Đại dịch Covid-19 là một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Đại dịch này đã, đang và sẽ thay đổi cách mọi người trên khắp thế giới giao tiếp, di chuyển, làm việc. Trong bài viết này, Sodu.asia sẽ giúp các bạn hình dung một thế giới hậu đại dịch, và lý giải tại sao chủ nghĩa tối giản sẽ lên ngôi trong thời gian tới.
>> Đọc thêm: Lời khuyên 5 bước (không hề dễ dàng) để đạt được tự do tài chính từ 2 tín đồ của lối sống tối giản
Từ cách thế giới vận hành
Trước đây, chủ nghĩa tiêu dùng đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng về mặt kinh tế – xã hội cho các quốc gia trên thế giới. Hệ thống sản xuất hàng hóa, marketing và truyền thông có quy mô khổng lồ đã lập trình sẵn tư duy của tất cả chúng ta, khiến chúng ta có một niềm tin mạnh mẽ rằng hạnh phúc chỉ có thể đạt được thông qua việc sở hữu thêm thật nhiều đồ vật hay có nhiều tiền hơn người khác.
Instagram là một minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Mạng xã hội thuộc sở hữu của Facebook tràn ngập những bức ảnh lung linh đến gần như hoàn hảo, có thể là của những người có tầm ảnh hưởng hay cũng có thể là từ bạn bè của bạn, khoe chuyến du lịch nước ngoài gần nhất, chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất hay chiếc xe sành điệu mới tậu.

Hậu quả của việc chủ nghĩa tiêu dùng bành trướng quá mức là việc con người trong xã hội hiện đại luôn phải chạy theo những nhu cầu mang tính sở hữu. Và đôi khi để đạt được điều đó, chúng ta đánh cược bằng cả tương lai của mình. Cụ thể, rất ít người có thể để dành ra từ 3 đến 6 tháng tiền tiết kiệm cho một quỹ dự phòng, nhưng lại sẵn sàng vay tiền thông qua hình thức thẻ tín dụng, vay tiêu dùng hoặc các khoản vay lớn để phục vụ mục đích sở hữu đồ vật. Không phải ngẫu nhiên mà 69% người dân Mỹ, quốc gia được coi là có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, không thể để dành nổi 1,000 đô la (số tiền tương đối thấp so với mức sống tại quốc gia này) nhưng tổng nợ hộ gia đình ở Mỹ lên tới mức kỷ lục 14 nghìn tỷ đô la.
Hành vi tiêu dùng thiếu kiểm soát đẩy sức khỏe tài chính của các hộ gia đình và cả nền kinh tế đến một trạng thái hết sức mong manh. Chỉ cần vượt qua một giới hạn nhất định, hoặc một sự kiện tiêu cực diễn ra, nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng là rất rõ ràng.
Subscribe kênh YouTube của Sodu để cập nhật các video mới về tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư mỗi tuần: https://bit.ly/2H6ubT7
Bài học từ những cuộc khủng hoảng kinh tế
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 bắt nguồn từ thị trường nhà đất của Mỹ. Nguyên nhân xuất phát từ việc các ngân hàng và tổ chức tín dụng của quốc gia này cho người dân vay tiền mua nhà một cách ồ ạt, thậm chí cả những người không đủ điều kiện như dân nhập cư bất hợp pháp. Giá nhà đất vì thế liên tục tăng, khiến cho một bộ phận không hề nhỏ tiếp tục vay mua nhà để đầu cơ. Lúc này, giá nhà đất đã lên đến mức phi lý và bong bóng bắt đầu vỡ, giá nhà ở sụt giảm, những người đã vay tiền từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng trước đó, vốn không có đủ tiền mặt không thể trả được nợ, ngay cả khi bán nhà bởi giá trị căn nhà của họ tụt xuống dưới mức giá họ trả ban đầu. Việc những cá nhân này không thể trả nợ khiến cho hàng loạt các ngân hàng và tổ chức tín dụng cũng phá sản theo. Từ đó, cuộc khủng hoảng lan rộng và ảnh hưởng đến các ngành nghề và các quốc gia khác.

Hơn 10 năm đã trôi qua kể từ cuộc khủng hoảng 2008, thế hệ từng trải qua cuộc khủng hoảng 2008 có thể đã dần quên đi những bài học từ sự kiện này, còn thế hệ trẻ hơn thì không biết đến và hiểu rõ nó. Bởi vậy, chủ nghĩa tiêu dùng vẫn còn hiện diện một cách mạnh mẽ trong cuộc sống, người tiêu dùng tiếp tục chạy theo những món đồ vật, ngay cả với những đồng tiền mà chúng ta không hề có trong tay, dựa trên niềm tin rằng mọi thứ sẽ tiếp tục một cách tốt đẹp như việc mức lương của chúng ta sẽ tăng và chúng ta sẽ trả hết số tiền đã vay.
Cho đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Để ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2, chính phủ các nước đã ban hành nhiều biện pháp như hạn chế nhập cảnh, cách ly xã hội và phong tỏa địa bàn. Nhiều lĩnh vực như hàng không, khách sạn, dịch vụ ăn uống vì thế chịu ảnh hưởng nặng nề. Không ít doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực này mất đi gần như toàn bộ thu nhập, kéo theo ảnh hưởng lên toàn bộ các lĩnh vực khác. Trong bối cảnh đó, một lượng lớn người lao động mất việc do công ty tiến hành cắt giảm, hoặc phải giảm thu nhập để hỗ trợ công ty sống sót.
Lúc này, chúng ta mới bắt đầu nhận ra một cách muộn màng rằng, thay vì tiêu hết số tiền lương nhận được mỗi tháng, nên cho chúng vào một quỹ dự phòng cho những tình huống xấu. Hay chiếc điện thoại mới cứng vừa mua trả góp tháng trước đang trở thành một gánh nặng cho bản thân trong lúc bạn đang ước gì có thêm tiền mua thực phẩm.
Sự trỗi dậy và trỗi dậy của chủ nghĩa tối giản
Mỗi sự kiện quy mô lớn như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 hay đại dịch Covid-19 đều khiến cho thế giới và những con người sống trong đó phải thay đổi.
Chủ nghĩa tối giản bắt đầu trở nên phổ biến hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Không ít người đã tìm đến và tiến hành thực hành lối sống này như một cách để thoát khỏi vòng xoáy của chủ nghĩa tiêu dùng hiện đại. Có thể bản thân họ đã từng trải qua hoặc được chứng kiến từ gia đình và bạn bè việc mua sắm vô tội vạ đã để lại những hậu quả to lớn như thế nào khi khủng hoảng tài chính ập đến.
Việc những người từng trải qua khủng hoảng tài chính hạn chế việc sở hữu tài sản hơn so với giai đoạn trước đó cũng góp phần làm khai sinh ra một khái niệm mới, đó là “nền kinh tế chia sẻ”. Đại diện của nền kinh tế chia sẻ có thể kể đến Uber (cho người khác đi nhờ xe), Airbnb (cho khách du lịch ở nhờ phòng trống) hay Rent the Runway (cho người khác thuê lại quần áo hàng hiệu). Nhờ đó, dù không phải sở hữu đồ đạc, con người vẫn có thể đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của bản thân.
Dù thế giới chưa chính thức bước vào giai đoạn suy thoái do đại dịch Covid-19, những ảnh hưởng tiêu cực của nó mang lại đối với nền kinh tế là không thể bàn cãi. Và có thể chắc chắn rằng sau đại dịch này, có thể sẽ có thêm rất nhiều người cân nhắc chủ nghĩa tối giản, tương tự như điều từng xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, sẽ có sự khác biệt ở chỗ người tiêu dùng sẽ bắt đầu nhìn các công ty thuộc “nền kinh tế chia sẻ” với một ánh mắt dè chừng hơn. Nguyên do là bởi nỗi sợ lây lan những căn bệnh khi dùng chung đồ với người lạ từ đại dịch.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng sẽ không còn như trước. Chẳng hạn, khi các doanh nghiệp dần quen với chuyện cho nhân viên làm việc tại nhà (Work From Home), chúng ta có thể kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục và dần trở thành một điều bình thường. Khi đó, nhu cầu sử dụng các dịch vụ giao thông như Uber cũng sẽ giảm đi. Đó là chưa kể, khi không phải ra ngoài, thì các nhu cầu khác như thời trang, mỹ phẩm cũng vì thế mà không còn quan trọng nữa.

Người tiêu dùng sẽ nhận ra sau quá trình cách ly xã hội trong đại dịch Covid-19 rằng cuộc sống có thể vẫn tiếp diễn một cách bình thường và vui vẻ, ngay cả khi chúng ta không đi mua sắm những bộ đồ hàng hiệu mới nhất hay không đi du lịch đến một địa điểm nổi tiếng. Thay vào đó, chúng ta có thêm thời gian bên cạnh người thân hay kết nối với bạn bè (dù là qua video).
Lời kết
Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến không ít người từ bỏ lối sống sở hữu đồ đạc và theo đuổi chủ nghĩa tối giản, sử dụng các dịch vụ chia sẻ để đáp ứng nhu cầu bản thân. Giờ đây, đại dịch Covid-19 ngoài việc khiến cho thêm nhiều người khác tìm đến chủ nghĩa tối giản, còn tiếp tục làm giảm nhu cầu tiêu dùng vô nghĩa của những người đã theo đuổi nó thêm một mức. Do đó, bạn đừng ngạc nhiên nếu sau đại dịch, chủ nghĩa tối giản sẽ lên ngôi.
Đúng là nhờ Covid nhiều thứ thay đổi, kể cả lối sống cũng vậy , tối giản là tốt. 🙂