Trước đây, Sodu đã đăng tải bài viết phân tích chỉ ra những điểm đáng ngờ cho thấy SkyWay lừa đảo, là một hình thức Ponzi, từ đó khuyên các nhà đầu tư đề phòng, không nên bỏ tiền vào dự án này. Mới đây, VTV24 và nhiều trang thông tin khác cũng đưa ra những cảnh báo tương tự đối với Skyway.
Tuy nhiên, đội ngũ môi giới Skyway vẫn không chấp nhận sự thật này, và luôn cố gắng đưa ra thêm một số quan điểm để bảo vệ SkyWay. Do đó, trong bài viết này, Sodu sẽ tiếp tục phân tích các quan điểm này, để đi đến kết luận cuối cùng về SkyWay xem SkyWay có lừa đảo không.
Đọc bài viết gốc: Cảnh giác với chiêu lừa đảo đầu tư của Skyway Capital – mô hình đa cấp Ponzi Scheme kiểu mới?
1. “SkyWay bán cổ phần, không phải cổ phiếu”
Đây là một luận điểm mà môi giới SkyWay đưa ra. Nhưng trên thực tế, điều này lại càng chứng minh cho sự thiếu hiểu biết về đầu tư tài chính, mà chỉ ham lợi nhuận của những cá nhân này.

Về bản chất thì cổ phần là quyền sở hữu một phần công ty của cổ đông, được thể hiện qua cổ phiếu là chứng chỉ do doanh nghiệp phát hành hoặc là bút toán (entry) trong sổ sách kế toán của công ty đó. Tức là cổ phần là nội dung còn cổ phiếu là hình thức chứ không phải hai hình thức đầu tư khác nhau.

2. “Đối thủ cạnh tranh/Trung Quốc làm video nói xấu SkyWay”
Một số cá nhân trong cộng đồng SkyWay đưa ra “thuyết âm mưu” cho rằng SkyWay đang bị các đối thủ cạnh tranh, cụ thể là Trung Quốc, nói xấu vì lo ngại sẽ bị mất các dự án do SkyWay vượt trội hơn.

Tuy nhiên, suy nghĩ này là hoàn toàn không có cơ sở, thậm chí có thể nói là hoang tưởng.
Đầu tiên, phải khẳng định rằng bản thân Sodu không hề nhận được tiền hay quyền lợi gì từ bất kỳ bên nào để “nói xấu” SkyWay như những cá nhân này suy diễn. Do đó, mọi phân tích về SkyWay của Sodu đều mang tính chất khách quan, dựa trên thực tế. Minh chứng cho điều đó là đội ngũ môi giới SkyWay không thể phản biện lại chi tiết một luận điểm nào trong phân tích trước đây của Sodu mà chỉ có thể đưa ra những cáo buộc vô căn cứ như trên. Ngược lại, động cơ của những người tham gia môi giới mới là thứ đáng nghi ngờ, khi họ nhận được một số tiền hoa hồng cực lớn từ SkyWay khi mời gọi đầu tư, do đó họ sẵn sàng ca ngợi SkyWay lên tận mây xanh.

Đồng thời, chúng ta cũng không nên vì thành kiến nặng nề với người Trung Quốc mà phủ nhận khả năng của họ. Nên nhớ, chính người Trung Quốc đã đi đầu trong việc xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao rộng khắp đất nước, giúp cho hàng trăm triệu người di chuyển mỗi năm. Tốc độ của những đoàn tàu này cũng thuộc dạng nhanh nhất thế giới. Việc các dự án thi công đường sắt tại Việt Nam đội vốn và chậm tiến độ có một phần nguyên nhân rất lớn từ công tác giải phóng mặt bằng cũng như quá trình phối hợp giữa chủ đầu tư nhà nước và nhà thầu thi công. Do đó, không chỉ các dự án Trung Quốc triển khai như tuyến Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ và đội vốn, mà các tuyến do Nhật Bản triển khai như Bến Thành – Suối Tiên cũng trong tình trạng tương tự, thậm chí còn trầm trọng hơn. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, thứ mà SkyWay gọi là “công nghệ” thực tế chưa ai kiểm chứng, vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, thậm chí không chắc có thực sự tồn tại chứ chưa nói tới khả năng ứng dụng trên diện rộng.

3. “SkyWay là công ty khởi nghiệp, do đó không cần kiểm toán“
Đây là lí do môi giới đưa ra để bao biện cho việc SkyWay không có đơn vị kiểm toán cho báo cáo tài chính của mình. Tuy nhiên, họ không hiểu rằng việc được các đơn vị uy tín như Big 4 kiểm toán là bắt buộc để đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi của nhà đầu tư khi một công ty chào bán chứng khoán ra công chúng hay gọi vốn cộng đồng.
Ví dụ vui vẻ, giả dụ Sodu cũng là công ty khởi nghiệp (mới bắt đầu được 1 năm), ngày mai đội ngũ Sodu cũng quyết định gọi vốn để mở rộng. Tuy nhiên, do không có tiền thuê các đơn vị tư vấn uy tín định giá (công ty khởi nghiệp mà) nên đội ngũ Sodu cũng quyết định tự định giá là 500 tỷ đô, cũng hợp lý vì công ty cũng hoạt động dựa trên công nghệ và môi trường Internet, cũng giống Google với Facebook mà, đúng không? Lỡ có thuộc top các công ty giá trị nhất thế giới thì cũng không sai vào đâu được.

Trên thực tế, chắc chắn các môi giới cũng như SkyWay không có kiến thức về quá trình huy động vốn của các công ty, hay cách thức hoạt động của các nhà đầu tư / quỹ đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt là về mặt đánh giá một khoản đầu tư. Lấy ví dụ trong trường hợp của Facebook như ảnh trên (đây cũng là một công ty mà các môi giới SkyWay rất thích đem ra làm hình mẫu theo tư duy “cứ bỏ tiền vào là giàu”): Facebook phải trải qua nhiều vòng gọi vốn vớn quy mô lớn dần, và luôn có sự xuất hiện của quỹ đầu tư lớn ở giai đoạn sau, nhưng đi kèm với những mục tiêu tăng trưởng rõ ràng. Đồng thời, các quỹ này luôn có quá trình thẩm định “due diligence” gắt gao, thường thực hiện cùng các công ty kiểm toán như Big 4 (gồm Deloitte, EY, KPMG và PwC) để xác định một cách chính xác giá trị của công ty trước khi ra quyết định có rót vốn hay không.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên cảnh giác khi gần đây SkyWay đã có những động thái lấp liếm thực tế này, bằng cách công bố một số báo cáo “được kiểm toán”. Tuy nhiên, các công ty kiểm toán này không hề có uy tín, thậm chí khi tìm kiếm thêm thông tin về những công ty kiểm toán này thì chỉ có trên trang web của SkyWay. Như vậy cần đặt ra câu hỏi liệu đó có phải các công ty ma chỉ được lập ra để SkyWay tiếp tục đánh lừa dư luận hay không?
4. “Hoa hồng có gì là sai? Bán bảo hiểm, bất động sản hay bán hàng trong siêu thị cũng có hoa hồng đấy thôi?”
Nghe qua luận điểm này thì rất hợp lý, nhưng lại không phải như vậy. Chẳng hạn, với lĩnh vực siêu thị, các doanh nghiệp phải vận hành một hệ thống địa điểm, kho bãi, nhân viên, vận chuyển cực lớn để phân phối hàng hóa, do đó việc họ nhận được một khoản (thường ở mức 20-30%) từ các doanh nghiệp sản xuất là hợp lý. Tuy nhiên, trong hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp hay môi giới chứng khoán, các bên hỗ trợ chỉ nhận được một phần rất nhỏ, chứ mức hoa hồng không lên tới 30% như trường hợp SkyWay. Chẳng hạn, các ngân hàng đầu tư (investment bank) khi thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp IPO thường chỉ nhận được mức phí dịch vụ 1% tổng số vốn, trong khi họ cũng phải vận hành một hệ thống văn phòng và đội ngũ cực chuyên nghiệp đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Hay khi bạn giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam, môi giới sẽ chỉ nhận một phần hoa hồng nhỏ trên mức phí 0,15% – 0,3% mỗi giao dịch.
Thử đưa ra một phép toán đơn giản như sau: Skyway nhận 1 tỷ đô từ các nhà đầu tư, nhưng lại chia cho môi giới 30%. Như vậy SkyWay chỉ nhận được thực 700 triệu, trong đó còn phải trả cổ tức các năm sau cho số tiền đó, vị chi mất tiền tận 2 lần? Nếu vay ngân hàng 1 tỷ đô mức lãi 3% ở các nước phát triển trong 10 năm thì vẫn nhận đủ 1 tỉ đô, và sau 10 năm mới phải trả số lãi 300 triệu, trong khi tỉ lệ sở hữu còn nguyên và không phải trả thêm cổ tức cho bất kì ai? Cái nào lợi hơn?

Thêm vào đó, điều khiến SkyWay lộ mặt đa cấp lừa đảo là cơ chế chia hoa hồng theo kim tự tháp, thứ vốn không tồn tại ở hoa hồng các lĩnh vực khác.
5. “Không đầu tư SkyWay là bọn bần nông, ít học, không có tư duy làm chủ, mãi mãi nghèo”
Nếu như đa cấp là một môn học có sách giáo khoa, thì mẫu câu kinh điển trên xứng đáng được đưa vào trang đầu tiên. Hết vụ lừa đảo này đến vụ lừa đảo khác, đội ngũ làm đa cấp vẫn chăm chỉ nhai đi nhai lại câu nói này mà chưa biết mệt.
Đọc thêm: Nhận diện đa cấp, lừa đảo thông qua những câu nói kinh điển (kèm hình ảnh minh họa)

Chắc không cần phải nói nhiều về luận điểm này của môi giới SkyWay, vì nếu thế thì họ đã nằm hết trong danh sách tỉ phú, triệu phú đô la trong khi mọi người khác, như ngay cả ông Phạm Nhật Vượng hay bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đang gặt lúa rồi.
6. “Ông chủ SkyWay lộ mặt, nên chắc chắn là không lừa đảo”
Đội ngũ tín đồ của SkyWay cho rằng, vì ông chủ của SkyWay xuất hiện trước truyền thông, nên đây không thể là một dự án lừa đảo được. Còn không có thành viên nào của Sodu xuất hiện trong video phân tích nên chắc chắn những lập luận của Sodu là không có giá trị, hay nói cách khác là ném đá giấu tay.



Tuy nhiên, suy nghĩ này phạm phải một lỗi ngụy biện tối cơ bản, đó là “công kích cá nhân” (ad hominem). Thay vì tập trung vào các luận điểm chứng minh SkyWay lừa đảo, đội ngũ SkyWay lại chĩa mũi dùi vào người phân tích. Tuy nhiên, điều này cũng không chứng minh được gì, khi mà trong các vụ lừa đảo khác như Sky Mining, ông chủ đường dây này vẫn luôn xuất hiện rất rùm beng, nhưng khi dự án sập thì đã nhanh chân tháo chạy sang Mỹ, bỏ mặc những người tham gia mất tiền nhưng không biết kêu ai. Hay đội ngũ đa cấp luôn có kịch bản “ve sầu thoát xác” quen thuộc mỗi khi một dự án sập: xóa hết các kênh liên lạc và group cộng đồng, tạm lánh, đổi số điện thoại nhưng không lâu sau sẽ quay lại với những dự án lừa đảo mới.

Đọc thêm các bài viết về chủ đề đầu tư trên Sodu.asia:
Làm thế nào để giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ?
Những dấu hiệu lừa đảo của FutureNet – đọc ngay trước khi bạn trở thành nạn nhân!
Mô hình Ponzi là gì? Những dấu hiệu nhận biết chiêu trò lừa đảo theo mô hình Ponzi
Pingback: Cảnh giác với chiêu lừa đảo đầu tư của Skyway Capital – mô hình đa cấp Ponzi Scheme kiểu mới? – Sodu