Đàm phán lương, dù là trong quá trình ứng tuyển công việc mới hay khi đánh giá lương ở công việc hiện tại, là một điều còn tương đối xa lạ với nhiều người Việt Nam. Không ít người làm việc chăm chỉ với hy vọng cấp trên sẽ tự nhận ra điều đó và chủ động đưa ra đề nghị về mức lương tương xứng, nhưng trên thực tế, viễn cảnh đó ít khi xảy ra. Do đó, nếu bạn muốn nâng cao thu nhập của bản thân, cải thiện kỹ năng đàm phán lương là một điều cực kỳ cần thiết.
Đọc thêm: Công việc tay trái: Làm thế nào để kiếm được tiền mà vẫn hạnh phúc?
1. Chứng minh giá trị của bạn – với bằng chứng
Để thuyết phục cấp trên đồng ý với mức lương bạn mong muốn, bạn cần nắm rõ giá trị của bản thân, đồng thời biết cách truyền đạt điều đó tới cấp trên của mình. Bạn sẽ cần phải sử dụng mọi bằng chứng có thể để chứng minh cho mức giá trị đó. Chẳng hạn, đã có lần bạn giúp công ty nâng cao doanh thu, hoặc tiết giảm chi phí. Bạn nên chuẩn bị một danh sách với các gạch đầu dòng là những bằng chứng như vậy từ trước, để trong lúc đàm phán lương, bạn có thể giải thích từng điều một cách rõ ràng.
Bạn cần có thái độ tự tin đối với những bằng chứng bạn đưa ra, nhưng cũng cần bình tĩnh và cẩn thận để không trở nên kiêu ngạo, vì điều đó gia tăng khả năng thuyết phục cấp trên cho bạn.
2. Nghiên cứu thị trường
Bên cạnh việc xác định giá trị của bản thân đối với công ty, bạn cũng nên nắm được mặt bằng lương trên thị trường lao động đối với một người có năng lực và kinh nghiệm như bạn. Để làm được điều này, cách đơn giản nhất là nói chuyện với một vài chuyên gia “săn đầu người” (headhunter) – những người nắm trong tay những thông tin cập nhật nhất về thị trường lao động. Ngoài ra, bạn cũng có thể trò chuyện với những người có chức danh công việc và mức kinh nghiệm tương đồng với bạn. Google hay một số website nghề nghiệp như Glassdoor cũng có thể cung cấp cho bạn một vài dữ kiện có giá trị, tuy nhiên bạn cần cẩn trọng với chúng bởi mức lương có thể có sự khác biệt, phụ thuộc vào khu vực làm việc. Do đó, đối với những dữ kiện về mức lương tìm được trên internet, bạn cần phải chắc chắn rằng đó là mức lương cho khu vực làm việc của bạn.

Yếu tố quan trọng nhất bạn cần nhớ khi thực hiện nghiên cứu thị trường là sử dụng nhiều hơn một nguồn thông tin để xác định mức lương mong muốn. Nếu bạn chỉ dựa trên thông tin được cung cấp bởi một người duy nhất để cho rằng đó là mức lương mục tiêu, bạn có thể đưa ra một con số không tương xứng với thực tế thị trường. Do đó, hãy luôn tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, và con số trung bình sẽ là mức lương mà bạn có thể trông đợi.
3. Đưa ra một con số thay vì một khoảng lương
Khi nhà tuyển dụng hoặc cấp trên hỏi về mức lương kỳ vọng, đa số mọi người có xu hướng trở nên lo lắng, không tự tin đưa ra một con số cụ thể. Thay vào đó, họ sẽ đưa ra một khoảng lương. Tuy nhiên, đây có thể là một sai lầm lớn. Đầu tiên, đưa ra một khoảng lương sẽ tạo cơ hội cho nhà tuyển dụng hoặc cấp trên đề xuất mức lương thấp hơn so với mức bạn mong muốn. Thông thường, nhà tuyển dụng hoặc cấp trên sẽ chỉ đề xuất mức thấp hơn trong khoảng lương đó do họ biết bạn sẽ sẵn sàng chấp nhận, trong khi mọi người lại hy vọng thực sự nhận được mức cao hơn.
Bên cạnh đó, lý do thứ hai khiến việc đưa ra một khoảng lương mong muốn thay vì một con số cụ thể là nó khiến bạn trông không chắc chắn trong con mắt của nhà tuyển dụng hoặc cấp trên. Khi đưa ra một khoảng lương như vậy, bạn có vẻ không nắm rõ mong muốn thực sự của bản thân đối với mức lương của bản thân, và chờ đợi quyết định từ họ một cách thụ động. Do đó, bạn nên đưa ra mức lương kỳ vọng là một con số cụ thể, và hợp lý.
Vậy đâu là câu trả lời phù hợp cho câu hỏi “Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?” từ nhà tuyển dụng hay cấp trên? Trên thực tế, có 2 con số bạn cần ghi nhớ trong quá trình đàm phán lương. Con số đầu tiên là “mức lương lý tưởng” đối với bạn, và con số còn lại là “mức lương mà bạn có thể chấp nhận”. Trong đó, “mức lương lý tưởng” là con số mà trong trường hợp nhận được, bạn sẽ vô cùng hạnh phúc, bởi đó là con số cao hơn mức giá trị của một người với năng lực và kinh nghiệm của bạn ở thời điểm hiện tại. “Mức lương lý tưởng” sẽ cao hơn một chút so với mức lương bạn mong muốn. Còn “mức lương mà bạn có thể chấp nhận” là con số bạn biết rằng thực sự hợp lý. Đó là mức lương đúng bằng với giá trị của bạn, bạn xứng đáng nhận được nó và sẽ không đồng ý nhận mức lương thấp hơn mức này.
Và khi được hỏi: “Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?”, việc bạn nên làm là đưa ra con số “mức lương lý tưởng”.”Mức lương lý tưởng” của bạn không nên cao hơn quá nhiều so với “mức lương mà bạn có thể chấp nhận”. Khi bạn đưa ra con số “mức lương lý tưởng”, nhà tuyển dụng hoặc cấp trên sẽ nhìn vào đó để cân nhắc so sánh với những đóng góp của bạn cho công ty, đồng thời tự thực hiện nghiên cứu thị trường lao động riêng, và sẽ không đưa ra một mức lương chênh lệch quá nhiều so với con số mà bạn đưa ra, đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhận được “mức lương mà bạn có thể chấp nhận” – con số hợp lý mà bạn nên kỳ vọng trên thực tế.
4. Sở hữu lợi thế trên bàn đàm phán
Trong quá trình đàm phán lương, biết cách tận dụng những lợi thế có lợi cho bản thân sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Chẳng hạn, khi bạn đang thương thảo mức lương cho một công việc mới. Bạn vừa nhận được đề nghị từ một công ty, nhưng cùng lúc, bạn biết rằng mình có thể nhận được những lời đề nghị hấp dẫn hơn từ những công ty khác. Bạn có thể thông báo để nhà tuyển dụng biết được điều đó. Hành động này của bạn sẽ tạo ra “tâm lý khan hiếm” cho phía nhà tuyển dụng, và họ sẽ sẵn sàng trả mức lương cao hơn so với đề nghị ban đầu cho bạn bởi họ thích bạn và lo lắng vì bạn sẽ dễ dàng bị các công ty khác giành mất.
Đối với trường hợp bạn đang đề nghị tăng lương ở công việc hiện tại, đề cập đến việc bạn nhận được nhiều lời đề nghị làm việc từ các công ty khác có thể sẽ không phải là một lựa chọn sáng suốt. Chúng chỉ nên là nguồn thông tin để bạn tham khảo nhằm xác định mức lương trên thị trường lao động mà thôi. Bạn sẽ không muốn tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ giữa mình và công ty nếu không thực sự có ý định chuyển sang một bên khác. Trong trường hợp này, lợi thế của bạn sẽ chủ yếu nằm ở cách bạn diễn giải giá trị của bản thân. Hãy nói về những thành tích bạn đạt được một cách rõ ràng và ngắn gọn. Bạn cần chứng minh rằng bạn nổi bật hơn những người khác. Chẳng hạn, bạn có thể nói rằng: “Trong năm vừa qua tôi đã làm được X, Y và Z, và khi so sánh với những người khác, không ai đạt được thành tích như vậy.” Nhấn mạnh sự khác biệt này sẽ giúp bạn có giá hơn và do đó, tăng khả năng được tăng lương của bạn.

5. Lựa chọn thời điểm thích hợp
Nếu bạn đang trong quá trình ứng tuyển một công việc mới, thời điểm duy nhất thích hợp để bạn đề cập đến mức lương kỳ vọng là khi nhà tuyển dụng hỏi bạn điều này. Bạn không nên chủ động nói về điều này. Câu hỏi về mức lương bạn mong muốn có thể được đặt ra ngay từ đầu quá trình tuyển dụng, có thể nằm trong quá trình phỏng vấn hoặc sau khi bạn nhận được lời đề nghị làm việc. Nhưng cho dù có là trường hợp nào đi chăng nữa, bạn chỉ nên nói về nó khi nhà tuyển dụng đề cập, vì nếu không, nó có thể khiến bạn trông có vẻ quá thèm khát tiền bạc, một ấn tượng mà có lẽ bạn không muốn tạo ra.
Còn nếu bạn đang trong trường hợp đề nghị nâng lương ở công ty hiện tại, thời điểm thích hợp nhất là trong kỳ đánh giá hiệu quả công việc. Thông thường, quãng thời gian này nằm ở cuối năm. Đây là khoảng thời gian mà đa phần cấp quản lý hiểu rằng những cuộc trao đổi như vậy sẽ diễn ra, và họ sẽ không bị bất ngờ trước đề nghị của bạn. Hơn thế nữa, đây sẽ là một cơ hội để bạn tận dụng kết quả đánh giá hiệu quả công việc của bản thân.
6. Giữ thái độ khiêm tốn và lịch thiệp, nhưng tự tin
Quá trình đàm phán lương đơn giản là quá trình bạn truyền tải giá trị của bản thân tới nhà tuyển dụng. Do đó, bạn không cần phải tỏ ra mạnh mẽ hay tham vọng. Chỉ cần đơn giản chứng minh giá trị của mình. Và khi bạn bước vào cuộc đàm phán với những dự định tích cực, cơ hội nhận được kết quả tích cực của bạn càng cao.
Subscribe kênh Youtube của Sodu.asia tại https://bit.ly/2H6ubT7 để được cập nhật video mới mỗi tuần về chủ đề tài chính cá nhân, kinh nghiệm tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư.
Pingback: Đây là hành động quan trọng nhất bạn cần phải làm để cải thiện tình hình tài chính cá nhân trong năm 2020 – Sodu
Pingback: Nếu có 6 dấu hiệu sau đây, bạn đang quản lý tài chính cá nhân sai cách – Sodu
Pingback: Covid-19 sẽ thay đổi như thế nào? Tại sao chủ nghĩa tối giản sẽ lên ngôi sau đại dịch? – Sodu