Nhận diện đa cấp, lừa đảo thông qua những câu nói kinh điển (kèm hình ảnh minh họa)

Đa cấp, lừa đảo là một vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam hiện tại, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, bởi nền tảng kiến thức của đa phần người Việt Nam còn thấp, khiến họ trở thành con mồi ngon trong mắt những kẻ cầm đầu hệ thống đa cấp và lừa đảo. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng để dụ dỗ và lôi kéo một lượng lớn người đi theo, chúng cũng sở hữu khả năng thuyết phục khá mạnh mẽ.

Do đó, trong bài viết này, Sodu.asia sẽ tổng hợp những câu nói kinh điển đến mức trở thành thương hiệu, thường xuyên được những tên đa cấp và lừa đảo sử dụng. Nếu bạn nghe thấy những câu nói này, thì hãy đề cao cảnh giác ngay lập tức để tránh trở thành nạn nhân của đa cấp và lừa đảo nhé.

“Đây là công nghệ tiên tiến của thế giới, cách mạng 4.0, doanh nghiệp của tương lai”

Những doanh nghiệp thành công trên thế giới như Apple, Amazon, Google, Facebook đều có được vị thế ngày hôm nay nhờ việc thay đổi cách thế giới vận hành theo một khía cạnh nào đó. Như Apple cách mạng hóa chiếc điện thoại di động, Amazon thay đổi cách mọi người mua sắm, Google thay đổi cách mọi người tìm kiếm thông tin, Facebook thay đổi cách mọi người kết nối với nhau. Những doanh nghiệp này đã giúp những nhà sáng lập và những nhà đầu tư sớm vào chúng gia tăng tài sản một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp này cũng rất được đội ngũ đa cấp, lừa đảo ưa thích và thường xuyên đem ra làm ví dụ với những lập luận mang tính “lập lờ đánh lận con đen”. Chúng thường quảng cáo một vụ lừa đảo với những từ ngữ mỹ miều về các loại công nghệ tiên tiến trên thế giới, có thể đem lại một cuộc cách mạng và có thể làm nhà đầu tư giàu có như Apple, Amazon, Google, Facebook đã từng làm. Chẳng hạn, với Orius Capital là công nghệ giao dịch tự động dự trên dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI), hay với Skyway là công nghệ vận tải thế hệ mới, hay FutureNet vừa là mạng xã hội, hệ thống quảng cáo trực tuyến, vừa là đồng tiền ảo, ví tiền điện tử và dịch vụ lưu trữ đám mây cùng lúc.

Tuy nhiên, trên thực tế những doanh nghiệp mà đội ngũ đa cấp, lừa đảo không hề sở hữu một công nghệ nào cả, mà đa phần chỉ là lấy tiền người sau trả cho người trước theo mô hình Ponzi cho đến khi hệ thống sập. Chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết chuyên môn về các công nghệ phức tạp của số đông và lòng tham mong muốn làm giàu nhanh của họ để trục lợi cho mình.

Đồng thời, hành trình đi tới thành công của những Apple, Amazon, Google, Facebook cũng trải qua một quãng thời gian dài và nhiều khó khăn, đồng thời có sự tham gia hỗ trợ của các định chế tài chính, các quỹ đầu tư lớn và phải đạt được những mục tiêu rõ ràng, chứ không phải cứ lên mạng kêu gọi to là chắc chắn thành công.

“Đúng là cả đời chỉ biết làm thuê, phải nghe tao/anh/chị/em để làm chủ”

Theo như tư duy của những thành viên của đội ngũ đa cấp thì đều là dân nghèo và ngu hơn chúng, và cả đời sẽ phải chịu thân phận thấp kém. Còn những kẻ cầm đầu đường dây đa cấp như chúng mới là những “người làm chủ” với tư duy cấp tiến hơn người.

Tuy nhiên, phải nói rằng làm chủ hay làm công đều không có gì sai, miễn là đó là hình thức kiếm tiền chân chính. Ngay cả những vị trí cao cấp trong những doanh nghiệp lớn như CEO hay Chủ tịch Hội đồng Quản trị thì về bản chất cũng là làm thuê cho cổ đông, hay nếu bạn làm chủ một chuỗi kinh doanh hoặc công ty riêng thì bạn vẫn phải “làm thuê” – đáp ứng những yêu cầu của khách hàng, những người trả tiền cho bạn vậy.

Trên thực tế, khả năng cao là nhiều trong số những kẻ thốt ra câu này cũng chỉ là mắt xích thấp trong hệ thống đa cấp, đã trót bị lừa rồi lún sâu và đang phải gồng gánh để nuôi cấp trên, thế nên phải cố chiêu mộ người mới tham gia để có thể thoát thân. Thật là trớ trêu.

Và một câu hỏi đơn giản là: nếu như cả nước nghe dân đa cấp và lừa đảo để đi làm chủ hết, thì như thế nào?

“Ca sĩ, người nổi tiếng, tỷ phú xyz đã đầu tư”

Còn nhớ khi iFan mới xuất hiện, đội ngũ đa cấp của công ty này liên tục đem hình ảnh của Đàm Vĩnh Hưng cùng một số nghệ sĩ có tiếng khác để làm bằng chứng bảo đảm. Tuy nhiên, sau khi hệ thống iFan sụp đổ, Đàm Vĩnh Hưng và các nghệ sĩ này nhanh chóng lên tiếng phủ nhận sự liên quan của mình tới những dự án này.

Trên thực tế, nghệ sĩ thường được thuê quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ, sự kiện theo hợp đồng truyền thông, chứ họ gần như không có một chút trách nhiệm nào để đảm bảo chất lượng của chúng. Đơn cử, những vụ việc người mẫu, diễn viên, ca sĩ bán mỹ phẩm kém chất lượng, không được cơ quan y tế kiểm chứng không phải là hiếm.

Nguy hiểm hơn, đôi khi đội ngũ đa cấp lừa đảo còn tung ra những tin đồn không có thật về một nhân vật có tiếng nào đó ủng hộ chúng, như trong trường hợp này là tỷ phú Phạm Nhật Vượng của tập đoàn Vingroup, hay thậm chí dựng nên những nhân vật ảo như “Tỷ phú Hỷ” để lừa những người nhẹ dạ cả tin.

Nếu phân tích kĩ hơn, đây chính là một loại ngụy biện có tên là “appeal to authority” – thay vì phân tích tính đúng sai của một vấn đề theo logic khoa học thì lại suy nghĩ rằng vì người này hay người kia làm điều đó nên nó chắc chắn phải đúng.

“Chia sẻ cơ hội cho mọi người cùng làm giàu, tích đức để lại cho con cháu”

Có thể nói đội ngũ đa cấp lừa đảo là những tấm gương nhân cách sáng ngời, xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa đạo đức và giáo dục công dân trong trường học. Họ luôn có những mục tiêu cao cả như mong muốn làm cho con người, đất nước Việt Nam giàu có hơn, hoàn toàn lờ đi chuyện mình ăn hoa hồng theo hệ thống ra sao. Còn trong mắt họ, tất cả những ý kiến phân tích mang tính phản biện, dù có lập luận chi tiết đến đâu, cũng chỉ là những hành động “thất đức”, “tạo nghiệp” đáng khinh.

Hẳn là Alibaba với giọng điệu làm giàu quen thuộc

Thật khó hiểu khi đất nước ta có nhiều cá nhân có tâm huyết, ngày nào cũng lên mạng giới thiệu những cơ hội đầu tư làm giàu chắc ăn và nhanh chóng như vậy mà vẫn chưa sánh ngang các cường quốc năm châu. Nếu như những gì họ nói là đúng thì người Việt Nam bây giờ chắc phải giàu nhất thế giới, và số tỷ phú đô la không chỉ đếm trên đầu ngón tay như hiện tại.

Subscribe kênh YouTube của Sodu để cập nhật video mới về tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư mỗi tuần: https://bit.ly/2H6ubT7

Like fanpage Facebook của Sodu.asia: www.facebook.com/sodu.asia

“Đầu tư phải có rủi ro, phải có niềm tin, dám làm dám chịu”

Câu nói này thấy thường xuyên hơn khi mà phường đa cấp và lừa đảo bắt đầu bị phản biện. Và do không có nền tảng thực tế vững chắc mà toàn những lời lẽ bơm thổi, nên chúng không thể đưa ra những phản biện khách quan và dựa trên số liệu chính xác. Vì thế, chúng đành phải bấu víu vào những yếu tố mơ hồ như niềm tin, theo suy nghĩ “cứ tin đi rồi sẽ thành công”.

Trên thực tế, nếu chỉ cần có niềm tin là đầu tư thành công thì mọi người đều đã thành tỷ phú, vì ai cũng có thể tin do làm vậy hoàn toàn miễn phí, chứ không có chuyện vô số người mất tiền cho đa cấp hay tới 95% nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường chứng khoán. Để thành công trong đầu tư, bạn cần phải có nền tảng kiến thức vững chãi, một tinh thần kỉ luật tốt và kinh nghiệm với thị trường.

Sai chính tả, chửi đổng theo bầy đàn và đe dọa hành hung

Có thể nói sai chính tả đã trở thành bản sắc của đội ngũ đa cấp lừa đảo.

Nguyên nhân lý giải cho điều này có lẽ là do chỉ những người có nền tảng văn hóa và học vấn ở mức kém mới bị lôi kéo vào đường dây đa cấp, lừa đảo. Và thật khó tin khi một người không thể viết nổi một câu trọn vẹn, đúng ngữ pháp bắt đầu nói về những cơ hội đo đếm bằng triệu đô, tỷ đô đúng không nào?

Bên cạnh đó, do không có nền tảng văn hóa và học vấn tốt, nên những kẻ này không thể tranh luận một cách khoa học và dễ bị đuối lý. Một khi đã đuối lý, thì do chịu áp lực phải chiêu mộ cấp dưới, chúng sẽ nhanh chóng mất bình tĩnh. Nhẹ thì chúng dùng những ngôn từ để thóa mạ những ai có ý kiến phản đối. Nặng thì chúng bắt đầu có hành vi đe dọa hành hung.

Đọc thêm các bài viết về chủ đề đầu tư trên Sodu.asia:

Cảnh giác với chiêu lừa đảo đầu tư của Skyway Capital – mô hình đa cấp Ponzi Scheme kiểu mới?

Những dấu hiệu lừa đảo của FutureNet – đọc ngay trước khi bạn trở thành nạn nhân!

Mô hình Ponzi là gì? Những dấu hiệu nhận biết chiêu trò lừa đảo theo mô hình Ponzi

Liệu Libra có trở thành Bitcoin mới? Tất tần tật những điều bạn cần biết về đồng tiền mã hóa của Facebook

This entry was posted in Uncategorised and tagged .

4 thoughts on “Nhận diện đa cấp, lừa đảo thông qua những câu nói kinh điển (kèm hình ảnh minh họa)

  1. Pingback: SkyWay có lừa đảo không? Đầu tư vào SkyWay có mất tiền không? (phần 2) – Sodu

  2. Pingback: Winsbank là gì? Winsbank có lừa đảo không? Cơ hội ngàn năm có một hay bánh vẽ? – Sodu

  3. Pingback: AI Marketing là gì? INB Network là gì? Có phải đa cấp, lừa đảo? (phần 1)

  4. Pingback: Infina là gì? Infina có lừa đảo? Có nên đầu tư với Infina? - Sodu

Leave a Reply

%d bloggers like this: