ sử dụng trong một ngày. Đây là lý do khiến nhiều nghệ sĩ quan tâm tới môi trường đã lên tiếng phản đối NFT.
Tương lai của NFT
Cơn sốt NFT sẽ kéo dài đến khi nào? Không dễ để đưa ra một dự đoán chính xác. Tuy nhiên, thực tế là NFT đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng kinh tế số trong thời gian vừa qua. Nó đem lại cái nhìn tích cực hơn đối với công nghệ blockchain và các ứng dụng của công nghệ này bên cạnh tiền mã hóa, và cho thấy không ít người đang sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong ngắn hạn để đổi lấy các cơ hội kinh doanh trong tương lai.
Dù vậy, NFT vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, và có lẽ sẽ cần thời gian, có thể là một vài năm để NFT được cộng đồng đón nhận rộng rãi hơn và khai thác được hết những tiềm năng của nó.