Tối giản tài chính là gì? Làm thế nào để trở thành một người tối giản tài chính?

Trong vòng vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ bắt đầu tìm hiểu và theo đuổi lối sống tối giản. Tuy nhiên, khi nhắc đến hai chữ “tối giản”, đa phần mọi người thường mới chỉ nói về vấn đề thời trang, nội thất hay ăn uống, dù trên thực tế, lối sống tối giản còn được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Và một khía cạnh có tầm quan trọng không nhỏ đó là tối giản tài chính.

> Đọc thêm: Triệu phú 29 tuổi tiết kiệm 99% thu nhập cho biết mình không bao giờ tiêu tiền vào 2 thứ này

Tối giản tài chính là gì?

Hiểu đơn giản, tương tự như tối giản về mặt trang phục là hạn chế việc sở hữu các bộ trang phục nhiều hơn bạn cần, tối giản về mặt tài chính đồng nghĩa với việc hạn chế các khoản chi tiêu và các chi phí tài chính không thực sự cần thiết, đồng thời đơn giản hóa việc quản lý tài chính cá nhân. Chẳng hạn, một người được coi là thực hành lối sống tối giản tài chính sẽ không phải đau đầu với các chi phí như phạt quá hạn thanh toán thẻ tín dụng, hay lãi vay tiêu dùng.

Một người tối giản về mặt tài chính không nhất thiết phải giống như một người theo lối sống tối giản truyền thống. Thay vì mạnh tay vứt bỏ gần hết các đồ vật mình sở hữu như một người theo đuổi lối sống tối giản truyền thống, một người thực hành lối sống tối giản tài chính có thể sẵn sàng mua chúng, với điều kiện chúng đem lại giá trị tương đương hoặc nhiều hơn số tiền họ phải bỏ ra.

Bên cạnh đó, một người tối giản tài chính thường sẽ có xu hướng đơn giản hóa những công việc liên quan đến các khoản thu – chi cá nhân, sao cho chúng tốn ít thời gian và công sức theo dõi nhất. Với sự hỗ trợ của những ứng dụng quản lý tài chính cá nhân, việc này đang trở nên dễ dàng hơn, thậm chí là có thể được tự động hóa.

Lựa chọn lối sống tối giản về mặt tài chính cũng là cách nhiều người lựa chọn để đạt được mục tiêu FIRE – viết tắt của Financial Independence & Retire Early, tức độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm, một phong trào tương đối phổ biến tại nhiều nước đang phát triển. Theo đó, những người hướng đến mục tiêu FIRE thường sẽ nỗ lực tiết kiệm phần lớn thu nhập của mình, đầu tư để gia tăng giá trị tài sản nhằm có thể từ bỏ công việc vất vả họ không yêu thích nhiều năm trước khi đến tuổi hưu chính thức. Quãng thời gian nghỉ hưu sớm này sẽ được dành để theo đuổi đam mê và sở thích, như đi du lịch, dành thời gian bên gia đình và bạn bè, v.v..

Tại sao bạn nên sống tối giản về tài chính?

Lý do để thực hành sống tối giản tài chính cũng không có nhiều khác biệt với lý do để theo đuổi lối sống tối giản nói chung, đó là giúp bạn giảm bớt những căng thẳng trong cuộc sống. Bạn sẽ không cần phải bận tâm đến những thứ không thực sự cần thiết, trong trường hợp này là các khoản chi phí thừa thãi, và tập trung cho những điều quan trọng hơn, trong trường hợp này là những khoản chi tiêu có ý nghĩa, có thể giúp bạn phát triển bản thân như học những kĩ năng mới, lập quỹ dự phòng hay thậm chí là quyên góp cho các tổ chức từ thiện.

Bên cạnh đó, lợi ích lớn nhất và rõ ràng nhất của việc tối giản tài chính là bạn sẽ cảm thấy giàu có hơn, bởi mức chi tiêu của bạn sẽ thấp hơn mức thu nhập của bạn, giúp bạn tiết kiệm được nhiều hơn. Chưa kể, bạn còn có khả năng gia tăng thu nhập dễ dàng hơn do tâm trí của bạn sẽ được giải phóng, giúp bạn trở nên hiệu quả hơn trong công việc. Điều này giúp bạn có thêm những lựa chọn trong cuộc sống, những lựa chọn mà trước đây do giới hạn tài chính nên bạn chưa bao giờ có được. Chẳng hạn, bạn có thể mua những món đồ hay sử dụng những dịch vụ có chất lượng cao hơn, từ đó đạt được giá trị tương ứng, thay vì cố gắng lựa chọn những thứ có giá rẻ nhưng chất lượng kém, thậm chí còn không tương ứng với số tiền nhỏ đó.

Subscribe kênh YouTube của Sodu.asia để cập nhật video mới bổ ích về chủ đề tài chính cá nhân mỗi tuần: https://bit.ly/2H6ubT7

Bắt đầu tối giản tài chính như thế nào?

Nếu như bạn đã xác định được rằng lối sống tối giản tài chính là dành cho mình, thì bước tiếp theo chính là bắt tay vào hành động.

Đầu tiên, bạn cần phải xác định thứ tự các ưu tiên của bản thân. Có một sự khác biệt rất lớn giữa những thứ bạn muốn và những thứ bạn cần mà đáng tiếc thay không ít người trong số chúng ta không nhận ra. Chẳng hạn, một quỹ dự phòng cùng một tài khoản đầu tư sẽ giúp bạn chuẩn bị cho tương lai tốt hơn cũng như sẵn sàng cho các biến cố không mong muốn nếu chúng xảy ra. Tuy nhiên, rất nhiều người không có cả hai khoản này, mà thay vào đó luôn tiêu hết, thậm chí nhiều hơn số tiền kiếm được chỉ để thỏa mãn những ham muốn nhất thời của bản thân, để rồi phải chịu những chi phí không đáng có như lãi vay hoặc tệ hơn là rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Tiếp theo, hãy tổng hợp và sắp xếp lại những khoản thu – chi của bạn. Nhớ rằng đơn giản hóa mọi thứ là mục đích lớn nhất của bạn trong bước này. Hãy nhìn vào mọi thứ liên quan tới tài chính cá nhân của mình, từ thu nhập cho tới mức nợ hay các hạng mục của các khoản chi. Bạn sẽ phát hiện ra những khoản có thể coi là thừa thãi, chẳng hạn như phí thường niên của những chiếc thẻ tín dụng tại nhiều ngân hàng khác nhau mà bạn mở chỉ để nhận ưu đãi khi mở chúng.

Cuối cùng, hãy loại bỏ tất cả những khoản chi tiêu thừa thãi mà bạn phát hiện được. Chẳng hạn, hãy mạnh tay đóng những thẻ tín dụng bạn đã lâu không còn dùng, vứt bỏ chiếc thẻ thành viên tại những nhà hàng đắt đỏ, hay bán đi chiếc xe ô tô mà bạn đang phải vất vả để trả tiền vay mua nó. Nếu được, hãy đưa mọi thứ về chế độ tự động, như tự động thanh toán các hóa đơn khi đến hạn, tự động đặt ra kế hoạch ngân sách hàng tháng để bạn làm theo nhằm tránh trường hợp “vung tay quá trán”.

Với số tiền tiết kiệm được từ thực hành tối giản tài chính, bạn có thể đầu tư để gia tăng tài sản, trang bị cho bản thân các kiến thức cần thiết để gia tăng thu nhập hay đơn giản là đôi khi tự thưởng cho bản thân một chuyến du lịch để khám phá thế giới.

3 thoughts on “Tối giản tài chính là gì? Làm thế nào để trở thành một người tối giản tài chính?

  1. Pingback: Đây là hành động quan trọng nhất bạn cần phải làm để cải thiện tình hình tài chính cá nhân trong năm 2020 – Sodu

  2. Pingback: Nếu có 6 dấu hiệu sau đây, bạn đang quản lý tài chính cá nhân sai cách – Sodu

  3. Pingback: Đây là 3 điều quan trọng nhất bạn cần làm với tiền của mình trong đại dịch Covid-19 – Sodu

Leave a Reply

%d bloggers like this: