6 chỉ số tài chính cá nhân bạn cần luôn nắm rõ trong lòng bàn tay để trở nên giàu có

Hãy tưởng tượng bạn đang chuẩn bị tham gia một cuộc thi chạy marathon. Bạn không thể tự dưng một ngày ra khỏi giường và hoàn thành mức 42km. Bạn cần có một kế hoạch từng bước, đặt mục tiêu cụ thể, và cùng với đó là đo lường những chỉ số để biết rằng mình đang cải thiện mỗi ngày: số phút bạn cần để chạy 1km (pace), thành tích cá nhân (personal record), nhịp tim (heart rate),…

Quá trình đạt được sự giàu có cũng tương tự như cuộc chạy marathon vậy. Bạn cũng cần có kế hoạch từng bước, mục tiêu cụ thể và những chỉ số để biết rằng mình đang cải thiện mỗi ngày. Dưới đây là 6 chỉ số sẽ giúp bạn làm điều đó.

1. Mức thu nhập

Đây có lẽ là chỉ số tài chính cá nhân cơ bản nhất mà bạn có thể đã biết: mỗi tháng bạn đem về nhà bao nhiêu tiền? Nếu như bạn có một công việc theo nghĩa thông thường, chỉ số này có lẽ sẽ ổn định và dễ tính toán. Tuy nhiên, nếu bạn là một doanh nhân khởi nghiệp hay một người làm nghề tự do, xác định mức thu nhập sẽ khó khăn hơn đôi chút. Mức thu nhập càng cao đồng nghĩa với việc bạn có thể đạt được mục tiêu tài chính cá nhân nhanh chóng hơn.

Bạn nên theo dõi mức thu nhập của bản thân theo thời gian. Nếu như thu nhập của bạn không tăng, hay thậm chí là giảm sút, đó là lúc cần tìm hiểu lý do. Có thể bạn sẽ cần quyết định chuyển sang một bộ phận khác, hoặc thậm chí là thay đổi công ty. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể phải cân nhắc tạo ra các nguồn thu nhập mới.

2. Mức chi tiêu

Nếu bạn thường xuyên rơi vào tình trạng kẹt tiền trước khi đến ngày nhận lương, khả năng là bạn đang không biết cách quản lý những khoản chi tiêu của mình.

Bước đầu tiên để quản lý chi tiêu một cách hiệu quả là bắt đầu theo dõi chúng và xác định bạn đã dành tiền cho thứ gì, để rồi cắt bỏ những khoản chi không thực sự cần thiết. Một cái bẫy mà không ít người mắc phải, đó là chi tiêu thoải mái hơn khi thu nhập của họ tăng lên. Kết quả là họ chẳng còn chút tiền nào để tiết kiệm hay đầu tư, và ít được phòng vệ trước những rủi ro có thể bất chợt xảy ra.

3. Tỉ lệ tiết kiệm

Nếu như bạn đã thống kê được thu nhập và chi tiêu của mình, thì xác định tỉ lệ tiết kiệm không phải là một điều khó khăn. Giả dụ bạn có thu nhập 20 triệu mỗi tháng và bạn phải tiêu 15 triệu cho các chi phí như nhà cửa, ăn uống, di chuyển, giải trí,… thì tỉ lệ tiết kiệm của bạn sẽ là (20.000.000 – 15.000.000) / (20.000.000) = 25%.

Nếu có thể, bạn nên tiết kiệm ít nhất 15% thu nhập của mình. Nhiều người theo chủ nghĩa tối giản thậm chí có thể đạt tỉ lệ tiết kiệm lên tới 50% thu nhập. Bạn sẽ có nhiều lựa chọn với khoản tiền này: tạo một quỹ khẩn cấp hoặc đầu tư để sản sinh lợi nhuận. Thậm chí nếu đủ số tiền này còn có thể giúp bạn tự tin từ bỏ công việc bạn không thích để khởi nghiệp kinh doanh riêng hoặc nghỉ hưu sớm nữa.

Like Facebook page của Sodu để cập nhật những kiến thức quản lý tiền bạc hiệu quả: https://www.facebook.com/sodu.asia/

4. Tài sản ròng

Đây có lẽ là chỉ số tài chính cá nhân quan trọng bậc nhất, nhưng nhiều người lại không biết đến. Con số tài sản ròng nói lên một cách rất rõ ràng tình trạng tài chính cá nhân hiện tại của bạn. Để tính toán giá trị tài sản ròng của bản thân, trước tiên hãy cộng tất cả các loại tài sản mà bạn sở hữu: tiền, chứng khoán, giá trị nhà, xe,… Sau đó trừ đi những khoản nợ bạn phải trả như nợ thẻ tín dụng, nợ vay mua nhà, vay mua xe. Kết quả thu được chính là con số tài sản ròng của bạn.

Bạn nên lưu ý rằng chỉ số tài sản ròng có thể âm. Trường hợp này khá phổ biến khi bạn vừa vay một khoản lớn như vay mua nhà. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với việc bạn thanh toán bớt nợ cũng như gia tăng số tiền tiết kiệm được từ thu nhập, chỉ số này nên dần cải thiện.

5. Thu nhập thụ động

Thu nhập thụ động được định nghĩa là khoản thu nhập bạn có được mà không phải làm việc, hay nói cách khác là kết quả của việc bạn để tiền tự động sinh sôi.

Đơn giản, nếu bạn sở hữu một hoặc một vài căn hộ cho thuê dài hạn, và số tiền bạn thu về từ người thuê có thể coi là thu nhập thụ động. Tương tự, nếu như bạn đầu tư vào một loại cổ phiếu có trả cổ tức đều đặn hàng năm, thì số cổ tức đó cũng có thể coi là thu nhập thụ động của bạn.

6. Lợi nhuận đầu tư

Cách tốt nhất để giúp cho khoản tiền tiết kiệm của bạn tăng lên là thông qua đầu tư. Bạn có thể gửi tiết kiệm tại ngân hàng, tuy nhiên mức lãi suất tiền gửi có thể sẽ chẳng thấm vào đâu so với mức lạm phát.

Do đó, có thể bạn sẽ mong muốn tìm đến những khoản đầu tư có khả năng đem lại mức lợi nhuận tốt hơn. Về dài hạn, thị trường chứng khoán đã được chứng minh là một khoản đầu tư như vậy, nếu bạn biết cách đầu tư có hiểu biết và kỉ luật. Đồng thời, nên nhớ rằng, tuy chênh lệch trong mức lợi nhuận đầu tư từng năm chỉ vài phần trăm, nhưng với sức mạnh của lãi kép, khác biệt trong dài hạn sẽ là vô cùng đáng kể.

Leave a Reply

%d bloggers like this: