Lạm phát là gì? Lạm phát ảnh hưởng tới tài sản của bạn như thế nào?

Bạn có thể đã nghe cụm từ “lạm phát” rất nhiều lần. Nhưng bạn có biết rõ thực chất lạm phát là gì? Đâu là các nguyên nhân dẫn đến lạm phát hay lạm phát ảnh hưởng đến tài sản của bạn như thế nào? Những câu hỏi này sẽ được Sodu.asia giải đáp trong bài viết này.

Lạm phát là gì?

Lạm phát là một chỉ số đo lường định lượng mức độ gia tăng của giá cả trung bình một giỏ các loại hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian. Thường có đơn vị phần trăm, lạm phát phản ánh sự suy giảm về sức mua của đồng tiền một quốc gia. Giá cả tăng ảnh hưởng tới chi phí sinh hoạt và thường khiến cho cơ quan quản lý tiền tệ của quốc gia đó, thông thường là các ngân hàng trung ương, phải đưa ra các biện pháp cần thiết nhằm giữ lạm phát trong ngưỡng cho phép.

Đối ngược với lạm phát là giảm phát, hiện tượng giá của các loại hàng hóa và dịch vụ giảm, đồng nghĩa với tỉ lệ lạm phát ở mức dưới 0%.

Ví dụ về lạm phát

Có không ít ví dụ thực tế về lạm phát mà bạn có thể tìm thấy một cách dễ dàng.

Vào năm 1983, một người phụ nữ tại TP. HCM gửi tiết kiệm 270 đồng, tương đương với 5 tháng lương công chức tại thời điểm đó. Đến năm 2014, tức hơn 30 năm sau, số tiền cả gốc lẫn lãi người phụ nữ này nhận được là 4.385 đồng, tức chỉ đủ mua một mớ rau.

Nguyên nhân dẫn đến lạm phát

Giá cả tăng là gốc rễ của lạm phát, nhưng hiện tượng này có thể được gây ra bởi nhiều yếu tố khác nhau. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát: lạm phát cầu kéo, lạm phát chi phí đẩy và lạm phát cơ cấu.

Lạm phát cầu kéo xảy ra khi mà tổng cầu hàng hóa dịch vụ trong một nền kinh tế gia tăng với tốc độ nhanh hơn khả năng sản xuất của nền kinh tế đó. Điều này tạo ra một khoảng cách giữa cung và cầu, dẫn đến tăng giá. Ví dụ, khi những nước xuất khẩu dầu mỏ quyết định giảm sản lượng, nguồn cung bị ảnh hưởng. Khi đó, nhu cầu dầu mỏ cao hơn cung có thể đáp ứng, dẫn đến tăng giá và góp phần tạo ra lạm phát. Bên cạnh đó, việc tăng nguồn cung tiền trong một nền kinh tế cũng có thể dẫn đến lạm phát. Khi mà người dân có nhiều tiền hơn, họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Điều này cũng dẫn đến cầu tăng cao và đẩy giá cả tăng theo.

Lạm phát chi phí đẩy là kết quả của tăng giá các yếu tố đầu vào trong sản xuất. Có thể kể đến tăng chi phí nhân công, hoặc nguyên vật liệu thô. Điều này dẫn đến giá thành của hàng hóa và dịch vụ tăng theo, tạo ra lạm phát.

Lạm phát cơ cấu bắt nguồn từ các kỳ vọng mang tính thích ứng. Khi giá hàng hóa và dịch vụ tăng lên, người lao động kỳ vọng và đòi hỏi mức lương cao hơn để duy trì mức sống. Tiền lương tăng dẫn đến chi phí tạo ra hàng hóa hay cung cấp dịch vụ tăng theo. Vòng tròn này cứ thế tiếp tục.

Tác động của lạm phát

Lạm phát có cả mặt tốt và mặt xấu.

Những người sở hữu tài sản hữu hình như bất động sản hoặc các loại hàng hóa tồn kho có thể sẽ thích lạm phát vì khi đó họ có thể bán chúng với một mức giá cao hơn. Ở chiều ngược lại, người mua những tài sản này có thể sẽ không cảm thấy vui vẻ vì họ phải bỏ ra số tiền lớn hơn.

Những người nắm giữ tiền mặt sẽ không thích lạm phát, bởi nó làm giảm giá trị đồng tiền. Lạm phát thúc đẩy đầu tư, bao gồm cả đầu tư của các doanh nghiệp vào dự án mới cũng như đầu tư của cá nhân vào các loại chứng khoán với mục đích thu được mức lợi nhuận lớn hơn so với tốc độ lạm phát.

Tuy nhiên, một mức độ lạm phát nhất định là cần thiết nhằm thúc đẩy tiêu dùng thay vì tiết kiệm. Việc sức mua của đồng tiền không thay đổi theo thời gian có thể hạn chế tiêu dùng, ảnh hưởng tới nền kinh tế do sự suy giảm trong lưu thông tiền tệ. Cách tiếp cận tốt nhất của các quốc gia với lạm phát là giữ chúng ở một tỉ lệ vừa phải.

%d bloggers like this: