Bạn có biết rằng, có thể chính những niềm tin và thói quen bén rễ bấy lâu nay của bản thân hóa ra lại là thứ ngăn cản bạn có được một cuộc sống tốt đẹp hơn? Trải qua quá trình tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, Dan Lok, một huấn luyện viên lối sống nổi tiếng thế giới đã rút ra 7 điều làm nên sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo.
1. Người nghèo xem TV, người giàu đọc sách
Hãy thử nghĩ xem bạn dành bao nhiều giờ mỗi ngày để xem TV? Lần cuối bạn đọc một cuốn sách là khi nào? Mỗi năm bạn đọc được bao nhiêu cuốn sách?

Đối với người giàu, họ hiểu được thời gian và kiến thức là những tài sản quan trọng nhất. Bởi vậy, thay vì lãng phí thời gian vào những việc không đem lại hiệu quả, người giàu dành thời gian của họ để mở mang hiểu biết. Những hiểu biết này sẽ giúp họ trong việc gia tăng thu nhập của bản thân.
2. Người nghèo kiếm tiền dựa trên thời gian, người giàu kiếm tiền dựa trên kết quả
Một sự thật có phần khắc nghiệt của cuộc sống: kết quả là tiêu chí duy nhất để phân biệt giữa người thành công và kẻ thất bại. Ví dụ tiêu biểu nhất là các vận động viên. Những người được trả lương cao nhất luôn là những cá nhân có thành tích nhanh nhất, ghi nhiều điểm nhất thay vì là thành tích số giờ tập luyện nhiều nhất.

Giả sử bạn và nhóm của mình làm việc rất vất vả để đưa một sản phẩm ra thị trường, nhưng nó không thể tạo ra doanh thu. Khi đó, cũng không ai quan tâm đến việc bạn đã bỏ ra bao nhiêu thời gian và công sức cho nó. Người giàu hiểu được điều này, và họ biết cách làm việc hiệu quả để đem lại kết quả cao nhất, thay vì dành nhiều thời gian.
3. Người nghèo thích đổ lỗi, người giàu chịu trách nhiệm
Với người nghèo, họ sẽ luôn luôn cho rằng là lỗi của một ai đó chứ không phải họ khiến cho họ không có được cuộc sống mơ ước. Nền kinh tế, chính phủ, sếp, công việc, thành phố, hàng xóm, bạn bè. Không có gì là họ không thể lấy ra làm nguyên nhân cho thất bại của mình.

Ngược lại, người giàu có hiểu rằng chính họ chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Nhờ vậy, họ chủ động đưa ra quyết định, biết chấp nhận thất bại và không ngừng tiến lên.
4. Người nghèo tập trung tiết kiệm, người giàu tập trung đầu tư
Tiết kiệm không xấu. Tuy nhiên, nếu thu nhập của bạn không cao, thì việc tiết kiệm của bạn không có nhiều ý nghĩa lắm. Bên cạnh đó, nếu chỉ tiết kiệm đơn thuần, số tiền của bạn cũng sẽ mất dần giá trị bởi lạm phát. Hẳn bạn vẫn còn nhớ những câu chuyện về sổ tiết kiệm của nhiều người có giá trị bằng căn nhà, sau vài chục năm “bốc hơi” chỉ tương đương giá cân thịt, mớ rau.

Người giàu thì biết cách khiến tiền phục vụ họ. Không chỉ đầu tư vào các cơ hội kinh doanh, các ý tưởng mới để tiền sinh ra thêm tiền; họ còn đầu tư cho chính bản thân mình.
5. Người nghèo nghĩ mình biết tất cả, người giàu không ngừng học hỏi
Người nghèo lại thường muốn tất cả mọi người phải lắng nghe ý kiến của họ về gần như mọi thứ: chính trị, thể thao, kinh doanh, xã hội. Trái lại, những người thực sự giàu có lại rất khiêm tốn và sẵn sàng học hỏi bằng nhiều cách thức khác nhau.

Lần tới bạn nghĩ rằng mình hiểu biết về một vấn đề gì đó, hãy nhớ đến câu nói của văn hào Mark Twain: “Những điều khiến chúng ta gặp rắc rối không phải những điều ta không biết, mà là những điều ta tưởng biết chắc mà lại không phải vậy”.
6. Người nghèo nghĩ tiền là nguồn gốc mọi tội ác, người giàu nghĩ nghèo là nguồn gốc mọi tội ác
Câu thành ngữ phổ biến “Tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội ác”, tiếc thay, lại không phải là chân lý. Thay vào đó, chính xác hơn phải là “Thiếu tiền là nguồn gốc của mọi tội ác”. Những khu vực có tỉ lệ tội phạm cao nhất luôn là những khu vực có mức sống thấp nhất đủ để chứng minh điều này.

Thay vì những hiểu biết sai lầm về tiền bạc, người giàu nhìn nhận rõ bản chất trung lập của tiền. Tiền chỉ là công cụ, và tốt hay xấu tùy thuộc vào cách sử dụng của người có tiền.
7. Người nghèo thích chơi trò may rủi, người giàu hướng về hành động
Không ít người nghèo là khách quen của các tiệm vé số. Họ tin rằng đây là cách duy nhất để trở nên giàu có. Họ không biết rằng, theo thống kê khoa học, xác suất trúng sổ xố còn thấp hơn cả xác suất chết do tai nạn máy bay hoặc bị sét đánh.

Người giàu thì chủ động kiểm soát vận may của mình thông qua hành động. Họ không thích ý nghĩ vận mệnh của họ phụ thuộc vào may rủi hoặc một bên thứ ba nào đó.
One reply on “7 điều người nghèo làm còn người giàu thì không”
[…] trang blog về tài chính cá nhân ESI Money. Sau khi dành nhiều năm phỏng vấn hơn 100 triệu phú, John đã rút ra kinh nghiệm để trở nên giàu có, gói gọn chỉ trong 4 […]