Edunetwork Global là gì? Edunetwork Global có lừa đảo không?

Edunetwork Global đang là một dự án kiếm tiền nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, dự án này cũng bị nhiều trang tin đánh giá là đa cấp, lừa đảo. Vậy đâu là sự thật về Edunetwork Global?

Trong bài viết này, Sodu.asia sẽ đi sâu phân tích về Edunetwork Global nhằm đi đến kết luận chính xác nhất về dự án này, giúp cho những ai quan tâm có thể quyết định có tham gia vào Edunetwork Global hay không.

Đọc thêm: MarketPeak là gì? MarketPeak đa cấp, lừa đảo như thế nào?

Edunetwork Global là gì?

Theo thông tin từ trang chủ, Edunetwork Global là một nền tảng giáo dục trực tuyến (e-learning), với sản phẩm chính là các khóa học về kỹ năng marketing, bán hàng, lãnh đạo. Hiện tại, trang chủ của Edunetwork đang có tổng cộng 5 khóa học, với giá bán của mỗi khóa lần lượt là: 50 USD, 200 USD, 500 USD, 1.000 USD và 2.000 USD. Theo những người giới thiệu, giảng viên trong các khóa học của Edunetwork Global là những người giàu kinh nghiệm và cực kỳ nổi tiếng như Brian Tracy, Bob Proctor, Micheal Neill, Michael A. Singer.

Cũng theo thông tin từ trang chủ của Edunetwork Global, doanh nghiệp này được thành lập với sứ mệnh “giúp cho mọi thành viên không kể độ tuổi, lĩnh vực hoạt động, tôn giáo và giới tính nâng cao kiến thức, cải thiện thu nhập và tiến tới thành công”. Edunetwork cũng “cam kết liên tục cải tiến các hoạt động, cập nhật thêm các khóa học và chương trình để hỗ trợ thành viên”.

Không có thông tin gì về đội ngũ sáng lập của Edunetwork Global. Tuy nhiên, theo thông tin từ những người giới thiệu dự án này, Edunetwork Global là nền tảng bắt nguồn từ Singapore, có trụ sở tại số 12-07 tòa nhà Suntec Tower One, số 7 Temasek Boulevard, được thành lập vào thời điểm cuối năm 2019 bởi “một nhóm doanh nhân thành công hợp tác với nhau”. Edunetwork Global được đem về Việt Nam bởi Hồ Thị Kim Uyên (tên thường gọi Uyên Hồ), người hiện giữ cương vị Giám đốc công ty TNHH Trực tuyến Edunetwork Global Việt Nam.

Chân dung Hồ Thị Kim Uyên (Uyên Hồ) – Giám đốc Edunetwork Global thị trường Việt Nam

Kiếm tiền với Edunetwork Global như thế nào?

Edunetwork Global cung cấp cho các thành viên tham gia nhiều hình thức kiếm tiền khác nhau, thông qua việc bán các khóa học mà nền tảng này cung cấp cũng như xây dựng hệ thống.

Hoa hồng trực tiếp

Hoa hồng trực tiếp là hình thức kiếm tiền cơ bản nhất dành cho thành viên tham gia Edunetwork Global. Về bản chất, đây là hình thức tiếp thị liên kết (affiliate marketing): bạn bán khóa học giúp Edunetwork Global và nhận hoa hồng trực tiếp ở mức 80% trên mỗi khóa học bán được.

Chẳng hạn, bạn bán được 1 khóa học trên Edunetwork Global là khóa “The Art of Positive Mindset” (Làm chủ tư duy thịnh vượng) với giá 50 USD, bạn sẽ nhận được mức hoa hồng trực tiếp 80% của 50 USD tương ứng 40 USD (khoảng 930.000 VNĐ).

Hoa hồng trực tiếp này còn áp dụng khi người được bạn giới thiệu mua thêm các gói. Cụ thể, sau khi bạn bán được khóa học 50 USD cho một người và nhận được 40 USD tiền hoa hồng trực tiếp, người được bạn giới thiệu đó mua tiếp khóa học khác trị giá 200 USD, bạn vẫn sẽ nhận được hoa hồng trực tiếp 80% của khóa học 200 USD này, tương ứng với khoảng 3.700.000 VNĐ.

Hoa hồng trả ơn

Hoa hồng trả ơn là một hình thức trả thưởng khác biệt giữa Edunetwork Global và các nền tảng giáo dục trực tuyến (e-learning) khác có áp dụng tiếp thị liên kết. Theo lời những người giới thiệu, hoa hồng trả ơn là hình thức giúp cho các thành viên của Edunetwork Global tạo ra nguồn thu nhập thụ động đáng kể.

Bạn sẽ nhận được hoa hồng trả ơn khi giới thiệu thành công một người mua khóa học (F1), và người này tiếp tục giới thiệu được 2 người nữa mua khóa học. Lúc này, người thứ hai được F1 của bạn giới thiệu sẽ được coi như là F1 trả ơn bạn, đưa lên thành F1 của bạn và bạn sẽ được hưởng hoa hồng trị giá 80% từ người này, trong khi F1 của bạn thì không được.

Cụ thể, như ví dụ trong ảnh, Hưng mua khoá 500 USD, Hưng bán được khóa học 500 USD cho Quang (Quang là F1 của Hưng) và nhận được hoa hồng trực tiếp 80% tương ứng 400 USD. Quang học khóa này và cũng làm như Hưng, bán được khóa 500 USD cho A và nhận được hoa hồng trực tiếp 400 USD (A là khách hàng thứ 1 của Quang).

Quang lại bán tiếp khóa học 500 USD cho B. Lúc này, Quang không được hoa hồng trực tiếp 80% từ B, mà số hoa hồng này sẽ được chuyển hóa thành hoa hồng trả ơn cho Hưng (hệ thống sẽ làm tự động điều này). Như vậy, B trở thành F1 của Hưng, Hưng sẽ được hoa hồng 400 USD. Từ khách hàng thứ 3 trở đi thì Quang hưởng hoa hồng trực tiếp 80% như bình thường.

Trong trường hợp B tiếp tục giới thiệu được 2 khách hàng mua khóa học của Edunetwork Global, thì khách hàng thứ 2 của B cũng sẽ tiếp tục trở thành F1 của Hưng, và Hưng sẽ nhận hoa hồng trả ơn 80% từ khách hàng này thay vì B nhận hoa hồng trực tiếp 80%.

Hoa hồng lãnh đạo

Ngoài 2 hình thức hoa hồng trực tiếp và hoa hồng trả ơn, Edunetwork Global còn một hình thức hoa hồng khác, đó là hoa hồng lãnh đạo. Hoa hồng lãnh đạo có 2 mức là Quản lý và Giám đốc, được chi trả hằng tháng dành cho những thành viên xây dựng được hệ thống phát triển Edunetwork Global tốt nhất.

Điều kiện nhận hoa hồng lãnh đạo cấp Quản lý (Manager)

  • Bạn đang sở hữu khóa học trị giá ít nhất 1.000 USD
  • Doanh số cá nhân (hoa hồng trực tiếp + hoa hồng trả ơn) đạt 5.000 USD
  • Điều kiện 3: Doanh số hệ thống từ F1 đến Fn trong tháng đạt ít nhất hơn 50.000 USD

Điều kiện nhận hoa hồng lãnh đạo cấp Giám đốc (Director)

  • Bạn đang sở hữu khóa học trị giá 2.000 USD
  • Doanh số cá nhân (hoa hồng trực tiếp + hoa hồng trả ơn) đạt 10.000 USD
  • Doanh số hệ thống từ F1 đến Fn trong tháng đạt ít nhất hơn 100.000 USD

Một số quy định về hoa hồng của Edunetwork Global

Dù cho có chính sách hoa hồng tương đối hấp dẫn, thành viên của Edunetwork Global cũng phải đáp ứng được một số quy định của nền tảng này nếu muốn kiếm được tiền từ nó. Chẳng hạn, bạn chỉ có thể bán các khoá học bằng hoặc các khoá học nhỏ hơn khoá của bạn đã mua. Ngoài ra, các khoá học của Edunetwork chỉ có thể mua mới chứ không thể nâng cấp. Mỗi khi mua khoá học mới thì quy trình cho đi sẽ lại bắt đầu lại.

Bên cạnh đó, nếu người được bạn giới thiệu mua khóa học có giá trị lớn hơn khóa học bạn sở hữu thì toàn bộ lợi nhuận và khách hàng đó sẽ thuộc về thành viên đủ điều kiện bên trên bạn. Ví dụ bạn mua khóa học 200 USD, nhưng người được bạn giới thiệu lại mua khóa 1.000 USD thì bạn sẽ không được nhận hoa hồng từ người này. Hoa hồng đó sẽ được chuyển lên người bảo trợ của bạn nếu họ đã mua gói 1.000 USD trở lên, hoặc chuyển lên tiếp nếu người bảo trợ không đạt yêu cầu.

Edunetwork Global trên truyền thông

Ngay từ thời điểm mới bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, dự án Edunetwork Global đã thu hút được nhiều sự chú ý của cộng đồng, xuất hiện trên nhiều kênh truyền thông như Thời sự 16h VTV1, Dân Trí, Thanh Niên và được cả nhiều người nổi tiếng, văn nghệ sĩ như ca sĩ Tym, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, diễn viên Trương Quỳnh Anh, diễn viên Dương Cẩm Lynh, hot girl Ngọc Thảo giới thiệu.

Edunetwork Global trên chương trình Thời sự 16h VTV1
Edunetwork Global trên Dân trí
Edunetwork Global trên Thanh Niên
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng giới thiệu Edunetwork Global
Ca sĩ Tym quảng cáo cho Edunetwork Global
Diễn viên Dương Cẩm Lynh đăng bài quảng cáo cho Edunetwork Global

Đặc biệt, gần đây, Edunetwork Global Việt Nam còn được vinh danh là “Top 10 Thương hiệu hàng đầu Việt Nam 2020” trong sự kiện “Thương hiệu Hàng đầu Việt Nam – VietNam Top Brands 2020” tổ chức bởi Hiệp hội Thông tin công nghiệp châu Á (AIPA) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp châu Á (Asia Business Centre) diễn ra tại Nhà hát Quân đội TP.HCM vào ngày 26/9/2020. Đồng thời, cũng trong sự kiện này, CEO của Edunetwork Global Việt Nam là Uyên Hồ cũng được đề cử là một trong những Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2020. Thông tin này ngay lập tức được đăng tải trên các trang báo điện tử như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động,..

Hình ảnh giải thưởng Edunetwork Global Việt Nam và CEO Uyên Hồ nhận gần đây
Báo Thanh Niên đăng bài về Uyên Hồ và giải thưởng của Edunetwork Global
Báo Lao động đăng bài về Uyên Hồ và giải thưởng của Edunetwork Global
Báo Tuổi Trẻ đăng bài về Uyên Hồ và giải thưởng của Edunetwork Global

Edunetwork có lừa đảo không?

Đến đây, có lẽ bạn đã có cái nhìn tương đối đầy đủ về Edunetwork Global cùng các hình thức kiếm tiền từ dự án này. Trong phần tiếp theo này, Sodu.asia sẽ phân tích chi tiết về Edunetwork Global để giúp những ai đang quan tâm có câu trả lời cho thắc mắc Edunetwork Global có lừa đảo hay không, và có nên tham gia vào Edunetwork Global hay không.

Mô hình kinh doanh của Edunetwork Global

Giáo dục trực tuyến (e-learning) là một mô hình đã tương đối quen thuộc tại thị trường Việt Nam, với nhiều đơn vị hoạt động theo mô hình này như Edumall, Kyna, Unica. Tuy nhiên, chỉ cần một vài phút tiềm hiểu cũng có thể nhận thấy sự hạn chế của Edunetwork Global so với các nền tảng đối thủ này, đó là số lượng khóa học ít ỏi. Dù đã ra mắt 1 năm nhưng Edunetwork Global chỉ có vỏn vẹn 5 khóa học, trong khi hiện tại Edumall đã có tới hơn 3.000 khóa học với đa dạng chủ đề khác nhau, hay Kyna cũng đã có hơn 500 khóa học.

Các nền tảng E-learning khác vượt trội Edunetwork Global về số lượng khóa học

Một điểm khác đáng chú ý là các nền tảng học trực tuyến này cũng có những chương trình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) của riêng mình. Tuy nhiên, mức hoa hồng của các chương trình này cũng chỉ dao động trong khoảng 30%-45%, chứ không cao một cách phi lý lên tới 80% như của Edunetwork Global.

Chương trình tiếp thị liên kết của Unica và Kyna trên AccessTrade (nền tảng tiếp thị liên kết lớn nhất Việt Nam)
Chương trình tiếp thị liên kết của Edumall

Như Sodu.asia cũng đã từng phân tích trong các bài viết về Crowd1MyAladdinz, hai dự án cũng hứa hẹn chi trả 80% giá trị giao dịch hoặc doanh thu cho người tham gia, mức hoa hồng này là hoàn toàn bất khả thi về mặt tài chính. Một doanh nghiệp có nhiều loại chi phí khác nhau, và chi phí marketing chỉ là một trong số đó. Trong trường hợp của Edunetwork Global, nếu nền tảng này cung cấp các khóa học có bản quyền, Edunetwork Global sẽ phải trích một phần doanh thu cho các giảng viên của các khóa học đó (mức thông thường ở các nền tảng giáo dục trực tuyến khác là 20%). Nếu tính thêm mức chi phí hoa hồng 80% chi trả cho những người giới thiệu thì công ty hoàn toàn không có lợi nhuận. Đó là chưa kể đến các khoản chi phí khác như hoa hồng lãnh đạo dành cho một số cá nhân, chi phí nhân sự, vận hành, hệ thống, thuê văn phòng, pháp lý, …

Ngoài ra, một điểm đáng nghi vấn của Edunetwork Global đó là bắt buộc thành viên phải mua khóa học mới được bán cho người mới. Điều này không hề tồn tại ở các chương trình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) khác, nhưng lại là một điều thường thấy trong các dự án đa cấp.

Nội dung khóa học của Edunetwork Global

Theo Edunetwork Global, giảng viên trong các khóa học của Edunetwork Global là những người giàu kinh nghiệm và cực kỳ nổi tiếng như Brian Tracy, Bob Proctor, Micheal Neill, Michael A. Singer. Tuy nhiên, một điểm đáng ngờ là những nhân vật này chưa từng nói về việc hợp tác và giảng dạy trên nền tảng của Edunetwork Global trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Ngoài ra, bản thân Edunetwork Global cũng chưa từng đưa ra một bằng chứng nào chứng minh được sự hợp tác chính thức với các nhân vật này như hợp đồng, ký kết hợp tác,… Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu các nội dung trên Edunetwork Global có phải các nội dung chính thống có bản quyền, hay là nội dung lậu từ một nguồn khác mà không có sự đồng ý của các nhân vật là giảng viên.

Mô hình trả thưởng theo kiểu đa cấp

Đại diện của Edunetwork Global gần đây thường xuyên lên tiếng thanh minh rằng mô hình của doanh nghiệp này không phải là đa cấp mà là mô hình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) dành cho sản phẩm số (các khóa học trực tuyến), đồng thời lập luận rằng Edunetwork Global không hề có phân tầng, phân nhánh, nên không phải là đa cấp.

CEO Uyên Hồ của Edunetwork Global lên tiếng thanh minh

Tuy nhiên, đây chỉ là nỗ lực lập lờ đánh lận con đen để che mắt những người thiếu kiến thức, bởi mô hình của Edunetwork Global chính xác là đa cấp. Ở mô hình hoa hồng trả ơn, Edunetwork Global đã áp dụng chiêu trò chuyển các F ở tuyến dưới lên thành F1 để tạo ảo giác rằng doanh nghiệp này không trả thưởng theo cơ chế kim tự tháp nhiều tầng. Tuy nhiên, nếu xem xét kĩ hình thức này, một người giới thiệu vẫn được trả thưởng khi các tuyến dưới của mình giới thiệu được người mới tham gia hệ thống, đồng nghĩa với mô hình đa cấp kim tự tháp.

Trên thực tế, có không ít dự án lừa đảo trước đây đã lợi dụng những điểm tương đồng trong mô hình tiếp thị liên kết và đa cấp để che dấu bản chất và khẳng định mình không vi phạm pháp luật, nhưng kết quả là những người tham gia vẫn mất tiền, như Orius Capital, Winsbank, Crowd1 hay MyAladdinz.

Đồng thời, việc bắt phải mua khóa học của Edunetwork Global mới có thể bắt đầu giới thiệu là một điều chỉ có trong đa cấp chứ không hề tồn tại trong các mô hình tiếp thị liên kết chính thống.

Tính pháp lý của Edunetwork Global

Khi đi sâu tìm hiểu, Edunetwork Global bộc lộ nhiều điểm yếu rõ ràng về mặt pháp lý.

Đầu tiên, dù cho đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Singapore, nhưng địa chỉ của Edunetwork Global lại là một văn phòng ảo (virtual office). Dù văn phòng ảo không phải là một điều trái pháp luật, tuy nhiên đi cùng với hình thức này là một số nghi ngại nhất định về Edunetwork Global. Nếu doanh nghiệp này thực sự có quy mô và uy tín như được giới thiệu, tại sao lại không thể có một văn phòng thực sự để phục vụ hoạt động? Hay việc đăng ký một văn phòng ảo sẽ giúp Edunetwork Global bốc hơi một cách nhẹ nhàng khi dự án sập?

Ngoài ra, dù hoạt động theo phương thức đa cấp, nhưng Edunetwork Global lại không hề đăng ký kinh doanh lĩnh vực này theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, các diễn giải về hoạt động kinh doanh đa cấp đã được quy định rõ tại Điều 3, Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh. Trong trường hợp người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới, hoạt động này được liệt vào kinh doanh đa cấp.

Tuy vậy, Edunetwork Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tên gọi đầy đủ: Công ty TNHH giáo dục trực tuyến Edunetwork Global Việt Nam vào ngày 28.7.2020 với người đại diện theo pháp luật là Ngô Thị Minh Hoa, trụ sở tại 88 Dương Quang Đông, phường 5, quận 8, TPHCM. Doanh nghiệp này đăng ký 3 ngành nghề kinh doanh gồm: Giáo dục chưa được phân vào đâu (chính), đào tạo trung cấp và dịch vụ hỗ trợ giáo dục. Khi kiểm tra, doanh nghiệp này không nằm trong danh sách các doanh nghiệp đa cấp được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cấp giấy phép hoạt động, đồng nghĩa với việc vi phạm pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số thông tin cũng cho rằng Edunetwork Global lập trụ sở ở Việt Nam nhưng nhiều ngày không mở cửa.

Văn phòng của Edunetwork Global Việt Nam không mở cửa

Dính dáng đến các dự án đa cấp, lừa đảo khác

Thông qua tìm hiểu, Edunetwork Global cũng cho thấy sự dính dáng đến 2 dự án đa cấp, lừa đảo khác từng có rất nhiều người tại Việt Nam tham gia là Easy1Up và bee group.

Cụ thể, các dự án này có sự tương đồng lớn về mô hình kinh doanh và cơ chế trả thưởng. Giống như Edunetwork Global, sản phẩm chính của Beegroup và Easy1Up là các khóa học trực tuyến với nội dung đào tạo về kỹ năng marketing, bán hàng, tư duy thành công, lãnh đạo, với giá trị từ 30 USD – 4.000 USD.

Các khóa học của Beegroup

Để được kinh doanh, bán khóa học của easy1up và beegroup thì khách hàng cũng bắt buộc phải mua để sở hữu các khóa học đó. Sở hữu khóa học nào thì được bán khóa học đó và các khóa học có giá trị nhỏ hơn.

Nếu như hoa hồng bán được một khóa học tại Edunetwork Global là 80% giá trị khóa học thì với easy1up và beegroup con số này lên tới 90%. Cũng giống như Edunetwork Global, ngoài khoản hoa hồng trực tiếp trên, tại Easy1Up và BeeGroup, những người tham gia cũng có thu nhập thụ động từ một loại hoa hồng thứ 2 – hoa hồng trả ơn. Theo đó, những giao dịch bán khóa học lần thứ 2 đồng cấp (bằng giá trị khóa học khách hàng đã mua) sẽ được trả ơn cho người đã bảo trợ.

“Ví dụ, nếu bạn bán cho 1 người một khoá học 1.000 USD. Sau đó, người này bán được cho 5 người khác nhau thì lần thứ 2 họ bán được 1.000 USD thì hoa hồng đó sẽ chảy vào thu nhập của bạn. Khách hàng mới này cũng trở thành F1 của bạn luôn. Nếu họ tiếp tục phát triển, bạn lại có hoa hồng”, một thủ lĩnh tại Easy1Up chia sẻ. Cách hoạt động của hoa hồng trả ơn tại Beegroup cũng tương tự như vậy.

Đáng chú ý, Uyên Hồ, giám đốc của Edunetwork Global Việt Nam cũng từng tham gia dự án easy1up và được cho là kiếm hơn 200.000 USD chỉ trong 8 tháng. “Tôi luôn luôn đứng top 1 trên thế giới về easy1up”, Uyên nói với các thành viên của Edunework trong một livestream đào tạo để bán được thật nhiều khóa học. Trên website cá nhân của Uyên Hồ tại uyenho.vn vẫn có mục quảng bá cho Easy1Up.

Trên website cá nhân của Uyên Hồ vẫn có mục quảng bá cho Easy1Up
Một hình ảnh cho thấy Uyên Hồ là một trong những cá nhân kiếm được nhiều tiền nhất từ dự án đa cấp Easy1Up
Một hình ảnh khác khoe tài khoản của Uyên Hồ và số tiền kiến được trên Easy1Up

Điểm trùng hợp là vào giai đoạn cuối năm 2019, khi Easy1Up bắt đầu thoái trào tại Việt Nam cũng là lúc Edunetwork Global bắt đầu xuất hiện và xây dựng hệ thống. Điều này đặt ra nghi vấn rằng liệu Edunetwork Global có phải là một chiêu thức mang tính chất “bình mới rượu cũ” của Uyên Hồ hay không.

Lợi dụng truyền thông

Thoạt nhìn, giải thưởng “Top 10 Thương hiệu hàng đầu Việt Nam 2020” mà Edunetwork Global mới nhận được vào ngày 26/09/2020 giúp khẳng định vị thế của dự án này. Tuy nhiên, chỉ cần tìm hiểu kỹ hơn một chút, không khó để nhận ra rằng những doanh nghiệp khác nhận được giải thưởng này đa phần đều là những doanh nghiệp ít tiếng tăm, gần như không nhiều người biết đến như chuỗi chăm sóc sức khỏe Reviv, bảo hiểm BSH, thực phẩm chức năng Ancan, sơn ĐK, nước giải khát Sanest Khánh Hòa, nền tảng học trực tuyến One On One English, mỹ phẩm SOCOS, mỹ phẩm Anh Cosmetics và Edunetwork Global.

Khi đem so sánh với một bảng xếp hạng tương tự là Danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu 2020 thực hiện bởi tạp chí Forbes Việt Nam, có thể nhận thấy rõ sự khác biệt khi danh sách của Forbes Việt Nam có tiêu chí định lượng rõ ràng (giá trị thương hiệu) và quy tụ những thương hiệu quen thuộc với đại đa số người Việt Nam như Viettel, Vinamilk, VNPT, Sabeco, Vinhomes,…

Danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu 2020 theo xếp hạng của Forbes Việt Nam

Từ đó, hoàn toàn có thể đặt ra nghi vấn về uy tín của giải thưởng “Top 10 Thương hiệu hàng đầu Việt Nam 2020” mà Edunetwork Global Việt Nam nhận được từ Hiệp hội Thông tin công nghiệp châu Á (AIPA) và Trung tâm Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp châu Á (Asia Business Centre), cũng như giải thưởng Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2020 dành cho cá nhân CEO Hồ Thị Kim Uyên (Uyên Hồ). Liệu đây có phải là một giải thưởng được ban tổ chức đánh giá khách quan dựa trên các tiêu chí định lượng rõ ràng, hay chỉ đơn giản là một cơ hội cho các doanh nghiệp đánh bóng tên tuổi bằng cách bỏ tiền ra mua giải.

Dường như nhận ra được vấn đề này mà các trang báo mạng gồm Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động đã nhanh chóng xóa bỏ các bài viết về giải thưởng của Edunetwork Global Việt Nam và cá nhân CEO Uyên Hồ. Hiện toàn bộ các bài viết này không còn có thể truy cập được. Facebook của CEO Uyên Hồ cũng đã xóa những post chia sẻ lại các bài báo này.

Báo Tuổi Trẻ đã gỡ bài viết về giải thưởng Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam của Edunetwork Global

Ngoài ra, việc thuê người nổi tiếng hay báo chí đăng bài quảng bá của Edunetwork Global là một điều không mới, mà đã diễn ra nhiều lần ở các dự án đa cấp khác. Rõ ràng, những người nổi tiếng hay báo chí được trả tiền để đăng bài trong khi không đủ chuyên môn về tài chính – đầu tư để đánh giá về tính xác thực của các dự án, do đó mức độ đáng tin của các nguồn này là cực kỳ thấp.

Kết luận

Từ những bằng chứng trên, có thể khẳng định chắc chắn rằng Edunetwork Global là một dự án đa cấp, lừa đảo. Do đó, bạn không nên tham gia dự án này dù có được nghe những lời lẽ hứa hẹn hấp dẫn đến đâu, đồng thời chia sẻ thông tin này cho bạn bè và người thân về nguy cơ lừa đảo của dự án Edunetwork Global.

Đặc biệt, mới đây, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết đang trong quá trình tổng hợp thêm các thông tin liên quan để chuyển tới cơ quan công an theo dõi và có biện pháp xử lý theo thẩm quyền. Do đó, có thể nói rằng ngày tàn của Edunetwork Global không còn xa.

2 thoughts on “Edunetwork Global là gì? Edunetwork Global có lừa đảo không?

  1. Pingback: Bất động sản Nhật Nam có lừa đảo như Alibaba? Có nên đầu tư? - Sodu

  2. Pingback: Affiliate marketing là gì? Hướng dẫn kiếm tiền với Affiliate marketing (phần 1)

Leave a Reply

%d bloggers like this: