Categories
Tiêu dùng

Những sai lầm người mua nhà lần đầu thường mắc phải

Bỏ tiền ra mua căn nhà đầu tiên của chính mình là một quyết định trọng đại, và nó có thể trở nên vừa hứng khởi nhưng cũng vừa đáng sợ. Đáng sợ bởi có rất nhiều sai lầm mà một người mua nhà lần đầu thiếu kinh nghiệm rất dễ mắc phải, trong khi cái giá cho chúng không hề rẻ chút nào.

Trong bài viết này, Sodu.asia sẽ liệt kê những sai lầm này, và cách bạn có thể hạn chế chúng.

1. Quyết định vội vàng

Mua nhà là một quá trình tương đối phức tạp, đặc biệt là nếu bạn mua bằng cách vay trả góp. Do đó, ra quyết định vội vàng là một sai lầm có thể khiến bạn phải trả giá đắt. Không lên kế hoạch cẩn thận có thể khiến bạn không tiết kiệm đủ khoản phải trả trước ban đầu, mất đi khả năng đăng ký các khoản vay ưu đãi hơn và tệ hơn cả là không kịp trang bị kiến thức cần thiết trong việc chọn nhà.

Việc bạn nên làm: Lên kế hoạch chi tiết cho việc mua nhà ít nhất một năm trước khi quyết định xuống tiền. Trong thời gian này bạn có thể tìm hiểu các lời khuyên mua nhà, cũng như tìm cách gia tăng thu nhập và tiết kiệm để có một vị thế tốt hơn.

2. Mua nhà quá khả năng chi trả

Nếu ngôi nhà mơ ước có hơi nằm ngoài mức kinh phí đặt ra ban đầu, đa phần mọi người có xu hướng “cố gắng thêm một chút”. Tuy nhiên, đi quá giới hạn không hề tốt trong nhiều chuyện, trong đó có cả mua nhà. Việc mua nhà quá khả năng chi trả có thể sẽ khiến bạn phải hối hận sau này, nhất là khi bạn đối diện rủi ro mất nhà do gặp phải biến cố về tài chính.

Việc bạn nên làm: Tập trung cân nhắc khoản tiền gốc lẫn lãi mà bạn phải chi trả hàng tháng, thay vì mức vay tối đa mà bạn đủ điều kiện. Chỉ vì bạn có thể vay một hạn mức lớn hơn, không có nghĩa là bạn nên làm như vậy. Các chuyên gia tài chính cá nhân thường khuyên rằng bạn khoản chi trả vay mua nhà hàng tháng không vượt quá 28% thu nhập của bạn.

3. Chỉ tham khảo một đơn vị cho vay

Với mức tiền lớn và thời gian dài của các gói vay mua nhà, rõ ràng là dù chỉ 0.1% khác biệt về lãi suất cũng đem đến sự khác biệt. Vì thế, bạn không nên giới hạn các lựa chọn của bản thân mình bằng việc chỉ tham khảo gói cho vay của một ngân hàng nhất định.

Việc bạn nên làm: Lời khuyên của các chuyên gia là tham khảo thật nhiều, ít nhất là 3 sản phẩm cho vay từ các ngân hàng khác nhau. So sánh mức lãi suất, thời hạn trả nợ và các điều khoản vay kỹ lưỡng để tìm ra sản phẩm phù hợp nhất với khả năng tài chính của bạn.

4. Rút cạn số tiền tiết kiệm

Ngay cả nếu đi vay ngân hàng để mua nhà, bạn vẫn cần một khoản trả trước (down payment) ngoài giá trị khoản vay. Và với nhiều người, khoản tiền này cũng không hề nhỏ chút nào. Dù vậy, bạn cũng không nên rút sạch số tiền mình có để chi trả cho khoản tiền này, bởi khi đó bạn sẽ ở trong trạng thái vô cùng rủi ro về mặt tài chính. Bạn sẽ không có đủ tiền mặt trong trường hợp cần thiết.

Việc bạn nên làm: Luôn có một quỹ dự phòng tương đương với 6 tháng thu nhập hoặc chi phí sinh hoạt. Để tránh rủi ro, bạn chỉ nên dùng số tiền bạn có ngoài quỹ dự phòng này để thanh toán khoản mua nhà trả trước.

5. Không tìm hiểu kĩ khu vực xung quanh

Thử tưởng tượng bạn đã mua được căn nhà mà bạn hằng mơ ước. Trước khi quyết định, bạn đã tham khảo rất kỹ mọi thứ về căn nhà đó: xây dựng chắc chắn, trang thiết bị chất lượng cao, nội thất bài trí đẹp mắt. Chỉ trừ khu vực xung quanh là bạn chưa khảo sát. Thế nhưng, kết quả là khi dọn về sinh sống, bạn liên tục bị ảnh hưởng bởi những người hàng xóm thiếu văn hóa, nảy sinh bất tiện trong việc đi lại cũng như thiếu đi những tiện nghi khác như chợ, khu vui chơi, v.v…

Việc bạn nên làm: Đến khảo sát nhà và khu vực xung quanh tại nhiều thời điểm khác nhau để có hình dung về mật độ giao thông cũng như nếp sống của hàng xóm. Tính toán các khoảng cách và thời gian di chuyển tới các địa điểm quan trọng như nơi làm hay nhà bố mẹ. Thậm chí bạn cũng nên tìm hiểu về tỉ lệ tội phạm trong khu vực đó nữa.

6. Quyết định dựa trên cảm xúc

Mua ngôi nhà đầu tiên – nơi sẽ lưu giữ những kỉ niệm của bạn – là một cột mốc to lớn trong cuộc đời mỗi người. Vì thế, bạn rất dễ để cảm xúc lấn át mà quên mất rằng, mình đang đứng trước khoản đầu tư có thể nói là có giá trị cao nhất trong cuộc đời.

Việc bạn nên làm: Có một kế hoạch cụ thể về kinh phí dự kiến có thể bỏ ra cùng các yêu cầu đối với căn nhà và tuân thủ kế hoạch đó một cách chặt chẽ.

7. Cho rằng phần trả trước bắt buộc là 20%

Đúng là thông thường, để mua nhà bạn sẽ bị yêu cầu trả trước khoảng 20 – 30% giá trị căn nhà, bên cạnh khoản vay 70 – 80%. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Hiện cũng có những chủ đầu tư chỉ yêu cầu mức 10%. Với những ai có khả năng tương đối kinh tế eo hẹp, đây là một lựa chọn khả dĩ.

Việc bạn nên làm: Nếu không sẵn sàng trả trước một khoản có giá trị lên tới 20% căn nhà, bạn có thể tham khảo các đơn vị chủ đầu tư yêu cầu mức thấp hơn phù hợp với tình trạng tài chính cá nhân của bạn.

8. Đi tìm căn nhà hoàn hảo

Người ta thường nói không có gì là hoàn hảo, và lĩnh vực bất động sản cũng không phải ngoại lệ. Cân nhắc rất nhiều yếu tố không đồng nghĩa với cầu toàn một cách cực đoạn. Việc đi tìm căn nhà hoàn hảo cũng khiến bạn bỏ qua những cơ hội tốt để “an cư” chỉ vì cho rằng sẽ luôn có một lựa chọn khác tốt hơn.

Việc bạn nên làm: Giữ cho tâm lý luôn cởi mở với những lựa chọn trên thị trường. Bạn cũng có thể tìm một căn nhà và sửa sang lại cho phù hợp, khi mà luôn có các gói vay cho phép bạn làm điều này.

9. Tính toán sai chi phí sở hữu nhà

Nếu số tiền gốc và lãi phải trả mỗi tháng đủ làm bạn lo ngại, thì có lẽ bạn sẽ sốc khi cộng thêm những chi phí “chìm” của việc sở hữu một căn nhà. Những người mua nhà lần đầu, do thiếu kinh nghiệm, khi tính toán thường bỏ qua những chi phí “chìm” như làm giấy tờ, sửa sang, mua sắm một số trang thiết bị cho phù hợp nhu cầu và các tiện nghi khác. Nếu không có một khoản tiền dư sau khi trả tiền gốc và lãi vay, những loại chi phí này có thể khiến bạn đau đầu.

Việc bạn nên làm: Tham khảo những người có kinh nghiệm, có thể là người môi giới của bạn hoặc các chuyên gia tài chính. Khảo sát căn nhà bạn dự định mua và liệt kê các chi phí “chìm” bạn có khả năng gặp phải. Cuối cùng, để dành một khoản tiền tương đương 1 – 3% giá trị căn nhà mỗi năm cho việc duy trì và sửa sang nâng cấp.

10. Không thương lượng với môi giới

Đây là một điều mà hầu như không người mua nhà lần đầu nào nghĩ đến. Khi bán được nhà cho bạn, người môi giới sẽ được hưởng một khoản hoa hồng tính theo tỉ lệ phần trăm giá trị căn nhà. Bạn hoàn toàn có thể thương lượng với người môi giới của mình để yêu cầu họ chia sẻ lại một phần số tiền này.

Việc bạn nên làm: Thương lượng một cách khéo léo với người môi giới của bạn để xem phản ứng của họ. Nếu họ đồng ý, số tiền bạn nhận lại không hề nhỏ chút nào. Giả sử căn nhà bạn mua giá 3 tỷ đồng, thì 1% được hoàn lại cũng đã tương ứng với 30 triệu đồng rồi, đúng không nào?

11. Bỏ qua các gói vay mua nhà ở xã hội

Sở hữu một căn nhà không phải là điều dễ dàng với tất cả mọi người, và đối với những gia đình có thu nhập thấp, điều này lại càng khó khăn hơn. Đặc biệt là trong tình trạng bất động sản luôn là một loại tài sản thường xuyên bị đầu cơ rất mạnh, khiến những người có nhu cầu ở thực sự khó có thể chạy đua với mức giá trên trời. Khi đó, các gói vay mua nhà ở xã hội là một cứu tinh.

Việc bạn nên làm: Hiện tại, lãi suất cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội năm 2019 đang ở mức 5%, khá hợp lý với những gia đình có thu nhập thấp. Nếu mong muốn sớm an cư, đây là một lựa chọn không tồi. Bạn vẫn có thể chuyển tới một căn nhà mới sau này khi kinh tế gia đình ổn định hơn.

4 replies on “Những sai lầm người mua nhà lần đầu thường mắc phải”

%d