Categories
Tiết kiệm

Làm theo những bước này để làm chủ tài chính trong năm 2019

Tết, quãng thời gian đẹp đẽ nhất trong năm đang đến rất gần. Tuy nhiên, rất có thể ví tiền của bạn sẽ không thấy vậy. Mùa lễ hội thường đến cùng với những chi phí như tụ tập ăn uống, trang hoàng nhà cửa, sắm quần áo mới và mừng tuổi con trẻ. Ngay lúc này đây, chắc hẳn bạn cũng đang rục rịch chuẩn bị cho một năm mới sắp về rồi.

Vì thế, dù chia sẻ sự háo hức với các độc giả, Sodu hi vọng rằng bạn cũng sẽ có những kế hoạch nhất định về tài chính cá nhân trong những ngày đầu năm mới, để 2019 là một năm tấn tài tấn lộc.

1. Theo dõi mọi tài khoản

Thật khó để làm điều này trong thời đại ngày nay. Tiền của bạn có thể chia sẻ giữa các tài khoản ngân hàng khác nhau, trong các loại ví điện tử, thậm chí là trong tài khoản đầu tư, thay vì chỉ có tiền mặt là lựa chọn duy nhất như trước. Cho dù các sản phẩm hiện đại này có nhiều lợi ích không thể như tính tiện dụng hay nhiều ưu đãi, chúng cũng có thể khiến bạn mất kiểm soát tiền của mình dễ hơn do không có cảm giác thực tế như dùng tiền mặt.

Để khắc phục điều này, hãy chắc chắn rằng bạn luôn có thể theo dõi các khoản chi từ mọi tài khoản. Một số ứng dụng quản lý chi tiêu trên điện thoại như Money Lover, với khả năng kết nối với các tài khoản ngân hàng và tự động cập nhật các biến động số dư có thể sẽ là công cụ trợ giúp đắc lực cho bạn.

2. Thường xuyên cập nhật thông tin

Đối với quản lý tài chính cá nhân, thường xuyên cập nhật thông tin là điều không thể thiếu. Tại mỗi thời điểm, bạn nên biết rõ mình đang có bao nhiêu tiền. Nhờ đó, bạn có thể tránh mắc phải các sai lầm như dùng thẻ tín dụng quá tay và bị phạt mức lãi suất cao do trả chậm.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên rèn luyện thói quen tổng kết chi tiêu mỗi cuối tuần hoặc cuối tháng, theo từng danh mục khác nhau. Từ đó bạn có thể nhận ra rằng mình đang tiêu nhiều tiền hơn dự kiến cho việc gì, và đưa ra các điều chỉnh tương ứng.

3. Đặt ra các mục tiêu

Vấn đề mọi người hay gặp phải khi đặt ra các mục tiêu tài chính là chúng thường có vẻ xa vời. Điều này đặc biệt đúng với những người lần đầu lên kế hoạch. Tiết kiệm đủ một khoản thanh toán trước cho căn nhà đầu tiên có thể mất hàng năm trời, và suy nghĩ rằng bạn phải hi sinh những thú vui thường ngày mà bạn vẫn quen tận hưởng bấy lâu nay nghe không hề vui vẻ một chút nào.

Dù vậy, mọi hành trình đều bắt đầu với những bước đi nhỏ. Chỉ khi bắt đầu đặt mục tiêu bây giờ, bạn mới có thể hi vọng về tương lai dài hạn. Một mẹo nhỏ cho bạn: thử sức với những mục tiêu nhỏ như theo tháng trước, và tăng dần sau khi bạn đã đạt được những thành công ban đầu.

4. Biết cách bảo vệ tài sản

Dù bạn có lên kế hoạch kĩ đến đâu, cuộc sống vẫn luôn tiềm ẩn vô số những rủi ro ngoài dự kiến. Đó có thể là đường ngập khiến xe bạn bị hỏng, hoặc một trận ốm bất thường. Những yếu tố này có khả năng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính cá nhân của bạn, bởi chi phí cho chúng vô cùng tốn kém.

Để bảo vệ tài sản của bản thân trước các rủi ro này, bạn nên cân nhắc các gói bảo hiểm. Bí quyết trong chuyện này nằm ở phong cách sống của bạn. Nếu là người thường xuyên di chuyển nhiều bằng ô tô, các gói sản phẩm cho xe ô tô sẽ là thứ bạn cần quan tâm. Nếu bạn thường xuyên phải làm việc nặng trong môi trường áp lực, bảo hiểm sức khỏe sẽ có giá trị đối với bạn.

5. Cẩn trọng với các bong bóng tài chính (nhưng cũng không nên quá bi quan)

Làm giàu nhanh nghe thật hấp dẫn, nhưng hầu hết những cách được quảng cáo có thể giúp bạn làm điều này đều có yếu tố lừa đảo, hoặc có nguy cơ khiến bạn mất sạch tài sản. Nếu như bạn nghe được một khoản đầu tư chắc ăn, thì có thể đã là quá muộn. Đó là trường hợp của những nhà đầu tư mộng mơ mua vào Bitcoin tại thời điểm cuối năm 2018, ngay trước khi đồng tiền số này bắt đầu cú trượt dài.

Khi nghĩ về đầu tư, lời khuyên dành cho bạn là hãy dành cho nó sự quan tâm đặc biệt. Đầu tư cho những công ty mà bạn nắm chắc, và hướng đến giá trị lâu dài thay vì thu nhập tức thời là những điều bạn nên làm.

One reply on “Làm theo những bước này để làm chủ tài chính trong năm 2019”

[…] Nếu có con, bạn sẽ biết những chi phí dành cho chúng có thể tốn kém đến mức nào, ngay cả khi chúng lớn lên. Những đứa trẻ ở lứa tuổi thành niên có thể sẽ vẫn cần bạn giúp đỡ trang trải cuộc sống, học phí và các chi phí liên quan tới giáo dục khác. Sau khi tốt nghiệp, có thể chúng cũng phải mất một khoảng thời gian trước khi có thể trở nên độc lập về mặt tài chính. […]

Leave a Reply

%d