Khi bạn trưởng thành hơn, thứ tự ưu tiên trong cuộc sống của bạn có sự thay đổi. Có thể bạn không còn hào hứng với những cuộc vui thâu đêm như trước, và bắt đầu suy tính cho tương lai của bản thân và gia đình nhiều hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo tương lai đó, việc nhận biết những cạm bẫy tiền bạc cần tránh trong độ tuổi 30 là vô cùng quan trọng.
1. Mua xe đắt tiền
Đừng mua một chiếc xe đắt tiền để tạo ấn tượng với người khác, thậm chí là những người bạn không thích, chỉ vì bạn có thể làm vậy. Chúng ta cần phương tiện di chuyển, nhưng mức giá của chúng thì thật vô vàn. Chính vì thế, bạn cần có quyết định chi tiêu hợp lý. Một chiếc xe mới cóng có thể nhanh chóng biến thành một hố sâu khiến bạn mắc kẹt.

Một chiếc xe mới xuất xưởng sẽ mất tới 30% giá trị trong năm đầu tiên, rồi một nửa giá trị sau 3 năm. Thông tin này là đủ để bạn nghĩ lại quyết định mua một chiếc xế hộp đắt tiền của mình.
2. Mua một căn nhà ngoài khả năng
Sở hữu một căn nhà sẽ tăng giá theo thời gian có thể sẽ là một khoản đầu tư thực tế. Tuy nhiên, nếu phần lớn giá trị căn nhà đó bạn trả bằng tiền vay thì rất có khả năng sau khi trừ đi gốc và lãi vay, bạn sẽ chẳng được lợi gì. Hơn thế, việc phải dồn từng đồng trả nợ ngân hàng mỗi tháng vô cùng rủi ro, vì bạn không có khoản dự phòng.
Trên thực tế, việc mua nhà là một quyết định trọng đại vì nó có thể ảnh hưởng đến tình trạng tài chính cá nhân của bạn trong hàng chục năm tiếp theo. Giải pháp hợp lý nhất là thường xuyên theo dõi thị trường và chọn lựa một căn nhà nằm trong khả năng chi trả của bạn.
3. Tiêu quá nhiều cho việc ăn ngoài
Cho dù khoản phải trả cho xe và nhà thường lấy đi phần lớn thu nhập của bạn, bạn có thể sẽ bất ngờ trước những khoản chi tiêu bạn nghĩ là lặt vặt khi cộng dồn lại. Không ít người cho rằng, khi có thu nhập ổn định hơn đồng nghĩa với việc có thể tận hưởng những bữa ăn nhà hàng thường xuyên hơn.

Tuy nhiên, bạn không nên vung tay quá trán cho điều đó, mà nên lên kế hoạch chi phí một cách cẩn trọng. Tự cho bản thân một chút không gian để chi tiêu cho những gì bạn muốn, nhưng đảm bảo mọi thứ trong tầm kiểm soát.
4. Có nửa kia hoặc bạn bè tốn kém
Ngay cả khi bạn là một bậc thầy quản lý tài chính cá nhân, những thói quen của người khác vẫn có thể ảnh hưởng đến những kế hoạch tiền bạc của bạn. Thất bại trong việc truyền tải thói quen chi tiêu tới nửa kia là một nguyên nhân phổ biến dẫn tới các tranh cãi trong hôn nhân.
Trong trường hợp bạn đang hẹn hò hoặc bắt đầu mối quan hệ, bạn dễ có xu hướng chi đậm cho quà tặng, những buổi đi chơi hay các chuyến du lịch. Đừng để điều đó ảnh hưởng đến tương lai của bạn. Hãy thẳng thắn về những kỳ vọng của bản thân ngay từ đầu, bạn sẽ tránh được vô số tranh cãi về chủ đề này trong những năm tới.
Đừng quên like Facebook page của Sodu để cập nhật những kiến thức quản lý tiền bạc hiệu quả: https://www.facebook.com/sodu.asia/
5. Nợ thẻ tín dụng
Ngày nay, không khó để có một chiếc thẻ tín dụng, thậm chí ngay cả khi thu nhập của bạn không cao hay lịch sử tín dụng không tốt. Với những người không có thói quen kiểm soát chi tiêu tốt, chúng có thể trở thành những con quái vật gặm nhấm sạch số tiền của bạn.

Cách để tận dụng được những lợi ích của thẻ tín dụng là luôn lên kế hoạch chi tiêu thấp hơn thu nhập của bạn và nghiêm khắc thực hiện nó.
6. Không đầu tư
Đa số chúng ta muốn làm giàu nhanh chóng, nhưng bạn cần nhớ rằng đầu tư và lên kế hoạch tài chính cá nhân giống như một cuộc marathon, thay vì là một quãng chạy nước rút. Bạn bắt đầu sớm hơn thì bạn sẽ có khả năng tích lũy số tài sản lớn hơn.
Khi đầu tư ở độ tuổi 30, bạn vẫn còn một khoảng thời gian dài để học hỏi kinh nghiệm và xây dựng sự tự tin, trong lúc nhìn tài sản của mình tăng lên theo thời gian.
Pingback: 6 chỉ số tài chính cá nhân bạn cần luôn nắm rõ trong lòng bàn tay để trở nên giàu có – Sodu