Hiểu đúng về rủi ro và cơ hội trong đầu tư để ra quyết định chính xác

Nhiều người trong số chúng ta đầu tư dựa theo cảm tính mà không nắm rõ bản chất của việc này, dẫn đến những quyết định sai lầm. Trên thực tế, bất kể là loại hình đầu tư nào cũng luôn gắn liền với cơ hội và rủi ro, và bạn sẽ phải cân nhắc giữa hai yếu tố này khi đưa ra quyết định của mình. Do đó, hiểu rõ mối quan hệ giữa chúng là vô cùng cần thiết trong việc xây dựng phương pháp đầu tư của bạn.

Rủi ro đi kèm

Mọi khoản đầu tư đều đi kèm với một mức độ rủi ro nhất định. Nguyên tắc phổ biến mà mọi người thường đề cập đến là “mức độ rủi ro càng cao, cơ hội lợi nhuận càng hấp dẫn”. Tuy nhiên, nguyên tắc này trên thực tế chưa đầy đủ. Bạn cần biết đến một vế sau nữa: “mức độ rủi ro càng cao, cơ hội lợi nhuận càng hấp dẫn đồng thời khả năng đạt được mức lợi nhuận đó càng thấp.”

Để hiểu rõ mối tương quan của hai yếu tố này, bạn cần nắm rõ khả năng chịu đựng của bản thân trong đầu tư, cũng như đo lường một cách chính xác mức độ rủi ro của từng cổ phiếu hay khoản đầu tư.

Các khoản đầu tư thường có mức độ rủi ro cao hơn là một tài khoản tiết kiệm thông thường, và nếu lựa chọn chúng bạn sẽ phải đối mặt với các trường hợp sau:

  • Mất vốn: một vài cổ phiếu đơn lẻ hay các loại trái phiếu lợi suất cao không tài sản đảm bảo có thể khiến bạn mất toàn bộ số vốn ban đầu của mình.
  • Không theo kịp lạm phát: giá trị khoản đầu tư của bạn có thể sẽ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của giá cả các mặt hàng khác.
  • Thấp hơn kỳ vọng: Khoản đầu tư của bạn có thể sẽ không tạo ra mức lợi nhuận như bạn kỳ vọng đủ để trang trải các nhu cầu của bản thân như nghỉ hưu.
  • Trả phí cao: Người đầu tư vào các loại quỹ với mức phí cao sẽ bị ảnh hưởng tới mức lợi nhuận của khoản đầu tư.

Mức độ rủi ro

Hãy cùng xem xét 3 khoản đầu tư phổ biến với nhà đầu tư cá nhân: cổ phiếu, trái phiếu và quỹ tương hỗ. Một khoản đầu tư có thể đi kèm với nhiều rủi ro hơn khoản đầu tư còn lại, và trong mỗi khoản đầu tư, mức độ rủi ro cũng có sự đa dạng.

Nhiều người có cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình, và lí do cho điều này cũng khá hợp lý. Lấy ví dụ thị trường chứng khoán Mỹ từ thời điểm năm 1926 tới nay đã đem lại mức lợi nhuận bình quân 10%, một mức lợi nhuận rõ ràng là hấp dẫn hơn các khoản đầu tư ít rủi ro hơn như trái phiếu.

Tuy nhiên, bạn cũng phải cẩn trọng với cổ phiếu. Bạn có thể chọn mua cổ phiếu blue chip của các công ty lớn vốn thường có mức giá ổn định và trả cổ tức đều đặn. Ngược lại, nếu đầu tư vào các công ty nhỏ như các cổ phiếu penny (hoặc còn được gọi là cổ phiếu “trà đá”) bạn sẽ phải đối mặt với mức độ biến động giá lớn và thậm chí là nguy cơ mất phần lớn khoản đầu tư của mình.

Một cách phổ biến để phòng ngừa rủi ro từ cổ phiếu, đó là đầu tư một phần tài sản của bạn vào các loại trái phiếu. Trái phiếu về bản chất là bạn đang cho doanh nghiệp hoặc chính phủ vay tiền. Về cơ bản, trái phiếu sẽ an toàn hơn cổ phiếu. Dù vậy thị trường Việt Nam hiện nay chưa có một đơn vị xếp hạng tín dụng doanh nghiệp phát hành trái phiếu, do đó mức độ rủi ro của trái phiếu vẫn còn tương đối cao so với các thị trường phát triển với các đơn vị như Moody’s hoặc Standard & Poor’s.

Khoản đầu tư còn lại, quỹ tương hỗ, được nhiều nhà đầu tư lựa chọn vì chúng được quản lý bởi các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp và do đó nhà đầu tư không phải lo lắng theo dõi biến động thị trường. Quỹ tương hỗ giống như một giỏ các loại cổ phiếu và trái phiếu, và khi bạn mua chứng chỉ quỹ bạn cũng hưởng lợi một cách gián tiếp mức lợi nhuận mà chúng đem lại.

Các quỹ khác nhau có mức độ rủi ro khác nhau. Một vài quỹ chuyên nắm giữ cổ phiếu các doanh nghiệp lớn, nhưng cũng có một số nắm giữ một phần cổ phiếu các doanh nghiệp lớn và một phần các doanh nghiệp nhỏ. Dù rằng quỹ tương hỗ không phải 100% an toàn, bạn có thể dùng nó để dự phòng các rủi ro từ thị trường.

Các câu hỏi khi đầu tư

Đa số mọi người thường tư duy về rủi ro theo một hướng: Xác suất mất tiền là bao nhiêu? Suy nghĩ này có phần một chiều. Khi đánh giá một khoản đầu tư, hãy tự hỏi bản thân những điều sau:

  • Liệu khoản đầu tư của tôi có bị mất? (bảo toàn vốn hay tăng trưởng tài sản quan trọng hơn)
  • Tôi có đạt được mục tiêu đầu tư của mình không? (có phải bạn đang đầu tư quá ít không)
  • Liệu tôi có sẵn sàng chấp nhận thêm rủi ro để đạt mức lợi nhuận cao hơn? (liệu bạn có phải lo lắng đến mất ngủ vì danh mục của mình hay không)

Hãy cùng đi tìm đáp án cho các câu hỏi này.

Liệu khoản đầu tư của tôi có bị mất?

Bạn có thể lựa chọn các khoản đầu tư mà đảm bảo rằng bạn sẽ không mất tiền, nhưng đồng thời bạn cũng đánh đổi cơ hội kiếm được lợi nhuận. Chẳng hạn bạn có thể gửi tiền ở các ngân hàng với bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên mức lãi suất mà các ngân hàng đưa ra nếu đem so với mức lạm phát thì bạn sẽ thấy đôi khi mức tăng trưởng tài sản của bạn chỉ là rất nhỏ.

Tôi có đạt được mục tiêu đầu tư của mình không?

Những yếu tố quyết định việc bạn có đạt được mục tiêu đầu tư hay không bao gồm: số tiền đã đầu tư, quãng thời gian đầu tư, mức lợi nhuận, các loại thuế, phí và lạm phát. Nếu như bạn không muốn quá nhiều rủi ro, có thể mức lợi nhuận của bạn sẽ thấp hơn, nhưng bạn có thể gia tăng số tiền đầu tư và quãng thời gian đầu tư để bù lại.

Liệu tôi có sẵn sàng chấp nhận thêm rủi ro?

Mọi nhà đầu tư đều cần phải xác định khẩu vị rủi ro của bản thân để từ đó xây dựng một chiến lược đầu tư phù hợp. Một danh mục với mức độ rủi ro cao có thể đem lại mức lợi nhuận cao nhưng cũng có thể dẫn đến khoản lỗ lớn.

Trên thực tế, không có một mức độ rủi ro đúng hay sai nào, mà đây là một quyết định cá nhân của mỗi nhà đầu tư. Nhìn chung các nhà đầu tư trẻ có thể chấp nhận mức rủi ro cao hơn các nhà đầu tư lớn tuổi, vì họ có nhiều thời gian để phục hồi. Nếu bạn gần đến tuổi hưu, bạn không nên quá mạo hiểm với khoản đầu tư của mình.

Kết luận

Nhà đầu tư có thể kiểm soát một phần rủi ro thông qua sự kết hợp của cổ phiếu và trái phiếu. Các chuyên gia đồng ý rằng một danh mục với tỉ trọng cổ phiếu lớn hơn có mức độ rủi ro cao hơn một danh mục với tỉ trọng trái phiếu lớn hơn.

Rủi ro là một phần tự nhiên của đầu tư. Nhà đầu tư cần xác định mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro của bản thân để xây dựng một danh mục và kỳ vọng phù hợp.

9 thoughts on “Hiểu đúng về rủi ro và cơ hội trong đầu tư để ra quyết định chính xác

  1. Pingback: Tại sao 95% nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường chứng khoán? – Sodu

  2. Pingback: Tỷ phú Mark Cuban: “Tôi thà có chuối thay vì bitcoin” – Sodu

  3. Pingback: Orius Capital là gì? Orius Capital có lừa đảo không? Có nên đầu tư vào Orius Capital – Sodu

  4. Pingback: "Chúng tôi đã bỏ lỡ nó": Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett thừa nhận sai lầm khi không đầu tư vào cổ phiếu này – Sodu

  5. Pingback: Đây là 4 cổ phiếu bạn nên mua và nắm giữ tới năm 2030, theo nhà quản lý quỹ với thành tích vượt trội 99% đồng nghiệp trong một thập kỷ – Sodu

  6. Pingback: Có phải phương pháp đầu tư của Warren Buffett đã hết thời? – Sodu

  7. Pingback: 4 nguyên tắc đầu tư của Warren Buffett khi thị trường đi xuống – Sodu

  8. Pingback: Đây là 3 điều quan trọng nhất bạn cần làm với tiền của mình trong đại dịch Covid-19 – Sodu

  9. Pingback: 7 sai lầm trong giao dịch – đầu tư chứng khoán gần như ai cũng mắc phải, nhưng bạn hoàn toàn có thể tránh được – Sodu

Leave a Reply

%d bloggers like this: