Sau khi bong bóng Bitcoin và các loại tiền mã hóa thoái trào từ mức đỉnh xác lập cuối năm 2017, những nhà đầu tư trẻ tuổi của thế hệ Y đã tìm ra một khoản đầu tư ưa thích mới: các cổ phiếu liên quan đến cần sa.

TLRY, mã cổ phiếu của Tilray Inc., doanh nghiệp sản xuất cần sa đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ đã có một màn trình diễn ngoạn mục trong năm vừa rồi. Cổ phiếu này đã tăng liên tục trong nhiều phiên liên tiếp từ khi chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối tháng 7, thậm chí ở mức gần 400%. Tại thời điểm bài viết này, cổ phiếu của Tilray tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn giao dịch ở mức tăng hơn 175% so với giá phiên IPO. Đây là một kết quả không hề tồi, đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm vừa qua gặp nhiều biến động, khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ.
Trên thực tế, cần sa lần đầu được hợp pháp hóa trên lãnh thổ Hoa Kỳ là vào năm 1996. California chính là bang đầu tiên thực hiện điều này, nhưng chỉ áp dụng với cần sa phục vụ mục đích y học, hỗ trợ điều trị các bệnh nhân bị bệnh mãn tính. Phải đến năm 2012, hai bang đầu tiên là Washington và Vermont mới bắt đầu hợp pháp hóa cần sa phục vụ mục đích giải trí. Tính đến 2018, có 30 bang của Mỹ đã hợp pháp hóa cần sa.

Theo một nghiên cứu thực hiện bởi BDS Analytics, thị trường dành cho cần sa chỉ tính riêng tại khu vực Bắc Mỹ đã đạt quy mô lên tới 9,7 tỷ đô la trong năm 2018, tăng trưởng ấn tượng 33% so với năm trước đó. Một khảo sát khác của Gallup cũng trong năm ngoái thì chỉ ra rằng có 1 trong 4 người trưởng thành tại Mỹ sử dụng cần sa. Và với tỉ lệ 64% người Mỹ được hỏi ủng hộ việc hợp pháp hóa cần sa, nhiều người tin rằng nền công nghiệp này sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Các công ty sản xuất cần sa cũng có một năm 2018 tương đối bận rộn. Theo chân Tilray Inc., nhiều cái tên khác cũng bắt đầu niêm yết tại Mỹ: Canopy Growth Corp (CGC), Cronos Group Inc. (CRON), Aurora Cannabis Inc. (ACB) và Aphria (APHQF). Ngoài ra, các công ty này còn rất tích cực trong việc mua lại các công ty khác trong ngành. Hồi tháng 5, Aurora Cannabis lập kỷ lục thương vụ có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực cần sa khi mua lại CanniMed Therapeutics với giá 852 triệu đô la Mỹ. Đến tháng 7, lại là Aurora Cannabis tự phá kỷ lục của mình khi mua lại MedReleaf với mức giá hơn 2 tỷ đô la Mỹ. Trước khi niêm yết tại Mỹ, Aphria cũng đã mua lại Nuuvera với mức giá 425 triệu đô la Canada. Không chịu kém cạnh, Canopy Growth cũng mua lại thành công Hiku Brands vào tháng 9 ở mức giá 269,2 triệu đô la Canada.

Một yếu tố khác đem lại sự phổ biến của các cổ phiếu cần sa trong năm vừa qua là thông tin về sự quan tâm của các doanh nghiệp từ các ngành công nghiệp khác. Coca-Cola đã công bố ý định nghiên cứu phát triển và ra mắt một loại đồ uống từ CBD (cannabidiol), một thành phần có trong cần sa. Ngay sau khi có tin đồn Aurora Cannabis sẽ là đối tác đồng hành cùng Coca-Cola, cổ phiếu của công ty cần sa này đã tăng mạnh 14%. Ngoài ra, hãng sản xuất bia rượu Constellation có trụ sở tại Mỹ cũng đã đầu tư 4 tỷ USD vào Canopy Growth để sản xuất đồ uống cần sa.
Mới đây, cổ phiếu của Aurora Cannabis cũng đã vượt mặt Apple để trở thành mã cổ phiếu được các nhà đầu tư trên phần mềm Robinhood ưa thích nhất.
3 replies on “Cần sa đã và đang trở thành khoản đầu tư yêu thích của thế hệ Y như thế nào?”
[…] giới cũng khuyên bạn nên cẩn thận với các khoản nợ. Nếu bạn vay nợ để mua vào các loại tài sản như cổ phiếu hay bất động sản, bạn phải chắc chắn rằng chúng có khả năng đem lại lợi nhuận nhiều hơn […]
[…] Cần sa đã và đang trở thành khoản đầu tư yêu thích của thế hệ Y như thế n… […]
[…] này đều có thể tăng nếu mối đe dọa coronavirus tăng lên, nhà đầu tư cần tách biệt giữa kỳ vọng nhất thời và yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Sẽ mất một khoảng thời gian trước khi bất kỳ cái tên nào có thể cho ra […]