Đối với nhiều người, nhận được khoản tiền lương thực thụ đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học là một cột mốc đáng nhớ. Có thể bạn đã lên sẵn một danh sách những món đồ mà bạn sẽ mua ngay lập tức với số tiền này. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ muốn giữ lối sống của một sinh viên đại học nghèo thêm một vài năm nữa. Thậm chí, đến cả tỷ phú Mark Cuban, nhà đầu tư kỳ cựu trong chương trình Shark Tank phiên bản Mỹ cũng ủng hộ điều này. Tại sao ư? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn lý do.
1. Mức lương của bạn sẽ không như kỳ vọng
Sau khi tốt nghiệp đại học, thường bạn sẽ có một vị trí khởi điểm mà mức lương không cao như bạn mong muốn. Không ít người gặp khó khăn để có đủ tiền trang trải giữa hai kì lãnh lương. Bên cạnh đó, có thể bạn cũng sẽ bất ngờ về mức lương mà bạn thực nhận. Bạn sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân và phải đóng các loại bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.
Đây là lý do mà bạn cần cẩn trọng hơn khi lập ngân sách, bởi việc hạn chế chi tiêu từ sớm sẽ dễ dàng hơn là sau khi bạn đã quen tay tiêu những khoảng lớn. Lúc này, nếu tiếp tục lối sống không cần tới nhiều tiền như khi bạn còn đi học, bạn sẽ không bị rơi vào tình trạng thiếu tiền và có thể bắt đầu tiến tới những mục tiêu tài chính lớn hơn.

2. Bạn phải chịu trách nhiệm nhiều hơn với cuộc sống của mình
Sau khi tốt nghiệp và có được công việc đầu tiên, khả năng cao là mọi sự trợ giúp về mặt tiền bạc từ gia đình bạn cũng sẽ chấm dứt. Những ai sống với gia đình trong quãng thời gian đi học có thể sẽ cảm thấy lúng túng khi phải trả tiền thuê nhà và các tiện ích như điện nước. Bên cạnh đó, có thể bạn sẽ cần tới tiền cho những khoản chi tiêu mà trước nay bạn chưa từng nghĩ tới như bảo hiểm. Sẽ có nhiều khoản tiền tưởng như lặt vặt nhưng nếu cộng lại, chúng sẽ tốn của bạn một phần kha khá.
Khi nhận được công việc đầu tiên, có thể bạn sẽ muốn ăn nhà hàng thường xuyên hơn hay mua những bộ đồ đi theo xu hướng. Tuy nhiên, hãy thử đợi một thời gian, thường là vài tháng, để xem có loại chi phí nào phát sinh mà bạn không ngờ tới trước đó xuất hiện không. Chẳng hạn, bạn sẽ bất ngờ khi nhìn vào sự biến động của hóa đơn tiền điện vào cao điểm mùa nóng hoặc mùa lạnh.
3. Hạn chế chi tiêu giúp bạn có sự chuẩn bị tốt về mặt tài chính
Những thói quen hình thành sau khi bạn nhận khoản lương đầu tiên sẽ định hình lối sống trong suốt phần đời còn lại của bạn. Dù bạn có thể thay đổi chúng, nhưng sẽ dễ dàng hơn nếu làm đúng ngay từ đầu. Như vậy, bạn sẽ không phải mất thời gian sửa chữa những sai lầm tài chính đã phạm phải, và tập trung cho việc đạt được các mục tiêu lớn.
Hãy vạch ra một kế hoạch với những mục tiêu cụ thể trong tương lai. Bạn có thể bắt đầu bằng việc để dành tiền cho một quỹ khẩn cấp, rồi sau đó là khoản tiền trả trước cho căn nhà của bạn. Tập trung vào việc xây dựng tài sản từ sớm có thể đặt vào một vị thế tương đối thoải mái khi bạn gần đến tuổi nghỉ hưu. Hãy bắt tay vào việc xây dựng những thói quen tài chính tốt ngay từ bây giờ.
Pingback: Tỷ phú Mark Cuban: “Tôi thà có chuối thay vì bitcoin” – Sodu
Pingback: Tại sao theo đuổi chủ nghĩa tối giản đôi khi có thể ảnh hưởng xấu tới tài chính cá nhân của bạn? – Sodu
Pingback: Tặng quà miễn phí, giảm giá ảo, tạo sự khan hiếm: 18 chiêu trò kích thích mua sắm được áp dụng bởi các doanh nghiệp – Sodu
Pingback: Tối giản tài chính là gì? Làm thế nào để trở thành một người tối giản tài chính? – Sodu